1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cỗ xe kéo tay giúp Hồng Kông lăn bánh

(Dân trí) - Cỗ xe vô cùng đơn sơ, với khung sắt, tay cầm uốn cong và 4 bánh cao su, nhưng lại giữ cho cả Hồng Kông lăn bánh.

 
Một người già đẩy xe kéo ở Hồng Kông.
Một người già đẩy xe kéo ở Hồng Kông.

 

Dưới bóng của của những tòa nhà cao chọc trời, những người đẩy xe thuộc tầng lớp lao động ở Hồng Kông vận chuyển mọi thứ từ hải sản tươi sống đến thiết bị, tài liệu văn phòng, đồ nội thất và thư từ bằng chiếc xe kéo tay hay xe ba gác có từ hàng trăm năm trước.

 

Nhưng trong số những người quét dọn, những người buôn bán ở chợ và những người bốc vác, có lẽ những người nhặt rác cao tuổi của Hồng Kông mới hiểu rõ chiếc xe kéo tay này có ý nghĩa quan trọng như thế nào với thành phố. Cụ Lee Cheung-Ho, 78 tuổi, cả ngày lúc nào cũng gắn với chiếc xe kéo, thậm chí là khi trời mưa bão. “Tôi phải ra ngoài để kiếm sống”, bà vừa đẩy xe vừa nói. “Nó giúp tôi, mặc dù chỉ là vài đô la”.

 

Ước tính có 10.000 người nhặt rác ở Hồng Kông. Họ thu lượm bìa các tông, vỏ chai và sắt vụn để bán cho các trung tâm tái chế chỉ với vài đô la, để từ đó chúng được chuyển tới Đại lục.

 

Ở Hồng Kông đất hiếm người đông, xe kéo tay là một cách để đối phó với cái bóng khủng hoảng môi trường ngày một hiện hữu. Tuy nhiên, nhặt rác cũng là nghề giúp nhiều dân nghèo của thành phố sống qua ngày đoạn tháng.

 

Chính phủ Hồng Kông vào tháng trước ước tính 1,31 triệu người dân thành phố đang sống trong nghèo đói. Gần 1/5 dân số ở đây bị xếp vào diện nghèo  và đối với những người già tỷ lệ này là 1/3

 

Những người nhặt rác sống bằng thu nhập 20 đô la Hồng Kông hay 3 USD mỗi ngày.

 

Xe kéo tay có thể thấy ở mọi ngóc ngách tại Hồng Kông. Trong vòng 10 phút đi bộ ở một khu dân cư, một phóng viên đã đếm được 103 chiếc, với nhiều chiếc chất thùng giấy và các chai lọ cao ngất. Trên những chiếc xe kéo tay này đôi khi cũng có điều hòa hoặc tủ lạnh.

 

Adam Bobbette, chuyên gia về môi trường đô thị ở Đại học Hồng Kông cho hay, xe kéo tay là loại nhỏ nhất trong số các phương tiện vận chuyển của thành phố, gồm tàu hàng khổng lồ, xe tải, taxi đỏ. Nhưng chúng lại cần thiết ở thành phố với đường sá chật hẹp, nhiều ngõ ngách và điều kiện đỗ xe khó khăn.

 

“Xe kéo ở Hồng Kông, nếu suy xét một cách tích cực, là thành tố cơ bản cấu thành nên sự sống của thành phố”, ông cho hay. “Lối sống cũ đó đã tìm được cách tồn tại trong thành phố bởi giá trị chức năng của nó.”

 

“Xe kéo tay liệu có được hoan nghênh ở Hồng Kông? Chắc chắn là có.” – ông khẳng định.

 

Tuy nhiên, một số người lại thấy chúng phiền toái, như thường cản trở các phương tiện như xe đạp, choán chỗ trên vỉa hè và có thể gây tai nạn. Chúng thường được đẩy bên lề đường, khiến xe cộ phải rất cẩn thận khi vượt qua. Theo một phát ngôn viên của Phòng giao thông thành phố, đã xảy ra 11 vụ việc liên quan đến xe kéo tay được ghi chép trong nửa đầu năm nay.

 

Lửa bắn tóe ra khi Mackey Li, 46 tuổi, hàn trục của một chiếc xe kéo bị hỏng trong cửa hàng của ông. Li cho biết nghề của ông là “gia truyền” tồn tại suốt 60 năm qua. Đây cũng là cửa hàng cuối cùng ở Hồng Kông xe kéo được làm từ sắt vụn. Tuy nhiên con trai và con gái của ông đều học đại học. Họ sẽ không nối nghiệp cha. Như vậy khi ông nghỉ hưu vài năm nữa, xe kéo tay sẽ được nhập từ Đại lục.“Hiện nay hầu hết xe kéo tay được làm ở Đại lục. Chúng không bền, nhưng có thể đánh bại bạn vì giá rất rẻ.”

 

Ông cho rằng nếu không có xe kéo tay, thành phố lại càng chật ních thêm nhiều xe cộ.

 

Hồng Kông vốn đã quá mệt mỏi bởi tình trạng ô nhiễm, mà hầu hết là do khói bụi xe. Theo một cuộc nghiên cứu do Đại học Hồng Kông thực hiện, năm ngoái 3.000 người đã thiệt mạng vì khói bụi.

 

Nhưng Li lại gạt đi ý tưởng cho rằng xe kéo tay có thể là biểu tượng cho thấy khoảng cách giàu nghèo ở Hồng Kông, một trong những thành phố có khoảng cách giàu nghèo lớn nhất thế giới. “Đó chỉ là một phương tiện”, ông nói. “Thậm chí những người giàu cũng cần phải mang đồ.”

 

Gần đó, cụ bà nhặt rác 90 tuổi đang thu lượm các cốc giấy của một tiệm café, mà mỗi cốc có giá nhiều hơn cả thu nhập cả ngày của bà. Nhưng cụ cho biết đẩy xe cũng là một cách để tập thể dục và lấp đầy thời gian nhàn rỗi trong ngày. “Tôi sẽ làm gì nếu không ra ngoài?” bà nói. “Bạn chỉ muốn tôi ngồi ở nhà và chờ chết thôi sao?”

 

Vũ Quý

Theo AFP