1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Điểm nóng Vùng Vịnh:

Cùng đếm ngược, Mỹ - Iran "chiếu tướng" châu Âu

Tuyên bố đe dọa làm giàu uranium vượt mức được JCPOA cho phép của Iran mang sắc thái xử lý tình huống của nước này trong cuộc "khủng hoảng con tin" từng xảy ra tại Iran  vào năm 1979.  Song, khác với trước, với bước đi này, nay Iran lại nhắm vào EU.

Ngày 17/6, phát biểu trên kênh truyền hình Nhà nước, Bộ trưởng Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi tuyên bố: “Chúng tôi đã nhân bốn lần tốc độ làm giàu và đang tiếp tục tăng tốc, theo đó, số lượng uranium làm giàu sẽ vượt mức giới hạn 300 kg trong vòng 10 ngày tới”.

Bước qua “lằn ranh đỏ” này đồng nghĩa với việc Iran, nối gót Mỹ, sẽ chính thức rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nước này đã ký kết với P5+1 ngày 14/7/2015. Thiếu vắng sự hiện diện của hai quốc gia chủ chốt, JCPOA chắc chắn sẽ sụp đổ và khiến căng thẳng Mỹ - Iran ngày một xấu đi.

Mỹ nắm tiên cơ…

Trước đó, Washington đã giành tiên cơ khi tố cáo Tehran phá hoại bốn tàu chở dầu ngoài khơi Eo biển Hormuz, thuộc Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và hai tàu chở dầu khác tại Vịnh Oman ngày 12/6.

Về mặt địa điểm, đây là hai tuyến đường hàng hải huyết mạch ở Trung Đông và những hành động như vậy, dù là vô tình hay cố ý, đều dễ khiến căng thẳng hay xung đột bùng phát. Quan trọng hơn, Oman hay UAE đều là “anh em cọc chèo” với Saudi Arabia, một trong hai trụ cột còn sót lại của Mỹ tại Trung Đông. Do đó, đây là nơi thuận lợi để Washington và đồng minh có thể "phù phép" ra bằng chứng cần thiết, khép Tehran vào án tử.

Cùng đếm ngược, Mỹ - Iran chiếu tướng châu Âu - 1

Hình ảnh khoang tàu chở dầu bốc cháy tại Eo biển Hormuz được Mỹ cung cấp lại có chất lượng như những thước phim những năm đầu thế kỷ 20. (Nguồn: AP)

Về mặt chứng cứ, như thường lệ, Mỹ luôn đưa ra tang chứng “hợp tình” để biện minh cho lời nói của mình. Tuy nhiên, những hình ảnh quay với độ phân giải thấp đến khó tin thì chẳng hợp lý cho lắm trong thời đại công nghệ 4.0. Đến cả một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington là Tokyo cũng tỏ ý nghi ngờ trước tuyên bố này, nhất là sau chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới thăm Tehran sau hơn bốn thập kỷ thiết lập quan hệ.

Tương tự, giới lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cũng không mấy tin “bằng chứng thuyết phục” đến từ bên kia bờ Đại Tây Dương. Giữa tâm bão, ngày 15/6, Thứ trưởng Iran Abbas Araghchi và Phó Cao ủy phụ trách Chính sách Đối ngoại EU Helga Scmid đã gặp nhau tại Tehran để thảo luận về giải pháp cho vụ tàu chở dầu bị tấn công và triển vọng gìn giữ JCPOA.

Về mặt thời gian, vụ việc diễn ra sau khi Mỹ điều động thêm binh lính, triển khai vũ khí và thiết bị chiến tranh tới vùng Vịnh để gây áp lực tối đa với Iran. “Bất ngờ” hơn, tình hình Iran nóng lên ngay trước khi ông Donald Trump chính thức tuyên bố tham gia Bầu cử Tổng thống năm 2020 vào ngày 18/6. Trong chiến dịch chạy đua và đầu nhiệm kỳ, nhà lãnh đạo này đã nhiều lần cam kết sẽ rút khỏi JCPOA và bắt Iran ký kết một thỏa thuận khác “công bằng hơn”, có lợi cho Mỹ. Thời gian không còn nhiều và tìm “cớ” để gây áp lực, buộc Tehran chiều theo ý mình nhằm giành được thành tựu đối ngoại, phục vụ quá trình tranh cử có lẽ là phương án được ông Donald Trump lựa chọn.

Và nước cao cờ của Iran

Song lịch sử căng thẳng 40 năm qua trong quan hệ Mỹ - Iran cho thấy Tehran không hề xa lạ với những chiêu bài này, thậm chí còn đưa ra những nước cờ dồn Washington vào thế bí.

Một trong số đó là vụ khủng hoảng con tin tại Iran năm 1979, khi 56 nhà ngoại giao và công dân Mỹ bị bắt làm con tin trong 444 ngày tại Tehran. Họ chỉ được trả tự do sau Thỏa thuận Algiers, được ký 20 phút sau khi ông Ronald Reagan chính thức nhậm chức Tổng thống thay thế cho người tiền nhiệm Jimmy Carter, vốn phải chấp nhận thất bại vì không thỏa hiệp với Iran.

Cùng đếm ngược, Mỹ - Iran chiếu tướng châu Âu - 2

Hình nộm của “Chú Sam” bị đốt trước cửa Đại sứ quán Mỹ tại Iran ngày 13/11/1979. (Nguồn: CNN)

Tuyên bố đe dọa làm giàu uranium vượt mức cho phép của JCPOA của Iran giờ đây mang một sắc thái tương tự, nhằm giành lại thế chủ động trước hành động của Mỹ. Tuy nhiên, khác với lần trước, bước đi này của Tehran lại nhắm vào Brussels.

Bản thân Iran không mong muốn xung đột quân sự với Mỹ, bởi chiến tranh luôn là phương án cực chẳng đã và cái giá phải trả, dù thành hay bại, sẽ làm tổn hại nghiêm trọng chế độ Cộng hòa Hồi giáo hơn 40 năm tuổi. Tuy nhiên, nhượng bộ trước những yêu cầu của Washington đồng nghĩa với việc đánh mất đi vị thế và tầm ảnh hưởng tại khu vực, đi ngược lại với truyền thống chống Mỹ từ khi thành hình của nhà nước Hồi giáo Iran.

Song thế “tiến không được, thoái chẳng xong” này chưa làm khó được Tehran. Người Ba Tư, hậu duệ Aladdin luôn biết cách tìm thấy đèn thần và lần này không phải là ngoại lệ: Iran nhận thức rằng EU rất mong muốn bảo toàn JCPOA. Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này, Brussels đã tích cực liên lạc, thậm chí chấp nhận một số điều kiện có phần ngặt nghèo của Tehran để đổi lấy cam kết tiếp tục duy trì JCPOA. Sở dĩ EU có sự xuống nước này bởi hai lý do.

Thứ nhất, EU tin rằng cách tốt nhất để kiểm soát vũ khí hạt nhân của Iran là “trói” Tehran vào thỏa thuận và cho đến trước khi ông Donald Trump đắc cử, cách tiếp cận đó vẫn duy trì được hiệu quả. Thứ hai, EU mong muốn bảo vệ lợi ích của các tập đoàn lớn trong khối đang kinh doanh và hợp tác với các đối tác Iran, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà trong tuyên bố, Bộ trưởng Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi có “gài” thêm một câu nho nhỏ: “Các nước châu Âu vẫn còn thời gian cứu vãn thỏa thuận hạt nhân lịch sử này”. Tương tự, tiếp tân Đại sứ Pháp tại Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng: “Đây là giai đoạn then chốt và Pháp vẫn có thể làm việc cùng các nước trong Thỏa thuận (JCPOA), đóng vai trò lịch sử nhằm cứu vãn Thỏa thuận trong thời gian ít ỏi còn lại”.

Châu Âu là cái nôi sản sinh ra nhiều danh thủ đi vào huyền thoại bóng đá như Marco Van Basten, Gerd Muller hay Zinedine Zidane. Tuy nhiên, chính trị gia của lục địa này liệu có thể đón được quả bóng từ chân Iran và quyền biến nó thành “bàn thắng” lợi ích hay không, lại là một câu chuyện rất khác.

Theo Lưu Minh Quân

Thế giới & Việt Nam