1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cửa thoát hiểm của Nga trên chiến trường Syria

Thành lập một chính phủ liên minh và một khu tự trị cho người Kurd trong một nhà nước Syria thống nhất là kết quả có hậu cho Nga.

Một chiến dịch quân sự lớn của Nga tại Syria đã được tổ chức thực hiện 2 tuần nay với những tình huống, diễn biến “sốc và sợ hãi” mà thế giới đã chứng kiến. Nhưng một vấn đề là “điểm dừng” của chiến dịch quân sự là đâu, nghĩa là yêu cầu, nhiệm vụ, mục tiêu (quân sự, chính trị) đạt được của chiến dịch mà Nga đặt ra là gì, đạt được đến đâu là kết thúc chiến dịch… Đã đến lúc khiến rất nhiều người quan tâm tới vấn đề này bởi đó chính là cửa thoát hiểm của Nga trên chiến trường Syria.

Một vị tướng Nga, trước khi mở màn chiến dịch, tuyên bố, chỉ cần 2 tháng là Nga sẽ quét sạch IS, lúc đó, đương nhiên, tuyên bố đó đã được coi là “hỏa lực mồm”. Nga cũng tuyên bố (nhưng không chính thức) rằng, chiến dịch quân sự chỉ thực hiện trong 3-4 tháng.

Cũng như Mỹ trong nhiều cuộc chiến tranh, tại Syria, Nga cũng đang đụng vào một khối bùng nhùng với rất nhiều phe phái lực lượng… Do đó, việc Nga lặp lại kịch bản như Mỹ hay như chính Liên Xô tại Afghanixtan vẫn có thể xảy ra.

Cửa thoát hiểm của Nga trên chiến trường Syria - 1

Nga không kích nhà xưởng chế tạo bom mìn của IS

Tuy nhiên, căn cứ vào sự điều động lực lượng, bố trí lực lượng, sử dụng lực lượng và diễn biến chiến dịch của Nga trên chiến trường Syria thì có vẻ như mục tiêu chiến dịch quân sự mà Kremlin đề ra bước đầu đã rất trôi chảy và thời gian thực hiện chiến dịch 3-4 tháng chắc chắn phải thành sự thật vì từ tháng 2-4/2016 là mùa những cơn bão cát ở Syria.

Mở một chiến dịch quân sự tầm cỡ như Nga vào Syria để tấn công các lực lượng khủng bố mà Nga cấm hoạt động (LIH), cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng. Nga xác định IS và các tổ chức khủng bố khác có chừng 70.000 tên, trong đó có chừng 5.000 tên người Nga, vì thế, nếu Syria bị thất thủ bởi IS thì sẽ trở thành căn cứ địa nguy hiểm cho những kẻ khủng bố này vào nước Nga, cho nên, việc Nga phải tiêu diệt lực lượng này dù chúng ở đâu, quốc gia nào (theo kiểu Mỹ) là chiến lược sống còn.

Như vậy, tấn công tiêu diệt IS, LIH với Nga không phải là vấn đề nên hay không mà là lúc nào và ra sao mà thôi. Và, do đó, tấn công tiêu diệt IS, LIH là mục tiêu đầu tiên hay giai đoạn 1 của chiến dịch.

Trong giai đoạn 1 của chiến dịch, có 2 điểm nhấn khiến Nga được Trung Đông tôn vinh, coi là quốc gia dẫn đầu chống khủng bố (nhưng bị Tổng thống Nga Putin từ chối hôm qua).

Một là về động cơ, thái độ. Nga tấn công khủng bố “nghiêm túc”, nhưng Mỹ thì “không nghiêm túc”.

Hai là sức mạnh quân sự của Nga trên chiến trường.

Có thể nói, 2 điểm nhấn này đủ dể tạo ra một chấn động địa chính trị, địa quân sự trên toàn Trung Đông.

Do Mỹ “không nghiêm túc” chống IS trong 1 năm qua nên những quốc gia bị IS đe dọa không còn tin Mỹ, đều muốn mời Nga tấn công IS. Đồng thời, với khả năng quân sự của Nga được biểu hiện thông qua các hình thức tác chiến của vũ khí công nghệ cao, rất hiệu quả, đã cho phép họ có sự lựa chọn thay vì duy nhất là Mỹ.

Nga chứng minh hùng hồn cho người Trung Đông thấy rằng, sức mạnh quân sự của Nga không kém Mỹ, không chỉ mỗi vũ khí hạt nhân. Việc Nga phóng 26 quả tên lửa hành trình bay 1.500 km làm rúng động giới quân sự nhiều quốc gia vốn lâu nay coi Mỹ là số 1 cũng mới chỉ là chuyện nhỏ, bởi một hạm đội tàu mặt nước nhỏ chưa phải là tất cả của Nga khi Nga có rất nhiều “tùy chọn” khác từ tàu ngầm, các khu trục tên lửa của các Hạm đội tên tuổi khác.

Vì thế, nếu như trước đây phải theo Mỹ vì sợ, dù không thân, không thích…thì ngày nay họ còn có Nga, một thế lực mạnh như Mỹ, để lựa chọn. Iraq, Ai Cập và đặc biệt mấy ngày nay, đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Saudi Arabia đang có dấu hiệu xích lại gần Nga về dầu mỏ, quan điểm về Syria, khiến Mỹ sững sờ.

Còn nhớ mấy ngày đầu của cuộc không kích, Saudi Arabia, Qata và Thổ Nhĩ Kỳ gần như tuyên bố thánh chiến với Nga, đặc biệt Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra hung hăng, kích động mạnh… bởi vì họ nghĩ rằng, “quả táo Syria” sẽ rơi vào tay họ khi chiến thắng sắp đến gần.

Nhưng sự xuất hiện của Nga đã biến các tính toán của họ nhầm lẫn, Nga đã thay đổi nguyên tắc trò chơi: “Từ giờ trở đi, tất cả phải tôn trọng Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế. Nếu không tuân thủ, các bạn sẽ nhận được điều gì đó từ Nga” .Và, bằng sức mạnh quân sự, Nga đã, đang và sẽ đánh sập toàn bộ cơ sở hậu cần, kỹ thuật, căn cứ huấn luyện, kho tàng vũ khí, nhiên liệu, trung tâm chỉ huy đầu não của quân khủng bố, đồng thời răn đe có hiệu quả những quốc gia tiếp tay, nuôi dưỡng cho các tổ chức khủng bố bị đánh trước khi chuyển sang giai đoạn 2.

Giai đoạn 2 của chiến dịch là dùng lực lượng mặt đất để giải quyết chiến trường. Rõ ràng, cuộc tấn công của không quân-vũ trụ Nga, cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình từ tàu mặt nước, dù ấn tượng đến mấy mà không có lực lượng mặt đất tham gia giải quyết khâu cuối cùng trên chiến trường thì cũng coi như không có hiệu quả. Điều đó có nghĩa rằng chiến thắng IS, LIH phụ thuộc vào chiến thắng trên mặt đất, nhưng chiến thắng trên mặt đất đều cần phải có sự hỗ trợ đắc lực của không quân Nga.

Lực lượng mặt đất chính là quân đội của Assad, Hezbollah, dân quân người Kurd và quân tình nguyện Iran…là lực lượng “đóng chiếc đinh cuối cùng vào quan tài” IS, LIH, hạ gục hoàn toàn lực lượng khủng bố Hồi giáo ở phía Bắc Syria.

Trước đòn tấn công bằng hỏa lực mạnh, khủng khiếp như vậy, IS, LIH buộc phải phân tán lực lượng hoặc chỉ có thể tháo chạy sang ẩn náu ở Thổ Nhĩ Kỳ, do đó, đóng chặt biên giới phía Bắc với Thổ Nhĩ Kỳ, chặt đứt dòng tài chính của nó bằng cách chặn đứng việc buôn bán dầu lậu và các kênh chuyển giao vũ khí…là nhiệm vụ trọng điểm của quân đội Assad và Hezbollah và đặc biệt là lực lượng dân quân người Kurd. Chắc chắn biên giới Thổ-Syria sẽ nổi danh với những cuộc giao tranh trong tương lai.

Giai đoạn 3 của chiến dịch là giai đoạn quyết định nhất của chiến dịch, nó được coi như chiến lược thoát hiểm của Nga sau khi phá hủy hoàn toàn tổ chức khủng bố có vũ trang, chính quyền Assad kiểm soát toàn bộ đất nước. Đó là đối thoại chính trị để giải quyết khủng hoảng lâu nay.

Những gì người Mỹ vấp phải ở Afghanistan, Iraq, Libya cho thấy: Từ một góc độ quân sự, họ đã giải quyết được vấn đề: lật đổ chế độ hiện hành. Nhưng không có một suy nghĩ về làm thế nào để xây dựng một cuộc sống yên bình hơn, không ai nghĩ về làm thế nào để giải quyết các vấn đề về giải pháp chính trị nên tạo ra một sự hỗn loạn mà thế giới đã chững kiến. Do tư tưởng chiến lược với Trung Đông của Nga khác Mỹ nên đã rút kinh nghiệm

Để chuẩn bị cho giai đoạn 3 này, Nga đang tích cực hợp tác với Assad, tuyên bố rằng đã sẵn sàng cho cuộc đối thoại quốc gia rộng lớn với phe đối lập chính danh như “Quân đội Syria Tự do”. Ông Assad thậm chí còn sẵn sàng từ chức Tổng thống, nếu có yêu cầu của người dân Syria. Tuy nhiên, ông Assad sẽ có ích cho sự thống nhất của Syria trong nhiều năm nữa mới kết thúc sứ mệnh chuyển tiếp chính trị của mình.

Một chính phủ Syria hình thành từ chính quyền Assad, lực lượng đối lập “chính danh” và một khu vực tự trị người Kurd trong một nhà nước Syria thống nhất là kết thúc có hậu cho chiến dịch quân sự của Nga tại Syria.

Theo Lê Ngọc Thống

Đất Việt

Cửa thoát hiểm của Nga trên chiến trường Syria - 2