1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc chạy đua trước giờ G trên "bàn cờ Triều Tiên"

(Dân trí) - 15 năm trước, 5 cường quốc trên thế giới từng ngồi lại với nhau nhằm đạt được thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên. Hiện tại, khi Tổng thống Donald Trump chuẩn bị gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un, các nước này một lần nữa vào cuộc để gây dựng ảnh hưởng, báo hiệu triển vọng thay đổi đáng kể tại khu vực Đông Á.

Từ trái qua phải: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: AFP, REUTERS, EPA-EFE)
Từ trái qua phải: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (Ảnh: AFP, REUTERS, EPA-EFE)

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga đều mong muốn ghi dấu ấn của họ khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều chuẩn bị diễn ra tại Singapore. Họ lần lượt sắp xếp các cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, đồng thời thúc đẩy các chương trình nghị sự mà trong nhiều trường hợp có sự mâu thuẫn với nhau.

Tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã tới Bình Nhưỡng gặp ông Kim Jong-un. Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tới Nhà Trắng hôm 7/6 để gặp Tổng thống Trump. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn đang tích cực chuẩn bị cho cuộc gặp 3 bên với ông Trump và ông Kim Jong-un sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng hai lần đón tiếp nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong vòng 3 tháng tại Trung Quốc, cho thấy sự cải thiện nhanh chóng trong quan hệ song phương sau một thời gian lạnh nhạt.

Tương lai khu vực

Các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp đã làm dấy lên hy vọng rằng, các cường quốc có thể dàn xếp một loạt vấn đề khó khăn hiện nay và hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Không lâu trước đó, nhiều người còn lo ngại rằng tốc độ phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự với Mỹ trên bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh những bất đồng sâu sắc giữa các bên vẫn còn tồn tại, bao gồm sự hoài nghi về toan tính thực sự của nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng như sự sẵn lòng của Tổng thống Donald Trump, giới phân tích dự báo rằng tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể dẫn tới việc định hình lại về cơ bản các liên kết an ninh tại một trong những khu vực đông đúc và phát triển nhất về kinh tế trên thế giới.

“Đây không chỉ là tương lai của Triều Tiên, mà còn là tương lai của Đông Bắc Á, và ông Kim Jong-un đang là người lèo lái. Một câu hỏi được đặt ra là liệu những nước còn lại có nhận thức được rằng, họ cần định hình rõ hơn về một khu vực Đông Bắc Á như họ mong muốn khi bước vào bàn đối thoại hay không”, Sheila Smith, chuyên gia Nhật Bản tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận định.

Trong suốt 3 thập niên qua, những bước phát triển của Triều Tiên trong chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo đã hình thành bối cảnh an ninh trong khu vực Đông Bắc Á sau Chiến tranh Lạnh. Trong khi Mỹ củng cố quan hệ đồng minh lâu dài với Hàn Quốc và Nhật Bản, một Trung Quốc trỗi dậy cũng tìm cách duy trì ảnh hưởng chính trị và quan hệ thương mại với láng giềng Triều Tiên.

Nhật Bản lo lắng

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 7/6 (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 7/6 (Ảnh: AP)

Tuy vậy, những toan tính của Tổng thống Donald Trump trong mối quan hệ với Triều Tiên cũng như vai trò lãnh đạo và đối tác toàn cầu của Mỹ đã ảnh hưởng tới tình hình khu vực Đông Bắc Á. Trước thềm hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên, ông chủ Nhà Trắng tái khẳng định mong muốn giảm số lượng binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, đồng thời cam kết bảo đảm sự tồn tại của chính quyền Kim Jong-un theo một thỏa thuận hạt nhân và tỏ ra hào hứng với ý tưởng ký kết hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Những động thái trên của Mỹ khiến Thủ tướng Shinzo Abe lo lắng. Nhà lãnh đạo Nhật Bản e ngại việc Washington bình thường hóa quan hệ với Triều Tiên - quốc gia “thù địch” mà Tokyo vẫn coi là mối đe dọa lớn trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hiến pháp Nhật Bản không cho phép sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như hạn chế hoạt động của quân đội.

Giới chức Nhật Bản cho biết Thủ tướng Abe sẽ tiếp tục gây sức ép với Tổng thống Trump trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo trong tuần này để buộc Mỹ phải duy trì lập trường cứng rắn với Triều Tiên. Tokyo lâu nay không chỉ lo ngại chương trình hạt nhân, mà còn các tên lửa tầm ngắn và trung có thể tấn công Nhật Bản của Bình Nhưỡng.

“Nước bị gạt ra ngoài lề xa nhất là Nhật Bản. Điều đó đặt ông Abe vào môt vị trí đầy rủi ro, buộc ông phải chạy theo tất cả mọi người để góp tiếng nói”, Evan Medeiros, nhà phân tích cho tổ chức Eurasia Group và từng là Giám đốc phụ trách châu Á tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định.

Vai trò của Hàn Quốc

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in nắm tay tại thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Moon Jae-in nắm tay tại thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Trump từng tuyên bố khi mối đe dọa từ Triều Tiên giảm xuống, theo lẽ tự nhiên, sự hiện diện về an ninh của Mỹ tại Đông Á cũng phải giảm theo. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ mâu thuẫn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản - hai nước vốn có quan hệ song phương không mấy nồng ấm. Trong khi Seoul muốn Mỹ đóng vai trò như một bên trung gian và thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, Tokyo vẫn muốn Washington cứng rắn với Bình Nhưỡng.

Là một nhà lãnh đạo tự do, Tổng thống Moon đã dẫn đầu nỗ lực kết nối với Triều Tiên. Sau khi ông Trump bất ngờ tuyên bố hủy hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều khi hai nước có sự căng thẳng, Tổng thống Moon đã nhanh chóng tổ chức cuộc gặp lần hai với nhà lãnh đạo Kim Jong-un để đưa mọi việc đi đúng quỹ đạo. Ông Moon thúc đẩy mạnh mẽ một thỏa thuận hòa bình và hạn chế đề cập tới vấn đề nhân quyền với Bình Nhưỡng, ngay cả khi Thủ tướng Abe hối thúc ông Trump phải đưa vấn đề 12 công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 70, 80 vào chương trình hội đàm.

Theo chuyên gia Michael Auslin tại Viện nghiên cứu Hoover, hàng loạt hội nghị thượng đỉnh với quy mô nhỏ diễn ra sau cuộc gặp liên Triều hồi tháng 4 đã phá vỡ khuôn mẫu truyền thống trong cơ chế giải quyết vấn đề Triều Tiên. Ông Auslin cho rằng thế giới đang chứng kiến tiến trình phi hạt nhân hóa từ từ đối với Triều Tiên, trong đó các mô hình hội nghị thượng đỉnh hay sáng kiến ngoại giao đa phương như Đàm phán 6 bên trước đây đã được thay thế bằng các cuộc gặp đan xen giữa các bên.

Tiếng nói Trung - Nga

Chủ tịch Tập Cận Bình đón ông Kim Jong-un tại Trung Quốc trong cuộc gặp hồi tháng 3 (Ảnh: KCNA)
Chủ tịch Tập Cận Bình đón ông Kim Jong-un tại Trung Quốc trong cuộc gặp hồi tháng 3 (Ảnh: KCNA)

3 tuần trước, Tổng thống Trump từng chỉ trích Trung Quốc vì tác động ngầm tới Triều Tiên, khiến nước này có thái độ căng thẳng và dọa hủy hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. Ông Trump công khai thể hiện sự khó chịu khi Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp ông Kim Jong-un tại Trung Quốc lần thứ hai trong khi Nhà Trắng không hay biết.

Giới phân tích cho rằng mối quan hệ ngày càng ấm lên giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ đóng vai trò nhất định trong các cuộc đàm phán Mỹ - Triều. Mặc dù không ủng hộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, song Trung Quốc được cho là sẽ tìm cách để đảm bảo rằng ông Kim Jong-un không thể đạt được một thỏa thuận đưa Triều Tiên xích lại gần hơn với Mỹ.

Nga là nước có vai trò nhỏ hơn trong tiến trình ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga tới Bình Nhưỡng là dấu hiệu cho thấy Moscow vẫn muốn duy trì đòn bẩy nhất định trong “ván cờ” Triều Tiên. Trong khi đó, việc Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang lên kế hoạch tới thăm Bình Nhưỡng cũng khiến một số nước lo ngại rằng Nga và đồng minh Trung Đông có thể đang tìm cách can thiệp vào vấn đề Triều Tiên.

Thành Đạt

Theo Washington Post