DMagazine

Cơ hội vàng cho Nga khi “chảo lửa” Trung Đông sôi sục

(Dân trí) - Vụ Mỹ ám sát tướng cấp cao Iran đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chơi của Nga tại Syria, trong khi căng thẳng Washington - Baghdad cũng mở ra cho Điện Kremlin những cơ hội tại Iraq.

Quyết định của Tổng thống Donald Trump khi ra lệnh không kích hạ sát Tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran, đã đẩy Tehran và Washington tới bờ vực của một cuộc xung đột. Kịch bản này nếu xảy ra sẽ dẫn tới những hậu quả thảm họa cho sự cân bằng về lực lượng mà Nga đang thúc đẩy tại Trung Đông.

Tuy nhiên, đòn đáp trả Mỹ của Iran cho đến nay vẫn chỉ dừng lại ở một cuộc tấn công bằng tên lửa yếu ớt nhằm vào các căn cứ quân sự có lính Mỹ đồn trú ở Iraq và không có bất kỳ thương vong nào. Khi nguy cơ leo thang xung đột bắt đầu hạ nhiệt, cuộc khủng hoảng ngày càng trở thành một cơ hội tốt cho Nga.

Theo Asia Times, Nga sẽ nhận được những lợi ích về kinh tế. Các cuộc tấn công trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Iran đã đẩy giá dầu tăng cao, từ đó dẫn tới việc đồng rúp Nga, loại tiền tệ gắn liền với hoạt động xuất khẩu năng lượng, sẽ càng có giá trị. Như vậy về mặt kinh tế, giá dầu giúp Nga kiếm thêm nhiều tiền.

Về mặt chính trị, uy tín và ảnh hưởng của Tổng thống Putin tại Trung Đông sẽ tăng lên ngay cả khi Nga không đóng vai trò hòa giải trong khu vực.

Nga là cường quốc duy nhất trên thế giới có mối quan hệ tốt đẹp với Iran và các quốc gia khác trong khu vực. Phương Tây cần Nga để hạ nhiệt căng thẳng với Iran, cho dù Nga không đóng vai trò hòa giải.

Để Moscow đồng ý, phương Tây cần giảm bớt và cuối cùng loại bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế cũng như chính trị đối với Nga.

Về mặt địa chính trị, nếu Mỹ chuyển sự chú ý sang Iran, Washington sẽ giảm sự tập trung vào Ukraine, các nước Baltic, khu vực Đông Âu và Trung Âu, đồng thời không để mắt nhiều tới những khác biệt giữa Nga và Mỹ. Do vậy, Nga sẽ cảm thấy "dễ thở” hơn.

Khi căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng, Nga cũng có thể chĩa mũi dùi sang Mỹ, mô tả Washington như một “kẻ gây hấn” trong khu vực, đồng thời tiếp tục củng cố vị thế của Moscow như một nhân tố đang trỗi dậy ở Trung Đông.

Nếu cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran xấu đi, Nga sẽ ở vị trí tốt nhất để đóng vai trò như một bên hòa giải. Sức ép về kinh tế và chính trị của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên Nga chắc chắn sẽ giảm bớt. Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 11/1 tới Nga để hội đàm với Tổng thống Putin theo lời mời của nhà lãnh đạo Nga về cuộc khủng hoảng Mỹ - Iran đã phản ánh điều này.

Chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Syria gần đây được cho là bước đi khôn khéo, cho thấy hình ảnh một nhà lãnh đạo đáng tin cậy được chào đón như một động lực thúc đẩy sự ổn định tại Trung Đông. Điều này cũng giúp Tổng thống Putin “ghi điểm” tại quê nhà, nơi người dân vẫn yêu thích ông vì đã giúp Nga nâng cao vị thế, không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới, trước tầm ảnh hưởng của Mỹ.

Vai trò trong cuộc chiến tại Syria

Cơ hội vàng cho Nga khi “chảo lửa” Trung Đông sôi sục - 1

Lính Nga tại thành phố Kobane, đông bắc Syria hồi tháng 10/2019. (Ảnh: AFP)

Kể từ khi Nga tham gia cuộc nội chiến tại Syria vào năm 2015, Moscow đã bắt tay với Iran để ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Tướng Soleimani, nhân vật quyền lực thứ 2 tại Iran, là một trong những kiến trúc sư chính đứng sau kế hoạch tham chiến của Nga tại Syria. Theo các nguồn tin chưa xác nhận, ông Soleimani từng gặp Tổng thống Putin tại Moscow vào mùa hè năm 2015 và thuyết phục nhà lãnh đạo Nga rằng, chính quyền Assad vẫn có thể được “cứu” nếu có sự giúp đỡ của Nga.

Trong những năm sau đó, Tướng Soleimani được cho là đã tới Moscow vài lần để phối hợp các nỗ lực quân sự chung với các quan chức Nga. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, mặc dù Tướng Soleimani có mối quan hệ gần gũi với các quan chức cấp cao của Nga, song cái chết của ông có thể mang lại một số lợi thế cho Moscow.

Theo Leonid Isaev, phó giáo sư tại Khoa Nghiên cứu châu Phi và châu Á tại Đại học Kinh tế ở St. Petersburg, sự ra đi của Tướng Soleimani có thể sẽ làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Iran đối với chính quyền Syria, từ đó giúp Moscow tự do hơn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề chính trị sắp tới tại Syria.

“Cái chết của Soleimani là tổn thất nghiêm trọng với Iran. Ông ấy đóng vai trò then chốt trong việc kết nối các nhóm ủy nhiệm của Iran trong khu vực, đặc biệt tại Syria”, chuyên gia Isaev nhận định.

Các nhóm dân quân ủng hộ Iran do Tướng Soleimani quản lý đã gây ra nhiều cuộc xung đột phe phái tại các vùng lãnh thổ đã được giải phóng ở Syria. Đây là điều Nga quan ngại từ lâu.

“Vì ông Soleimani đã chết, nên Tehran sẽ phải mất thêm thời gian để khôi phục lại cấp độ phối hợp giữa các lực lượng ủy nhiệm trên toàn khu vực như ban đầu”, chuyên gia Isave cho biết thêm.

Mặc dù là đối tác chiến lược trong việc hậu thuẫn cho chính quyền Assad, song Nga và Iran không hoàn toàn là đồng minh của nhau. Thậm chí, hai nước còn mâu thuẫn trong nhiều vấn đề.

Tham vọng “bá quyền” của Iran tại Trung Đông và những động thái cứng rắn của Tehran với Israel không “đồng điệu” với nỗ lực của Nga trong việc đảm bảo sự cân bằng quyền lực trong khu vực.

“Moscow rất lo ngại về việc Iran sử dụng các lực lượng ủy nhiệm trên lãnh thổ Syria để đe dọa Israel. Bằng mọi giá, Moscow muốn tránh bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào giữa Israel và Syria”, Marianna Belenkaya, chuyên gia về vùng Vịnh, nhận định.

Tháng 11/2019, Israel đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào khu vực ngoại ô của thủ đô Damascus, Syria nhằm đáp trả các cuộc tấn công do các lực lượng ủng hộ Iran tiến hành một ngày trước đó. Các hệ thống phòng không của Nga khi đó không được sử dụng để bảo vệ các lực lượng ủng hộ Iran.

Cơ hội cho Nga khi Mỹ rút quân

Cơ hội vàng cho Nga khi “chảo lửa” Trung Đông sôi sục - 2

Tàu sân bay USS Abraham Lincoln được triển khai tới biển Ả rập hồi tháng 5/2019. (Ảnh: AP)

Cuộc khủng hoảng mới nhất giữa Mỹ và Iran đã mở ra nhiều cơ hội cho Nga ở bên ngoài biên giới Syria.

Việc Mỹ giết chết tướng cấp cao Iran ngay trên lãnh thổ Iraq khi chưa có sự đồng ý của chính quyền địa phương buộc Quốc hội Iraq phải ra nghị quyết đòi lính Mỹ rời khỏi nước này. Mặc dù nghị quyết này không ràng buộc, song vị thế của quân đội Mỹ tại Iraq có vẻ đang bị lung lay và kịch bản rút quân trong tương lai là không thể loại trừ.

Điều này sẽ tạo ra khoảng trống để Nga có thể “khai thác”, thậm chí có thể lấp đầy.

“Tham vọng của Nga tại Trung Đông không chỉ giới hạn ở Syria. Moscow rõ ràng nhắm mục tiêu tới việc hất cẳng Mỹ ra khỏi khu vực, và khẳng định vai trò của Nga như kiến trúc sư cho thế giới đa cực. Iraq có thể là một mảnh ghép khác để (Nga) đạt được mục tiêu này”, Farhad Ibragimov, chuyên gia tại Câu lạc bộ Quốc tế Valdai ở Moscow, cho biết.

Tuy vậy, giới phân tích Nga cho rằng sự can thiệp của Nga vào Iraq có thể chỉ dừng lại ở các động thái ngoại giao và buôn bán vũ khí. Kịch bản can thiệp quân sự trực tiếp tại Iraq khó xảy ra vì hai lý do:

Thứ nhất, việc can thiệp quân sự ở nước ngoài của Nga đã đối mặt với nhiều phản ứng nhạy cảm từ trong nước kể từ sau cuộc phiêu lưu thảm họa của Nga tại Afghanistan từ năm 1979 - 1989.

Thứ hai, các lực lượng vũ trang của Nga có nguồn lực rất hạn chế, trong khi các nguồn lực này phải trải dài trên nhiều mặt trận.

Vai trò trung gian hòa giải

Cơ hội vàng cho Nga khi “chảo lửa” Trung Đông sôi sục - 3

Tổng thống Vladimir Putin (phải) bắt tay người đồng cấp Iran Hassan Rouhani (Ảnh: Sputnik)

Theo Eurasia Review, Nga là nước phù hợp nhất để đóng vai trò hòa giải hoặc ít nhất có ảnh hưởng đối với Iran.

Thứ nhất, không quốc gia phương Tây nào có mối quan hệ tốt đẹp với Iran như Nga. Cả hai nước đã hợp tác cùng nhau tại Syria để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Assad nhằm tiêu diệt IS và các lực lượng chống chính phủ Syria.

Thứ hai, Iran là nước hưởng lợi từ các thương vụ vũ khí của Nga. Cuối năm 2016, Nga đã hoàn tất việc chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Iran, sau đó ký thỏa thuận trị giá 800 triệu USD giữa hai nước vào năm 2007.

Sau khi nhóm 6 quốc gia tham gia Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran hồi tháng 7/2015, Tổng thống Putin đã dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Iran và ký một thỏa thuận mới với Tehran.

Tuy nhiên, Tổng thống Putin hồi tháng 5 năm ngoái được cho là đã từ chối yêu cầu của Iran về việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tối tân của Nga. Lý do ông Putin từ chối có thể vì lo ngại căng thẳng gia tăng tại Vịnh Persia, nơi một số nhà lãnh đạo Ả rập lo ngại về năng lực quân sự của Iran. Hơn nữa, Nga cũng không muốn trang bị vũ khí “tới tận răng” cho Iran.

Mặc dù vậy, cuộc tập trận hải quân đầu tiên giữa Nga - Iran - Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái ở Vịnh Oman và Bắc Ấn Độ Dương đã phản ánh sự hợp tác ngày càng tăng với Iran. Tehran cũng nhận thức được rằng, họ không thể rời xa cả Nga và Trung Quốc trong việc đối phó với các lệnh trừng phạt cũng như các sức ép khác của Mỹ.

Thứ ba, kể từ khi can thiệp quân sự thành công vào Syria, uy tín và ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông ngày càng mạnh hơn. Các mối quan hệ tốt đẹp của Nga với Iran cũng không thể cản trở Nga tăng cường quan hệ với Israel và Ả rập Xê út. Cả hai nước này đều nghi ngờ Iran và cần Nga để kiềm chế ảnh hưởng của Tehran.

Thành Đạt

Tổng hợp