1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cộng đồng quốc tế hoài nghi về vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên

(Dân trí) - Quan chức các nước và nhiều chuyên gia hạt nhân trên thế giới đã bày tỏ nghi ngờ ngay sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch đầu tiên ngày hôm nay (6/1) bởi sóng địa chấn đo được từ vụ thử nhỏ hơn nhiều.

 

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: www.abc.net.au)
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un (Ảnh: www.abc.net.au)

Vụ thử diễn ra 2 ngày trước sinh nhật của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Tháng trước, ông Kim Jong-un cũng đánh tiếng rằng Triều Tiên đã sản xuất được bom nhiệt hạch và ngay lập tức giới chuyên gia đã hoài nghi về thông tin này.

Đánh giá về vụ thử hôm nay, Crispin Rovere, chuyên gia kiểm soát vũ khí và chính sách hạt nhân trụ sở tại Úc, nhận định rằng cơn địa chấn đo được mạnh 5,1 độ richter tại khu thử Punggye-ri nhỏ hơn nhiều so với tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch của Triều Tiên. “Dữ liệu địa chấn đo được cho thấy vụ nổ nhỏ hơn nhiều so với sức công phá từ vụ thử bom nhiệt hạch”, chuyên gia Rovere nói.

Chuyên gia Rovere cũng phân tích thêm rằng: “Thoạt đầu, có vẻ họ đã thử thành công vụ thử hạt nhân nhưng đã bất thành ở giai đoạn 2 của vụ thử bom nhiệt hạch”.

Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản cho biết không phát hiện được múc độ bất thường nào về phóng xạ đo được tại các chốt kiểm soát trên khắp Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm nay (6/1) đã phái 3 máy bay để thu thập các vật liệu phóng xạ ngay sau vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên.

Choi Kang, phó chủ tịch Viện nghiên cứu chính sách Asan trụ sở tại Seoul, đánh giá: “Tôi không cho đây là vụ thử bom nhiệt hạch vì vụ nổ bom nhiệt hạch sức công phá lớn hơn rất nhiều. Tôi cho rằng đây chỉ là ngụy tạo dưới danh nghĩa vụ thử bom nhiệt hạch vì ông Kim Jong-un đã tuyên bố trước đó”.

Bruce Bennett, chuyên gia phân tích cao cấp về quốc phòng thuộc tập đoàn Rand của Mỹ, cũng không tin đây là vụ thử bom nhiệt hạch. “Nếu là bom nhiệt hạch, thì chỉ số đo được sẽ lớn hơn 10 lần những gì chúng ta thấy và địa chấn sẽ phải đạt trong khoảng 7 độ richter hoặc lớn hơn nữa”, chuyên gia Bennett nhận định. Vụ nổ hôm nay tương đương sức công phá khoảng 10-15 kiloton, nhỏ hơn vụ nổ Hiroshima vào năm 1945, theo chuyên gia Bennett.

Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc đã báo cáo lên các nghị sĩ nước này về việc Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Cơ quan này cũng cho rằng đây không thể là vụ thử bom nhiệt hạch. Một quan chức thuộc cơ quan này giấu tên nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy vụ nổ mạnh ngang vụ nổ bom nhiệt hạch.

Seong Chai-Ki, một chuyên gia nghiên cứu cao cấp thuộc Viện phân tích quốc phòng của Hàn Quốc, đánh giá vụ nổ này có thể là vụ thử phân rã hạt nhân, tiền giai đoạn tiến tới việc sản xuất bom nhiệt hạch.

Cộng đồng thế giới đã phản đối mạnh mẽ vụ thử trên. Nếu được xác nhận, thì đây sẽ là vụ thử thứ 4 tính từ năm 2006 và đánh dấu giai đoạn nâng cấp quan trọng về khả năng của nước này.

Hàn Quốc gọi vụ thử là một sự "khiêu khích nghiêm trọng" nhưng nói khó có thể tin đây là vụ thử bom nhiệt hạch. Tổng thống Park Geun-hye cho rằng cần nghiên cứu hơn để xác định bản chất của vụ thử. Tổng thống Hàn Quốc cũng gọi đây là thách thức lớn cho hòa bình và ổn định của thế giới.

Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Triều Tiên, đã phản đối vụ thử, còn Nhật Bản cũng lên án đây là thách thức đối với an ninh nước này và phái 3 máy bay để thu thập chứng cứ. Liên minh châu Âu cũng hối thúc Triều Tiên ngừng hành động nguy hiểm và bất hợp pháp này.


Chấm đỏ là vị trí Triều Tiên thử bom được cho là bom nhiệt hạch hôm nay (6/1) (Ảnh: www.abc.net.au)

Chấm đỏ là vị trí Triều Tiên thử bom được cho là bom nhiệt hạch hôm nay (6/1) (Ảnh: www.abc.net.au)

Vũ Duy

Tổng hợp