1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cơ sở tuyệt mật của Mỹ theo dõi tên lửa liên lục địa toàn thế giới

(Dân trí) - Mỹ đã thành lập một cơ sở tình báo đặc biệt có nhiệm vụ thu thập thông tin và theo dõi “đường đi nước bước” của các tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương nhằm bảo vệ Mỹ và các đồng minh khỏi những mối đe dọa tấn công.

Nhân viên thuộc trung tâm tình báo hàng không và vũ trụ (NASIC) đang phân tích các dữ liệu. (Ảnh: Không quân Mỹ)
Nhân viên thuộc trung tâm tình báo hàng không và vũ trụ (NASIC) đang phân tích các dữ liệu. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Khi Triều Tiên phóng tên lửa bay qua Thái Bình Dương, các quan chức cấp cao hàng đầu của Mỹ sẽ liên lạc với trung tâm tình báo hàng không và vũ trụ (NASIC) được đặt tại căn cứ không quân Wright-Patterson để được trung tâm này cung cấp thông tin cần thiết.

Các phân tích của NASIC sẽ giúp Nhà Trắng, quốc hội Mỹ và Lầu Năm Góc nắm bắt được các mối đe dọa từ không gian, tấn công mạng cũng như xác định mối nguy hiểm từ tên lửa của Triều Tiên tới Mỹ và các đồng minh quân sự trên khắp thế giới.

“Không hề phóng đại khi nói rằng những phân tích NASIC đưa ra có thể tạo nên sự khác biệt, có thể quyết định chiến tranh hay hòa bình”, chuyên gia quốc phòng Loren B. Thompson thuộc viện nghiên cứu Lexington, Virginia, Mỹ nhận định.

Tuần trước, NASIC đã chi 29 triệu USD thành lập một cơ sở bí mật tại căn cứ quân sự Wright-Patterson. Đơn vị tuyệt mật này được trang bị 1 máy bay chiến đấu MiG-29 triển khai bên ngoài căn cứ có nhiệm vụ theo sát mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo liên lục địa từ Iran, Triều Tiên, Trung Quốc, Nga. Ngoài ra đơn vị này sẽ sử dụng các công nghệ do thám, trinh sát tối tân hơn nhằm theo dõi các hoạt động bất thường nhằm cảnh báo nhanh nhất có thể tới các bộ phận khác.

Với nhiều nghị sĩ Mỹ từng tới thị sát hoạt động của NASIC đều nhất trí với quan điểm rằng đây là cơ quan quan trọng phục vụ cho mục tiêu an ninh quốc gia. Hiện tại, NASIC có 3.100 nhân viên dân sự và quân sự với kinh phí hoạt động 430 triệu USD.

NASIC còn cung cấp các thông tin tình báo bí mật về lãnh đạo chính trị và quân sự cấp cao trên khắp thế giới cho các chuyên gia, chính trị gia nhằm giúp họ có thể chuẩn bị sẵn sàng đối phó với các mối đe dọa.

Một nữ nhân viên NACIS đang làm việc. (Ảnh: Không quân Mỹ)
Một nữ nhân viên NACIS đang làm việc. (Ảnh: Không quân Mỹ)

Sức mạnh nằm sau những thông tin và dự đoán chính xác của NASIC là đội ngũ nhân sự chăm chỉ, cầu tiến và có kỹ năng xuất sắc. “NASIC không chỉ thu thập thông tin về vũ khí hiện có mà còn tiến hành phân tích vũ khí quân đội nước đó sẽ mua hoặc phát triển, số lượng bao nhiêu, mua hoặc bàn giao khi nào và chúng sẽ được sử dụng thế nào”, Đại tá Sean P. Larkin, chỉ huy NASIC cho biết.

Nhận định về Triều Tiên, ông Gary O’Connell, cựu kỹ sư trưởng NASIC cho biết: “Triều Tiên tồn tại nhiều vấn đề gây không ít khó khăn cho hoạt động phân tích của chúng tôi vì họ thật sự quá tách biệt và chúng tôi chỉ biết được về tiến bộ khoa học công nghệ của họ khi họ tiến hành thử vũ khí”.

“Kho vũ khí hùng mạnh nhất thế giới là Nga tính về cả số lượng và độ sát thương, nhưng Triều Tiên mới là mối nguy hiểm lớn vì họ rất khó đoán biết”, ông O’Connell nhận định.

“Hiểu được càng chính xác càng tốt năng lực tên lửa Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ an nguy của hàng triệu người dân Mỹ và các đồng minh. Sẽ là thiếu sót nếu NASIC chỉ biết được Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa, trong khi Mỹ cần biết thêm tên lửa Triều Tiên có đầu đạn hạt nhân hay không, sức công phá là bao nhiêu, đầu đạn có thể tấn công tới mục tiêu chính xác như thế nào”, chuyên gia Thompson cho biết.

Trước kia, NASIC đã có một số lần dự đoán chính xác các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Hiện các chuyên gia thuộc cơ quan tin rằng Bình Nhưỡng đang ngày càng tiến bộ về mặt công nghệ và điều đó là mối đe dọa không hề nhỏ với Mỹ.

Đức Hoàng

Theo Business Insider