1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cố vấn Nhà Trắng nói về điện đàm Trump-Zelensky: "Không thể tin nổi những gì nghe được"

(Dân trí) - Trong cuộc điều trần kết thúc cách đây ít giờ, các quan chức cấp cao của Mỹ nói với các nhân viên điều tra luận tội tại quốc hội rằng họ lo ngại về nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm hối thúc Ukraine điều tra về đối thủ chính trị Joe Biden, và một quan chức Nhà Trắng thậm chí gọi đó là “cú sốc”.

Cố vấn Nhà Trắng nói về điện đàm Trump-Zelensky: Không thể tin nổi những gì nghe được - 1

Hai nhân chứng Jennifer Williams (trái) và Alexander Vindman trong cuộc điều trần ngày 19/11. (Ảnh: Reuters)

Ngày thứ 3 diễn ra các các cuộc điều trần luận tội tại Hạ viện Mỹ đã đánh dấu lần đầu tiên các quan chức bên trong Nhà Trắng công khai bày tỏ sự lo ngại của họ về chiến dịch gây áp lực của ông Trump với Ukraine, vốn đang đe dọa nhiệm kỳ tổng thống của ông.

Trong bộ đồng phục quân đội, Trung tá Alex Vindman, chuyên gia hàng đầu về Ukraine tại Nhà Trắng, cho rằng Tổng thống Trump đã đưa ra yêu cầu “không thích hợp” đối với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc điện đàm ngày 25/7, tâm điểm của cuộc điều tra luận tội do đảng Dân chủ dẫn đầu nhằm vào vị Tổng thống đảng Cộng hòa.

“Thẳng thắn mà nói, tôi không thể tin vào những gì đã nghe được. Đó là có thể một nhân tố gây sốc mà có thể, trong một số khía cạnh nhất định, lo ngại lớn nhất của tôi về chính sách của chúng ta với Ukraine lại xảy ra”, ông Vindman nói.

Trong khi ông Vindman đang điều trần tại Hạ viện, tài khoản Twitter chính thức của Nhà Trắng đã tấn công các nhận định của ông, chỉ trích người mà chính quyền bổ nhiệm để đứng đầu các cuộc họp về các vấn đề châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ.

Hai trợ lý cấp cao Nhà Trắng khác ra điều trần ngày 19/11 là Jennifer Williams và Tim Morrison cũng nói rằng họ lo ngại về bản chất chính trị của cuộc điện đàm Trump-Zelensky.

Bà Williams, cố vấn đặc biệt của Phó tổng thống Mike Pence về các vấn đề Nga và châu Âu, nói với ủy ban điều tra rằng cuộc điện đàm là bất thường và không phù hợp, vì “nó liên quan tới việc thảo luận một vấn đề giống như chuyện chính trị cá nhân”.

Còn ông Morrison nói rằng ông không thấy bất kỳ điều gì là không phù hợp trong cuộc điện đàm, nhưng lo ngại rằng nếu nội dung điện đàm bị rò rỉ thì nó sẽ làm tổn hại tới sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với Ukraine. “Tôi muốn việc tiếp cận cuộc điện đàm bị hạn chế”, ông nói.

Trong cuộc điện đàm ngày 25/7, ông Trump đã đề nghị ông Zelensky tiến hành 2 cuộc điều tra có thể có lợi cho ông về mặt chính trị, một là nhằm vào cựu Phó tổng thống Joe Biden và con trai Hunter Biden. Hai là liên quan tới một thuyết âm mưu mà một số đồng minh của ông Trump chỉ ra rằng, Ukraine, chứ không phải Nga, đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Cố vấn Nhà Trắng nói về điện đàm Trump-Zelensky: Không thể tin nổi những gì nghe được - 2

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Kurt Volker (trái) và ông Tim Morrison, cựu giám đốc cấp cao về các vấn đề Nga và châu Âu tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Kurt Volker nói trong cuộc điều trần rằng ông tin hai lo ngại này chỉ là “các thuyết âm mưu”. Ông nói thêm rằng các cáo buộc tham nhũng liên quan tới ông Biden và con trai ông, là “không đáng tin”.

Các cuộc điều trần công khai trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump tại Hạ viện đã thu hút đông đảo người xem. Theo số hiệu của hãng Nielsen, cuộc điều trần hôm 15/11 đã thu hút 12,9 triệu người xem từ 7 kênh truyền hình Mỹ phát sóng trực tiếp. Con số này không tính những người xem qua điện thoại, máy tính hoặc qua mạng xã hội.

Trước cuộc điện đàm hồi tháng 7, ông Trump đã đóng băng khoản viện trợ an ninh trị giá 391 triệu USD được quốc hội nước này phê chuẩn cho Ukraine.

Cựu đại sứ Volker nói rằng ông Trump miêu tả Ukraine là “một quốc gia tham nhũng, đầy những người tồi tệ. Ông ấy nói họ “đã cố gắng hạ bệ tôi””.

Ông Volker cho hay, trước đó ông không biết rằng đề nghị giải quyết nạn tham nhũng tại Ukraine và điều tra công ty khí đốt Burisma, mà con trai ông Biden từng có vị trí cấp cao, thực ra là yêu cầu điều tra ông Biden.

“Nhìn lại, đáng nhẽ tôi phải nhìn thấy sự khác nhau đó, và nếu như vậy thì có lẽ tôi đã nêu ra sự phản đối của mình”, ông nói.

Ông Volker cũng đưa ra một số lời khai mâu thuẫn với lời khai trước đó với các nghị sĩ.

Trong một cuộc điều trần kín hồi tháng 10, ông Volker cho hay ông nghe được bất kỳ liên hệ nào tới các cuộc điều tra trong một cuộc họp ở Nhà Trắng ngày 10/7 giữa giới chức Ukraine và Nga.

Nhưng trong cuộc điều trần hôm qua, ông lại nói Đại sứ Mỹ tại Liên minh châu Âu Gordon Sondland đã đưa ra bình luận chung về các cuộc điều tra mà tất cả mọi người đều xem là không phù hợp.

Ông Trump đối mặt tuần sóng gió dồn dập

Cố vấn Nhà Trắng nói về điện đàm Trump-Zelensky: Không thể tin nổi những gì nghe được - 3

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đối mặt với tuần khó khăn trong nhiệm kỳ (Ảnh: AP)

Trong khi đó, Tổng thống Trump gọi cuộc điện đàm với ông Zelensky là “hoàn hảo”, còn các nghị sĩ Cộng hòa chỉ trích tiến trình luận tội ông Trump là không công bằng.

“Những gì đang diễn ra là một sự xỉ nhục và bẽ mặt đối với đất nước của chúng ta. Đó là một trò lừa đảo lớn”, ông Trump nói với các phóng viên hôm qua.

Hạ nghị sĩ Cộng hòa Francis Rooney nói với các phóng viên: “Tôi không nghĩ có một hành động phạm tội nào được chứng minh cho tới nay… Nhưng tôi muốn chờ xem điều gì sẽ xảy ra”.

Ông Trump đã công kích cả 2 nhân chứng Williams và Vindman trên mạng xã hội Twitter, gọi họ là “Never Trump”, ám chỉ những người phản đối ông.

Con trai của ông Trump là Donald Trump Jr. cũng chỉ trích ông Vindman trên Twitter là “một quan chức phe phái cấp thấp”.

Ông Vindman, người có gia đình đã rời Liên Xô 4 thập niên trước khi ông 3 tuổi và định cư tại Mỹ, nói với các nghị sĩ rằng các cuộc công kích chống lại những các nhân chứng điều trần trong cuộc điều tra luận tội là “đáng trách”.

Một quan chức Mỹ nói rằng ông Vindman và gia đình ông có thể nên chuyển tới một căn cứ quân sự do các mối đe dọa an ninh. Ông Vindman nói ông không lo ngại về nguy cơ bị trả thù khi nói ra các sự thật.

“Đây là đất nước tôi đã phụng sự và bảo vệ, là nơi tất cả các anh em của tôi đã phụng sự, và đó là những điều đúng đắn”, ông nói, và nhận được những tiến vỗ tay từ khán phòng.

Đối mặt với nguy cơ trở thành tổng thống thứ 3 trong lịch sử Mỹ bị luận tội, ông Trump đang đối mặt với một tuần khó khăn trong nhiệm kỳ.

Trong một động thái bất ngờ, ông Trump cho biết hôm thứ Hai rằng ông có thể ra điều trần trong cuộc điều tra, mặc dù khả năng điều trần công khai trực tiếp là khó có khả năng xảy ra, do các nguy cơ cao về pháp lý.

Dự kiến, tổng cộng 9 quan chức sẽ ra điều trần tại Hạ viện trong tuần này, trong đó có Đaiị sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland, người được cho là đã chuyển cho chính phủ Ukraine yêu cầu của ông Trump về sự trợ giúp nhằm điều tra đối thủ Dân chủ.

Cuộc điều tra của Hạ viện sẽ kết thúc trong tuần này, và các bằng chứng sau đó được gửi lên Ủy ban Tư pháp Hạ viện để soạn thảo các điều khoản luận tội.

Cuộc điều tra luận tội có thể khiến Hạ viện ủng hộ các cáo buộc chính thức chống lại ông Trump, vốn có thể được chuyển lên Thượng viện để phục vụ một phiên tòa về việc liệu có phế truất ông khỏi ghế tổng thống hay không. Tuy nhiên, khả năng Thượng viện, hiện do đảng Cộng hòa kiểm soát, bỏ phiếu ủng hộ phế truất ông Trump là rất khó xảy ra.

Theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos, 46% người Mỹ được hỏi ủng hộ luận tội Tổng thống Trump, trong khi 41% phản đối.

An Bình

Theo AFP, Reuters