1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Crimea được trang bị những gì sau khi sáp nhập vào Nga?

Kể từ khi Crimea chính thức trở thành một phần lãnh thổ của Nga 3 năm trước đây, bán đảo này đã được trang bị thêm nhiều trang thiết bị, khí tài quân sự hiện đại nhằm đáp ứng tình hình mới...

Roman Azanov đã có bài viết về vấn đề này trên Tass.ru. Xin trích giới thiệu bài viết này.

Trước thời điểm Crimea sáp nhập vào Nga, Hạm đội Biển Đen đã đóng tại bán đảo này theo Hiệp ước Nga - Ukraine, nhưng từ năm 1997, hạm đội này chỉ được tăng cường một tàu tên lửa đệm khí “Samum” và các máy bay ném bom Su-24.

Sau khi Crimea chính thức trở thành một phần lãnh thổ của Nga vào ngày 16-3-2014, tình hình đã có nhiều thay đổi. Năm 2015, Hạm đội Biển Đen đã tiếp nhận hơn 200 đơn vị vũ khí và trang bị mới, gần 40 tàu chiến khác nhau, hơn 30 máy bay (trong đó có tiêm kích Su-30SM). Hạm đội được tăng cường 140 đơn vị xe bọc thép tự động hiện đại nhất. Tổ hợp tên lửa bờ biển hiện đại Bastion được đưa vào trực chiến tại Crimea.

Năm 2016, Hạm đội Biển Đen đã tiếp nhận các loại tàu ngầm và tàu chiến mới nhiều hơn cả so với các hạm đội khác của Nga. Các loại tàu chiến trong biên chế của hạm đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trực chiến thường xuyên.

Crimea cũng được tăng cường hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph; các tổ hợp Pantsir-S, tiêm kích Su-30SM và tổ hợp tên lửa bờ biển Bastion đều được bố trí lại. Theo kế hoạch, đến năm 2020, Hạm đội Biển Đen sẽ có thêm 50 tàu chiến các loại.

Các loại tàu ngầm tại Crimea

Thành phần tàu ngầm của Hạm đội Biển Đen được bổ sung hoàn chỉnh. Các loại tàu ngầm động cơ điện-diesel theo thiết kế 636.3 (Varshavyanka) trở thành một trong những loại tàu chiến hiện đại nhất của Nga hiện nay. 6 chiếc tàu ngầm loại này được bố trí tại Novorossia và Sevastopol.

Tháng 10-2016, Hạm đội Biển Đen được bổ sung tàu ngầm Novgorod vĩ đại theo đồ án thiết kế 636.3. Chiếc thứ 6 cũng là chiếc cuối cùng trong loạt này có tên Kolpino, được chuyển giao cho Hạm đội Biển Đen vào ngày 24-11-2016.

Tàu hộ vệ tên lửa Mirazh thuộc Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Ảnh: Sputnik
Tàu hộ vệ tên lửa Mirazh thuộc Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Ảnh: Sputnik

Hai chiếc đầu tiên Novorossia và Rostov-on-Don được biên chế cho Hạm đội Biển Đen vào năm 2014, còn hai chiếc Staryi Oskol và Krasnodar được bàn giao vào năm 2015.

Như vậy đến nay, việc đóng loạt tàu ngầm loại này cho Hải quân Nga đã được hoàn thành. Quá trình chế tạo 6 chiếc Varshavyanka cho Hạm đội Biển Đen được bắt đầu từ năm 2010. Việc đóng loạt tương tự cho Hạm đội Thái Bình Dương dự kiến bắt đầu năm 2017 và hoàn thành năm 2021.

Loại tàu 636 đã chứng tỏ được khả năng của mình vào cuối năm 2015, khi chiếc Rostov-on-Don thuộc Hạm đội Biển Đen từ biển Địa Trung Hải đã sử dụng tên lửa có cánh Kalibr để tiêu diệt các mục tiêu của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Tàu tuần duyên và Buyan

Năm 2016, Hạm đội Biển Đen được tăng cường những chiếc tàu tuần duyên loại “Đô đốc” trang bị tổ hợp tên lửa Kalibr-NK.

Chiếc tàu ngầm đầu tiên trong loạt 11356 Đô đốc Grigorovich được đưa vào biên chế của hạm đội vào ngày 11-3-2016. Vào tháng 5-2016, chiếc tàu này được đưa đến Sevastopol; đến tháng 11, chiếc tàu đã thực hiện nhiệm vụ trong lực lượng tàu chiến của Hải quân Nga tại vùng biển phía đông Địa Trung Hải. Ngày 15-11-2016, Bộ Quốc phòng Nga công bố video cảnh phóng tên lửa Kalibr nhằm vào các mục tiêu của lực lượng khủng bố tại Syria.

Chiếc thứ hai có tên Đô đốc Essen được trang bị cho Hạm đội Biển Đen vào ngày 7-11-2016. Chiếc thứ ba có tên Đô đốc Makarov hiện đang thử nghiệm tại vùng biển Baltic, dự kiến sẽ được chuyển giao cho Hạm đội Biển Đen trong thời gian sớm nhất. Theo các nhà thiết kế, đây là những chiếc tàu chiến có độ tin cậy cao của Hạm đội Biển Đen trong thời gian tới.

Năm 2015, Hạm đội Biển Đen được biên chế thêm hai tàu tên lửa nhỏ (MRK) Serpukhov và Green Dol thuộc dự án 21.631 Buyan-M, được trang bị tên lửa Kalibr. Hiện nay còn 4 chiếc tàu chiến thuộc dự án này đang được đóng tại nhà máy Zelenodolsk.

Thân tàu theo dự án này được chế tạo theo công nghệ "tàng hình", trên màn hình radar rất khó để phân biệt chúng với các thuyền đánh cá. Xác suất bị phát hiện trên biển giảm nhờ được thiết kế với cấu trúc mặt bóng và lớp sơn có khả năng hấp thụ tốt.

Các tàu thuộc dự án Buyan-M với kích thước khiêm tốn có khả năng trở thành một đối thủ rất nguy hiểm trên biển. Tên lửa của tàu có thể vươn tới mục tiêu ở vùng vịnh Persic, kênh đào Suez, Biển Đỏ và Địa Trung Hải trong vòng bán kính 2.500km.

Tính năng chiến đấu của chúng đã được thử nghiệm bởi quân đội Syria: Tháng 10-2015, 3 chiếc tàu tên lửa cỡ nhỏ trong Hạm đội Kaspiski đã sử dụng thành công tên lửa chủ lực chống lại các nhóm IS.

Trong tương lai, Hạm đội Biển Đen sẽ tiếp nhận thêm các tàu cứu hộ, tương tự như tàu Igor Belausov, tàu bảo đảm hậu cần (tàu kéo) theo dự án 23120.

Dự kiến, tuần dương hạm tên lửa Moskva thuộc Hạm đội Biển Đen-một trong những tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Nga-sẽ được đưa đi sửa chữa và hiện đại hóa vào năm 2018.

Không quân tại Crimea

Mùa xuân năm 2016, một phi đội gồm 8 chiếc Su-30SM được thành lập ở Crimea. Trước đó, vào tháng 1-2015, các phi công của hạm đội bắt đầu vận hành Su-30SM ở Crimea. Các máy bay chiến đấu siêu thanh loại này sẽ thay thế những chiếc Su-24.

Đến mùa thu, biên chế của không quân, hải quân thuộc Hạm đội Biển Đen đã được bổ sung 4 máy bay tiêm kích. Các máy bay này được sản xuất tại nhà máy Irkutsk và được chuyển giao cho hạm đội trong khuôn khổ chương trình đổi mới toàn bộ trang bị không quân. Chúng được biên chế cho từng trung đoàn không quân tấn công của Hạm đội Biển Đen đóng tại sân bay Saki, Crimea.

Giữ vững vùng trời và vùng biển Crimea

Tháng 1-2017, tổ hợp phòng không S-400 Triumph được đưa vào trực chiến. Theo Tư lệnh Tập đoàn quân số 4-Lực lượng Phòng không-Không quân Victor Sevastyanov, tổ hợp S-400 có khả năng bảo vệ bán đảo Crimea và một phần lãnh thổ vùng Krasnodar.

Từ năm 2016, hệ thống này được trang bị cho Trung đoàn Tên lửa phòng không Sevastopol-Feodosia. Quân nhân thuộc trung đoàn được huấn luyện lại và đến tháng 9-2016 đã tiến hành phóng thử tên lửa trong khuôn khổ tập trận Kavkaz-2016.

Crimea nằm ở vị trí có thể bị tấn công cả từ trên biển và trên không, do đó cần có một hệ thống phòng thủ đồng bộ hiện đại. S-400 là một trong những thành tố quan trọng của hệ thống đó. Ngoài S-400, Crimea sẽ được trang bị các phương tiện phòng không hiện đại khác.

Theo nhà phân tích quân sự Viktor Litovkin của hãng thông tấn TASS, sự hiện diện của Triumph tại Crimea cùng với những hệ thống tên lửa khác như S-300, Buk-M2, Tor-M2, Pantsir-S1 với các hệ thống phòng không trên các tàu nổi có nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Crimea và những vùng biển tiếp giáp với bán đảo thuộc khu vực Biển Đen (vùng lãnh hải và vùng kinh tế của Nga).

Năm 2014, tổ hợp tên lửa bờ biển Bastion đã được triển khai trên bờ biển Crimea. Vào tháng 9 cùng năm, trong khuôn khổ tập trận, tên lửa của tổ hợp đã tiêu diệt mục tiêu giả định tại khu vực trung tâm Biển Đen ở khoảng cách 90km.

Tổ hợp tên lửa bờ biển Bastion được trang bị tên lửa siêu thanh P-800 Onyx (Yakhont-phiên bản xuất khẩu), có khả năng tiêu diệt các tàu mặt nước thuộc các lớp và các loại khác nhau. Một tổ hợp có thể bao gồm 36 tên lửa, có khả năng bảo vệ hơn 600km bờ biển.

Bên cạnh đó, tổ hợp Bal cũng được đưa vào trực chiến. Được trang bị tên lửa chống tàu tầm thấp Kh-35, tổ hợp Bal có khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt đất và mặt nước ở khoảng cách gần 130km.

Kh-35 có khả năng tiêu diệt các tàu có lượng giãn nước đến 5.000 tấn. Tên lửa có thể được sử dụng trong điều kiện khí tượng đơn giản và phức tạp, cả ngày lẫn đêm, bất chấp hỏa lực và biện pháp đối phó điện tử của đối phương.

Theo Trần Bình (lược dịch)

Quân đội nhân dân