1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Con đường tơ lụa mới: Những ý đồ riêng ở một khu vực chung

Chiến lược đối với vùng Trung Á, thông qua việc xây dựng hệ thống thương mại Con đường tơ lụa mới, đang được Mỹ - Trung Quốc - Ấn Độ thực hiện với những ý đồ khác nhau. Tác giả James McBride, biên tập viên kinh tế của CFR có những phát hiện xung quanh vấn đề này. TG&VN trân trọng giới thiệu.

Con đường tơ lụa mới: Những ý đồ riêng ở một khu vực chung
 
Hơn 2.000 năm trước, chính quyền nhà Hán, Trung Quốc đưa ra khái niệm Con đường tơ lụa, một mạng lưới thương mại phát triển rực rỡ, nối liền Nam - Trung Á với Trung Đông và châu Âu. Ngày nay, ý tưởng về Con đường tơ lụa mới đang được Mỹ, Ấn Độ và một số nước liên quan khác tận dụng để phác thảo những kế hoạch riêng, thể hiện ở nhiều sáng kiến đan xen về hội nhập về kinh tế nhằm liên kết Đông và Trung Á.

Đôi khi, Mỹ và Trung Quốc đụng độ nhau trong kế hoạch cạnh tranh phát triển các nguồn tài nguyên năng lượng ở Turkmenistan, tạo cơ sở hạ tầng ở Pakistan, hoặc giành ảnh hưởng chính trị tại khu vực này. Năm 2011, Mỹ đưa ra Tầm nhìn về hội nhập cơ sở hạ tầng và kinh tế lớn hơn ở Trung Á với hy vọng hỗ trợ cho ổn định chính trị nơi đây sau khi họ đã rút khỏi Afghanistan. Còn năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình quả quyết rằng quan điểm riêng về một Con đường tơ lụa do Trung Quốc dẫn đầu, sẽ sắp xếp hợp lý hóa thương mại nước ngoài, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng châu Á, củng cố ảnh hưởng của Bắc Kinh tại khu vực này. Những cường quốc châu Á khác như Ấn Độ và Nga cũng vẫn đang tìm các cơ hội và cách tiếp cận của riêng mình với khu vực.

Hành động của Mỹ

Đối với Mỹ, Con đường tơ lụa mới đề cập đến một loạt các dự án đầu tư và thương mại chung có tiềm năng mang lại tăng trưởng kinh tế và ổn định cho khu vực Trung Á. Từ sau khi triển khai thêm 30.000 quân vào Afghanistan năm 2009 với hy vọng sẽ rút quân hoàn toàn sau đó vài năm, Washington đã bắt đầu vạch ra chiến lược hỗ trợ các sáng kiến thông qua các phương tiện ngoại giao, nhấn mạnh việc xây dựng một nền kinh tế Afghanistan độc lập với viện trợ nước ngoài.

Năm 2014, Thứ trưởng Ngoại giao William Burns đề cập chiến lược của Mỹ nhằm xây dựng thị trường năng lượng ở Trung Á trước thực tế hơn 1,6 tỷ người tiêu dùng ở Ấn Độ, Pakistan và phần còn lại của Nam Á đang có nhu cầu ngày càng cao về năng lượng, trong khi đó nguồn cung năng lượng và trữ lượng thủy điện, khí đốt tự nhiên trong khả năng cung cấp của Kazakhstan, Turkmenistan ngày càng khan hiếm. Giai đoạn kết nối đầu tư khu vực tư nhân và giới doanh nghiệp ở Afghanistan và Pakistan sẽ rất quan trọng, theo cựu Đại sứ Marc Grossman, từng là Đặc phái viên Mỹ tại Afghanistan và Pakistan từ năm 2011 đến năm 2012. Ông này cũng chỉ ra tiềm năng xuất khẩu cho các sản phẩm như trái cây Afghanistan và xi măng Pakistan, vốn đang bị hạn chế bởi các rào cản thương mại.

Các sáng kiến lớn của Mỹ đã được triển khai rất nhiều tại khu vực này. Có thể kể đến đề xuất về đường ống dẫn khí đốt Turkmenistan-Afghanistan-Pakistan-Ấn Độ (TAPI), đem tới lợi ích kinh tế lớn cho Afghanistan, giúp Turkmenistan khai thác trầm tích khí đốt tự nhiên, thêm nguồn cung năng lượng cho Ấn Độ và Pakistan. Nhưng dự án trị giá 10 tỷ USD này đã nhiều lần bị trì hoãn do Turkmenistan từ chối cho công ty nước ngoài thực hiện dự án.

Ngoài 1,7 tỷ USD hướng vào các dự án năng lượng tại Afghanistan kể từ năm 2010, Bộ Ngoại giao Mỹ đã dành hơn 2 tỷ USD để xây dựng 1.800 dặm đường quốc lộ. Đây chỉ là số lẻ trong 62 tỷ USD mà Mỹ đã chi cho các lực lượng an ninh Afghanistan.

Năm 2011, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đưa ra sáng kiến Đồng thuận Almaty - một "Khuôn khổ hợp tác khu vực" giữa các quốc gia Trung Á. Các dự án thuộc khuôn khổ Đồng thuận này bao gồm giảm các rào cản thương mại, phát triển năng lực xuất khẩu, hỗ trợ cho Afghanistan gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này được cụ thể hóa ở Hiệp ước giao thông vận tải xuyên biên giới (CBTA) giữa Afghanistan, Tajikistan và Kazakhstan, lưới điện CASA-1000 (cho phép Tajikistan và Kyrgyzstan bán điện thủy điện cho Afghanistan và Pakistan) và các thỏa thuận quá cảnh cho phép Afghanistan xuất khẩu hàng hóa miễn thuế vào Pakistan. Dù Mỹ cam kết tài trợ nhiều cho Trung Á nhưng phần lớn chỉ là để tạo thuận lợi cho các nỗ lực ngoại giao.

Kế hoạch của Trung Quốc

Trung Quốc có nhiều lý do để theo đuổi Con đường tơ lụa mới. Chiến lược của Trung Quốc thể hiện ở hai hướng: "Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa" và "Con đường tơ lụa trên biển".

Năm 2013, tại Kazakhstan, ông Tập Cận Bình nói muốn tạo ra một mạng lưới các tuyến đường sắt, đường ống dẫn năng lượng, đường cao tốc và cửa khẩu biên giới với sắp xếp hợp lý, vừa hướng về phía Tây qua các nước thuộc Liên Xô cũ với địa hình đồi núi vừa hướng về phía Pakistan, Ấn Độ và các phần còn lại của khu vực Đông Nam Á. "Mạng lưới này sẽ giúp mở rộng việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong các giao dịch quốc tế, còn cơ sở hạ tầng mới thì có thể "phá vỡ thế nút cổ chai trong kết nối châu Á", theo ông Tập Cận Bình.

Sau đó, ông Tập Cận Bình đã công bố kế hoạch Con đường tơ lụa trên biển và để thích ứng với mở rộng giao thương hàng hải, Trung Quốc sẽ đầu tư phát triển cảng ở khắp Ấn Độ Dương, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives và Pakistan.

Năm 2014, ông Tập Cận Bình ký kết các thỏa thuận của Trung Quốc với Kazakhstan trị giá 30 tỷ USD, với Uzbekistan là 15 tỷ USD, và 3 tỷ USD với Kyrgyzstan. Trung Quốc cũng chi 1,4 tỷ USD giúp cải tạo cảng Colombo, Sri Lanka. Tháng 11/2014, Trung Quốc tuyên bố thành lập Quỹ Con đường tơ lụa trị giá 40 tỷ USD.

Năm 2015, Trung Quốc đã hoàn thành các kế hoạch cho Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), với mục tiêu 100 tỷ USD vốn ban đầu bất chấp sự phản đối từ phía Mỹ. Đối với David Goldwyn, cựu chuyên gia cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ, "AIIB sẽ làm cho những nước này (khu vực Trung Á) ít bị tổn thương và bị phụ thuộc vào Nga. Điều này giống với một trọng tâm chính sách của Mỹ qua nhiều thập kỷ. Và nó sẽ mang lại một lượng vốn lớn chảy vào khu vực này cũng như nhiều nơi khác", ông nói.

Góc nhìn từ Ấn Độ

Kể từ khi nhậm chức năm 2014, Thủ tướng Narendra Modi đã hăng hái tiếp cận các nước láng giềng. Theo tác giả Alyssa Ayres, CFR, đó là những kết nối chưa từng có với Afghanistan, Bangladesh, Pakistan và Sri Lanka.

Chi hơn 2 tỷ USD vào việc tái thiết Afghanistan trong thập kỷ qua, Ấn Độ là nhà tài trợ lớn thứ năm trên thế giới cho nước này và đóng vai trò hàng đầu trong việc hỗ trợ cho những nỗ lực của Mỹ tại Trung Á. Về phía Đông, ông Modi đã gia hạn việc thúc đẩy bình thường hóa biên giới của Ấn Độ với Bangladesh, một động thái nhằm định vị Ấn Độ như là cửa ngõ vào Đông Nam Á.

Dù vậy, tranh chấp lãnh thổ kéo dài đã gây phức tạp sâu sắc đến quan hệ giữa Ấn Độ và các nước láng giềng. Đường biên giới với Trung Quốc chưa được yên ổn kể từ khi hai nước xảy ra tranh chấp vùng biên ở Himalaya vào năm 1962. Quan hệ với Pakistan thì nặng nề từ năm 1947. Các rào cản thương mại gây nghi ngờ về khả năng hai nước có thể thực hiện các loại dự án chung, như trường hợp các đường ống TAPI.

Không ít trở ngại

Tham vọng của Trung Quốc đã vấp phải sự chống đối của nhiều nước. Tại Myanmar, áp lực hiện nay là việc đình trệ trong xây dựng tuyến đường sắt dự kiến khoảng 20 tỷ USD nối thành phố Kyaukpyu, Myanmar và Côn Minh, Trung Quốc. Chính phủ mới được bầu ở Sri Lanka đang lệ thuộc vào những giao dịch đầu tư của chính quyền trước đây với Trung Quốc.

Các dự án cơ sở hạ tầng Trung Á do Mỹ và Trung Quốc thực hiện cũng đối mặt với những khó khăn do địa hình đèo núi khắc nghiệt, và các mối đe dọa từ những chiến binh có vũ trang.

Các cuộc tấn công ly khai ở tỉnh Balochistan, Pakistan và Tân Cương, Trung Quốc cũng như một nhóm Taliban đang trỗi dậy ở Afghanistan là những lo lắng thường trực. Đặc biệt, Afghanistan đã trải qua nhiều thập kỷ nội chiến và sự can thiệp của nước ngoài. Khả năng của nước này chuyển đổi từ một nền tảng chiến tranh sang nắm lấy các dự án thương mại đầy tham vọng được cho là trung tâm của sự thành công hay thất bại trong chiến lược của Mỹ đối với Con đường tơ lụa mới ở Trung Á.

Ngoài ra còn có những thử thách từ các quy tắc pháp luật trong thực hiện đầu tư. Các đường ống TAPI thì do Turkmenistan nắm giữ, lưới điện năng lượng CASA-1000 đã làm Tổng thống Uzbekistan tức giận vì lo ngại nó sẽ làm gián đoạn nguồn cấp nước của đất nước và phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn.

Cuối cùng, người ta chưa hình dung được tham vọng của Nga tại khu vực Trung Á sẽ "giao cắt" với nỗ lực của Mỹ và Trung Quốc như thế nào. Với tình hình quan hệ Mỹ - Nga đang xấu nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Nga đã theo đuổi nỗ lực hội nhập khu vực riêng của mình thông qua Liên minh kinh tế Á-Âu, trong đó hợp nhất các nền kinh tế của Nga, Kazakhstan, Belarus và Armenia. Trung Quốc cũng đang cạnh tranh với Nga bằng kế hoạch thay thế quan hệ đầu tư và năng lượng của Nga tại Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan. Điều này có thể làm dấy lên những căng thẳng giữa Bắc Kinh và Moscow trong những năm tới.

Theo Hạ Nhi (lược dịch)
Thế giới và Việt Nam