1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chiến bí mật chống CHDCND Triều Tiên

Các cơ quan tình báo, lực lượng hải quân và không quân của ít nhất 13 quốc gia đang âm thầm tiến hành một "cuộc chiến bí mật" chống lại Bình Nhưỡng - đó là tiết lộ của tờ Sunday Times (Anh) ngày 9/7.

Sau các vụ thử tên lửa trong tuần qua của CHDCND Triều Tiên, chiến dịch trên dự tính sẽ được đẩy lên một mức độ mới. Các hoạt động được triển khai bao gồm từ việc chặn bắt tàu bè của CHDCND Triều Tiên trên biển, đến xâm nhập các tài khoản đáng ngờ tại các ngân hàng ở Macau hay thực hiện các phi vụ nghe trộm từ tàu chiến và máy bay do thám ngoài khơi.

 

Chương trình bắt đầu từ năm 2003 với tài trợ của Mỹ, nhưng các quan chức hầu như không hé răng về chuyện này. Một nhà ngoại giao cao cấp phương Tây giải thích ngắn gọn: "Ngoại giao không ăn thua, vũ lực chưa được bàn đến, cho nên sẽ chỉ có áp lực kiểu này là gia tăng mà thôi".

 

Cho đến nay, chương trình đã mang lại một vài kết quả. Năm ngoái, Mỹ đã ngăn chặn không cho CHDCND Triều Tiên mua các thiết bị dùng để sản xuất nhiên liệu cho tên lửa. Mỹ cũng thuyết phục được Trung Quốc không bán hóa chất cho chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Một chuyến tàu chở "tiền chất" cho loại vũ khí này bị chặn lại ở Đài Loan trước khi cập cảng CHDCND Triều Tiên. Theo ông John Bolton, Đại sứ Mỹ tại LHQ, chương trình đã làm giảm đáng kể thu nhập của CHDCND Triều Tiên từ việc bán tên lửa đạn đạo và các khoản thu khác, ước tính khoảng 500 triệu USD/năm.

 

Sát cánh cùng Mỹ trong các hoạt động này trước hết là Anh, sau đó là Úc, New Zealand, Nhật Bản, Italy, Tây Ban Nha, Singapore... nhưng công luận chính các nước đó cũng không biết về sự tồn tại của chương trình. Một báo cáo của Quốc hội Mỹ nhấn mạnh: "Không có ban thư ký quốc tế, không chứng minh được những cơ quan nào tham gia chương trình, không có văn bản hay dữ liệu nào về thành công hay thất bại, không biết nguồn tài trợ từ đâu".

 

Robert Joseph, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí tiết lộ rằng 11 tổ chức của CHDCND Triều Tiên - gồm các công ty thương mại và ngân hàng - cùng 6 tổ chức khác của Iran và 1 của Syria đã lọt vào "danh sách đen" theo sắc lệnh số 13382 do Tổng thống Bush ký.

 

Mới đây, cơ quan mật vụ Mỹ và FBI lần đầu tiên khẳng định CHDCND Triều Tiên làm đô la giả với trị giá lên tới 100 triệu USD, ngoài ra còn thông đồng với các băng nhóm tội phạm Trung Quốc sản xuất Viagra giả, thuốc lá giả và amphetamine (chất gây nghiện).

 

Các nhà điều tra đã tìm hiểu về một công ty thương mại CHDCND Triều Tiên và hai ngân hàng ở Macau. Công ty nói trên nằm cạnh một sòng bạc và nhà tắm hơi do những người mang hộ chiếu ngoại giao CHDCND Triều Tiên quản lý. Những người này sau đó đã nhanh chóng biến mất. Hai ngân hàng Seng Heng và Banco Delta Asia thì phủ nhận bất cứ cáo buộc nào. Nhưng các cơ quan chức năng Macau đã vào cuộc và phong tỏa 20 triệu USD trong nhiều tài khoản của CHDCND Triều Tiên. Tuần trước, CHDCND Triều Tiên đòi trả lại số tiền như một điều kiện tiên quyết trước khi đàm phán, phía Mỹ đã từ chối.

 

Mỹ và đồng minh hiện nay đang lo ngại CHDCND Triều Tiên có thể bán plutonium cho một nước khác, như Iran chẳng hạn. Khả năng này được coi là "nguy cơ lớn thứ hai", theo một nhà ngoại giao phương Tây. Cuối năm ngoái, tạp chí Der Spiegel (Đức) dẫn các nguồn tin tình báo cho biết, một quan chức cấp cao của Iran đã tới Bình Nhưỡng đề nghị đổi dầu và khí lấy sự hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Cùng thời điểm đó nổi lên việc các nhóm lưu vong Iran tố cáo chuyên gia CHDCND Triều Tiên giúp Iran chế tạo tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tại một tổ hợp ngầm trong dãy núi Khojir và Bar Jamali, gần thủ đô Tehran.

 

Theo V.H

Thanh niên/Sunday Times