1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Có một con đường vũ khí từ Đông Âu sang Trung Đông?

Trong gần 5 năm qua, nhiều loại vũ khí từ súng máy, súng trường, AK-47, các loại chất nổ… với tổng trị giá hơn 1 tỷ Euro đã được tuồn từ các quốc gia Đông Âu tới các nước Trung Đông.

Đáng chú ý là phần lớn số vũ khí này sau đó được xác định là cung cấp cho Syria, làm gia tăng cuộc chiến vốn đã nóng bỏng và đầy thảm khốc.

Giấy phép xuất khẩu chui

Đường đi của các loại vũ khí này chỉ được phát hiện khi cơ quan điều tra của Liên Hợp Quốc (LHQ) tìm thấy những tàu chở vũ khí cập cảng ở Syria. Theo đó, hàng ngàn súng trường tấn công AK-47, bệ phóng tên lửa, vũ khí chống tăng và súng máy hạng nặng đang được định tuyến thông qua một đường vận chuyển vũ khí mới từ Balkan tới bán đảo Arab và các nước giáp biên giới với Syria. Các nước ở Đông Âu dường như đã chấp nhận việc ngầm bán vũ khí với tổng trị giá hơn 1 tỷ Euro.

Theo các phóng viên đến từ Mạng lưới phóng viên điều tra Balkan (BIRN) và tổ chức Điều tra về tội phạm có tổ chức và tham nhũng (OCCRP), chính việc mua bán vũ khí ngầm này đã thúc đẩy cuộc chiến ở Syria trong gần 5 năm qua.

Chiến binh của nhóm Jabhat al-Nusra  sử dụng vũ khí do Arab Saudi cung cấp tại Ariha, Syria. Ảnh: Reuters.
Chiến binh của nhóm Jabhat al-Nusra sử dụng vũ khí do Arab Saudi cung cấp tại Ariha, Syria. Ảnh: Reuters.

Trong báo cáo gửi lên LHQ, nhóm phóng viên này cũng cho biết họ đã theo dõi các máy bay và lần theo các hợp động vận chuyển vũ khí và phát hiện ra rằng các quốc gia tham gia đường dây mua bán vũ khí ngầm này bao gồm Bosnia, Bulgaria, Croatia, CH Czech, Montenegro, Slovakia, Serbia và Romania. Các nước ở Trung Đông nhập số vũ khí này về gồm Arab Saudi, Jordan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây đều là thị trường mua bán vũ khí trọng điểm của Syria và Yemen, nhất là đối với các nhóm quân nổi dậy hoặc các tổ chức Hồi giáo cực đoan. Chưa hết, nhóm phóng viên điều tra này còn khẳng định, trong quá khứ, những quốc gia nói trên không nằm trong hồ sơ theo dõi về mua bán vũ khí từ Trung và Đông Âu.

Tuy nhiên, năm 2015, một số giao dịch mua bán lớn chưa từng có đã xảy ra khiến các nước này trở thành điểm nóng. Đáng chú ý là giấy phép xuất khẩu vũ khí đã được cấp bất chấp lo ngại của các chuyên gia và giới chức Liên minh châu Âu (EU) rằng số vũ khí được xuất khẩu này có thể được trang bị cho lực lượng đối lập ở Syria và đây là hành động vi phạm các thỏa thuận quốc tế và của EU.

Gần đây, trên một số trang mạng xã hội, các nhà điều tra cũng đã phát hiện nhiều đoạn băng hoặc bức ảnh cho thấy vũ khí và đạn dược từ Đông và Trung châu Âu đã được chuyển tới tổ chức Quân đội giải phóng Syria vốn được phương Tây hậu thuẫn và nằm trong tay một số nhóm Hồi giáo cực đoan như Ansar al-Sham, nhóm Jabhat al-Nusra từng tuyên bố trung thành với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và cả tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Chỉ có một số ít vũ khí mới được cung cấp và sản xuất vào năm 2015 thì được bán cho các phe phái ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và lực lượng Hồi giáo dòng Sunni ở Yemen.

Quang cảnh một cuộc không kích ở Sanaa, Yemen. Ảnh: Anadolu.
Quang cảnh một cuộc không kích ở Sanaa, Yemen. Ảnh: Anadolu.

Nhà nghiên cứu kiểm soát vũ khí thuộc tổ chức Ân xá quốc tế và báo cáo viên của nghị viện châu Âu về vũ khí Bodil Valero khi được hỏi đều cho rằng, đây là những hành động phạm pháp, vi phạm nhân quyền nghiêm trọng. Theo họ, việc chuyển giao vũ khí cho các nhóm vũ trang ở Syria kiểu này cần phải được chấm dứt ngay lập tức.

Nguồn gốc của các tuyến đường thương mại

Kết quả điều tra của nhóm nhà báo nói trên cho thấy, các tuyến đường vận chuyển vũ khí từ Đông và Trung châu Âu sang Trung Đông được mở từ mùa đông năm 2012 khi hàng chục toa hàng chở vũ khí của Yugoslva được Arab Saudi mua lại. Tiếp đó là Jordan.

Vài tháng sau đó, tại Syria người ta đã phát hiện ra cả vũ khí có xuất xứ từ Croatia. Khi đó, chính phủ Syria đã bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến việc chuyển vũ khí cho Syria nhưng Đại sứ Mỹ tại Syria từ năm 2011 đến năm 2014 Robert Stephen Ford đã khẳng định rằng, vào năm 2012, chính quyền Zagred đã có một hợp đồng mua bán vũ khí với Arab Saudi. Ông Robert Stephen Ford còn cho biết, đây mới chỉ là sự khởi đầu. Các đại lý mua bán vũ khí tại Đông Âu bắt đầu mua sắm tài sản từ các quốc gia mà họ môi giới để bán.

Chuyến hàng tiếp theo là các vũ khí từ Ukraine, Belarus, trong đó có cả hệ thống chống tăng. Từ năm 2012 đến nay, tổng giá trị số vũ khí và đạn dược mà các nước Đông Âu chuyển đến cho Arab Saudi vào khoảng 806 triệu Euro. Đây là con số chính xác được các chính phủ báo cáo lên EU.

Còn tại Jordan, con số này là 155 triệu Euro. UAE và Thổ Nhĩ Kỳ theo thứ tự đã chi 133 triệu Euro và 87 triệu Euro để mua vũ khí. Tài liệu mật mà BIRN và OCCRP có được còn cho thấy, từ tháng 11/2013, một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Serbia đã khẳng định rằng, các chuyến hàng chở vũ khí mà Arab Saudi mua sau đó đều được chuyển đến Syria.


Thủ tướng Serbia Aleksander Vucic trong một cuộc họp báo còn cho biết Serbia sẽ tăng sản lượng gấp 5 lần mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà buôn vũ khí. Ảnh: Reuters.

Thủ tướng Serbia Aleksander Vucic trong một cuộc họp báo còn cho biết Serbia sẽ tăng sản lượng gấp 5 lần mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà buôn vũ khí. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia về vũ khí ở Trung Đông Jeremy Binnie của tạp chí Quốc phòng IHS Jane's nói: "Quân đội Arab Saudi, Jordan, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ đã sử dụng các loại vũ khí, đạn dược từ Đông Âu rồi chuyển sang cho các đồng minh của họ là những tổ chức Hồi giáo tại Syria, Yemen và Libya. Đường vận chuyển vũ khí được thực hiện bằng đường biển và đường hàng không.

Chi tiết về lịch trình các chuyến bay hoặc lịch khởi hành của các tàu thủy chở vũ khí đều được lưu lại tại các cơ quan kiểm soát không lưu. Có tất cả 70 chuyến bay mang theo vũ khí đến các vùng xung đột ở Trung Đông trong năm 2015 và Belgrade, Sofia, Bratislav là các trung tâm vận chuyển chính của những chuyến hàng này.

Thống kê của cơ quan kiểm soát không lưu ở châu Âu trước đó cũng thừa nhận, từ năm 2014, các máy bay từ Bulgaria và Slovakia đã đưa hàng ngàn tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc đến các căn cứ quân sự ở Arab Saudi và UAE.

Vũ khí được Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và UAE mua để chuyển tới Syria sẽ được chuyển qua 2 trung tâm chỉ huy bí mật được gọi là Trung tâm hoạt động quân sự (MOCs) ở Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ. Các loại vũ khí này sau đó được vận chuyển bằng đường bộ đến biên giới Syria hoặc được thả bằng máy bay quân sự. Thậm chí, Arab Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ còn bị phát hiện đã cung cấp thêm cả vũ khí cho các nhóm Hồi giáo cực đoan không được Mỹ ủng hộ.

Còn Mỹ thì cũng đã mua và giao hàng với số lượng lớn các trang thiết bị quân sự từ Trung và Đông Âu cho phe đối lập Syria trong một nỗ lực để chống lại sự lây lan của IS. Cụ thể, từ tháng 12/2015, ba tàu chở hàng lực lượng đặc nhiệm quân đội Mỹ (SOCOM) đã phụ trách việc cung cấp bí mật của vũ khí cho Syria, rời cảng Biển Đen ở Balkans tới Trung Đông.

Ước tính, khoảng 4.700 tấn vũ khí của khối NATO bao gồm súng máy hạng nặng, các bệ phóng tên lửa và vũ khí chống tăng, cũng như những viên đạn, súng cối, lựu đạn, tên lửa và chất nổ khác đã được chuyển giao từ Bulgaria và Romania đến các cơ sở quân sự ở Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.

Mới đây nhất, vào ngày 21-6, một chuyến tàu của Mỹ rời Bulgaria đã chở theo 1.700 tấn vũ khí các loại đến một địa điểm chưa xác định được ở cảng Biển Đỏ. SOCOM có giải thích rằng, số vũ khí này để hỗ trợ hoạt động đặc biệt và nhiệm vụ của đơn vị trên toàn thế giới. Một nguồn tin khác từ lực lượng người Kurd được công bố trên trang xã hội Twitter và Facebook thì cho biết: một nhà kho chất đống các loại đạn khác nhau được thiết lập ở miền Bắc Syria mà nguồn cung cấp vũ khí trung gian chính là Mỹ.

Và chi tiết về các hợp đồng khủng

Một số tài liệu khác mà nhóm điều tra của BIRN và OCCRP thu thập được cho thấy, Bộ Quốc phòng Arab Saudi đã cung cấp một số giấy chứng nhận cho một đại lý vũ khí ở Serbia. Các giấy chứng nhận này bao gồm việc mua bán hàng trăm xe tăng T-55 và T-72, hàng triệu thùng đạn, hệ thống phóng tên lửa… Các loại vũ khí này phải có nguồn gốc từ Nam Tư cũ, Belarus, Ukraine và CH Czech.

Quân đội giải phóng Syria với loại vũ khí chống tăng được cấp. Ảnh: Reuters.
Quân đội giải phóng Syria với loại vũ khí chống tăng được cấp. Ảnh: Reuters.

Một giấy phép xuất khẩu được cấp cho công ty ở Slovakia hồi tháng 1/2015 khẳng định công ty này có quyền vận chuyển hàng ngàn súng phóng lựu, súng máy hạng nặng và gần một triệu viên đạn trị giá 32 triệu euro.

Hồi tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Serbia Aleksandar Vucic trong một cuộc họp báo còn cho biết, Serbia có thể tăng sản lượng gấp 5 lần mà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của các nhà buôn vũ khí. Một chỉ huy Quân đội giải phóng Syria ở Aleppo (Syria) nói với các điều tra viên của BIRN và OCCRP rằng, vũ khí từ Trung và Đông Âu đã được phân phát từ trung tâm chỉ huy và những người lính cũng biết nó là từ Đông Âu. Ông này cũng nói, các lực lượng ủng hộ chính phủ Syria cũng đang ráo riết liên hệ với các nhà buôn vũ khí từ Đông Âu để nhờ cậy.

Trước những thông tin gây sốc này, nhiều tổ chức xã hội và nhân quyền trên thế giới đã lên tiếng phản đối và kêu gọi các quốc gia ở Trung và Đông Âu thực hiện đánh giá rủi ro về khả năng xuất khẩu vũ khí tới các vùng xung đột để từ đó có những điều chỉnh cụ thể. Nếu không, có thể họ sẽ bị đưa ra trước tòa án công lý châu Âu.

Một đại diện của Tổ chức Ân xá quốc tế khẳng định: "Tất cả các quốc gia có trách nhiệm ràng buộc pháp lý rõ ràng để ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí vào những nơi mà có thể được sử dụng cho các hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền con người và luật nhân đạo". Cũng theo người này thì chính vì những lý do nói trên mà tháng 3 vừa qua, Hà Lan đã trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên ngừng xuất khẩu vũ khí cho Arab Saudi vì lo sợ đến tính mạng của các dân thường ở Yemen.

Theo Châu Anh (tổng hợp)\

An ninh thế giới