1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Chuyện về những người anh em cưới chung một vợ trên dãy Himalayas

(Dân trí) - Khi Tashi Sangmo 17 tuổi, cô kết hôn cùng người hàng xóm 14 tuổi tại ngôi làng xa xôi trên dãy Himalayas, Nepal, và đây chỉ là một phần trong “gói kết hôn” bởi cô cũng đồng ý cưới người em trai của chú rể.

 

Tashi Sangmo trên cánh đồng gần nhà.
Tashi Sangmo trên cánh đồng gần nhà.

Vào thời xưa, những người con trai trong hầu hết mọi gia đình ở vùng Thượng Dolpa sẽ cùng nhau cưới một người phụ nữ, nhưng tục đa phu đang dần chết khi khu vực bắt đầu mở cửa với thế giới hiện đại.

 

“Theo cách này mọi việc dễ dàng hơn bởi mọi thứ ở trong một gia đình. Không phải chia sẻ giữa nhiều bà vợ và tôi là người chịu trách nhiệm chung”, Sangmo cho biết qua người phiên dịch. “Hai anh em mang tiền về và tôi là người quyết định sẽ làm gì với số tiền”.

 

Khi Sangmo kết hôn với Mingmar Lama 14 năm trước, mọi người đều hiểu rằng em trai của chồng cô, Pasang, khi đó 11 tuổi, sẽ gia nhập vào mối quan hệ theo truyền thống có từ nhiều thế kỷ nay và hiện chỉ còn tồn tại ở một vài làng sống tách biệt ở dãy Himalaya.

 

Và giữa họ, giờ có 3 người con trai, 8, 6 và 4 tuổi. “Tôi muốn chia sẻ vợ với anh trai, bởi cuộc sống sẽ dễ dàng hơn cho cả hai chúng tôi”, Pasang, 25 tuổi, cho biết tại nhà ở làng Simen, nằm trên mực nước biển 4.000m và cách thị trấn gần nhất 5 ngày đi bộ.

 

Trước đây từng là thành viên trong dòng người du mục giữa Nepal và Tây Tạng, người dân ở Thượng Dolpa hiện vẫn theo con đường buôn bán này, dẫn bò Tây Tạng mang muối từ Tây Tạng và mang gạo từ cao nguyên Terai ở miền nam đi bán. Trong không khí loãng của vùng núi cao, đất có thể trồng trọt được có vòng đời ngắn và trang trại lại nhỏ hẹp.

 

Tuy nhiên, truyền thống đa phu không cho phép mỗi thế hệ trong một gia đình phân chia tài sản, và nguồn cung thực phẩm chỉ có thể đủ để duy trì nhu cầu thiết yếu của người dân.

 

Đám cưới thường được sắp đặt trước, với gia đình chọn vợ cho con trai lớn nhất và cho phép các em trai sau đó có cơ hội cưới chính người phụ nữ này. Trong một số trường hợp, các bà vợ sẽ giúp nuôi dưỡng những người chồng tương lai của họ.

 

“Không có ghen tuông”

 
Tashi Sangmo Lama, 31 tổi, (trái) cùng với
Tashi Sangmo Lama, 31 tổi, (trái) cùng với Pasang Lama (phải), 25 tuổi, một trong hai người chồng của cô và con trai Pema 8 tuổi của họ (giữa).
 
 
Không giống như hầu hết đàn ông ở Nepal, đất nước bảo thủ và phần lớn theo đạo Hindu, những ông chồng trong chế độ đa phu làm công việc trong gia đình, giúp nấu ăn, chăm sóc con cái, trong khi phụ nữ cai quản tiền bạc.

 

Người chồng trong chế độ đa phu cũng được xem là công cụ “điều chỉnh” tỉ lệ sinh, bởi với họ một phụ nữ có thể có bầu nhiều lần, dù cô có bao nhiêu chồng đi chăng nữa.

 

Các gia đình đa phu cũng thường không phân biệt ai là cha đẻ thật sự của đứa con nào, và bọn trẻ gọi cha đẻ, chú, bác đều là “cha”.

 

Đa phu phá vỡ nhiều điều cấm kị về tình dục ở phương Tây, nhưng với người địa phương, họ coi đây là lẽ tự nhiên và có lợi.

 

Shitar Dorje, 30 tuổi, kết hôn với người chồng Karma, 37 tuổi, một thập niên trước. Em trai của Karma, Pema, “tham gia” vào cuộc hôn nhân vài năm sau đó sau khi học xong Phật giáo.

 

“Nếu chúng tôi đều ở nhà cùng lúc, thì lúc đó anh cả sẽ ngủ với vợ của tôi”, Pema, 30 tuổi, cho biết. “Với tôi, tôi không thấy ghen. Tôi không cảm thấy tồi tệ khi anh trai tôi ở trong nhà và vợ của chúng tôi đang ở với anh. Nếu tôi cảm thấy ghen, tôi sẽ đi và cưới ai đó khác”, Pema cho hay.

 

Cuộc sống ở Thượng Dolpa, cách thủ đô Kathmandu nhộn nhịp 500km, đơn giản nhưng khó nhọc. Vệ sinh sơ sài, dịch vụ y tế hiện đại hầu như không tồn tại và phụ nữ dành suốt cả ngày đập đá ở trong thung lũng hay thu hoạch mùa màng dưới cái nắng chói chang.

 

Chế độ đa phu mang lại lợi ích khi có sự phân công lao động giữa những người anh em trai: một người chăm sóc đàn gia súc, một người giúp vợ trên cánh đồng và người còn lại gia nhập đoàn lái buôn.

 

Nhiều người thấy đó là một dạng “bảo hiểm nhân thọ”, củng cố vững chắc cho người phụ nữ kết hôn theo sắp đặt, nghĩa là họ sẽ không bao giờ bị bỏ lại một mình nếu một người chồng chẳng may qua đời.

 

Theo tổ chức từ thiện Hà Lan SNV, tổ chức đã thiết lập mối quan hệ tốt với khu vực, tuổi thọ trung bình ở đây chỉ 48 với đàn ông và 46 với phụ nữ.

 

“Chúng tôi lần lượt chia sẻ vợ”

 

Thajom Gurung, 60 tuổi, sống ở làng Saldang tách biệt trên dãy Himalayas, đã mất chồng Choldung 30 năm trước, do ông bị ung thư. Nhưng bà đã kết hôn với cả hai người anh trai của ông và giờ ở với một người còn sống, Choyocap, 67 tuổi.

 

“Khi chúng tôi đều ở nhà, chúng tôi lần lượt chia sẻ vợ, không có ai phải lo lắng về điều đó”, Choyocap cho biết.

 

Cho mãi đến gần đây, du lịch phát triển đã soi rọi ánh sáng văn minh tới vùng đất từng bị bỏ quên này. Trên mái của những ngôi nhà đá, nơi từng chỉ có cờ tôn giáo được treo, lấp ló chảo đĩa vệ tinh, cho phép người dân Dolpa được thấy đôi chút về thế giới hiện đại, nơi hình ảnh về sự lãng mạn đối lập hoàn toàn với họ.

 

SNV cho hay trong khi với thế hệ trước, 80% hộ gia đình vẫn theo đa phu, con số này giờ giảm xuống còn 1/5 và dự kiến sẽ mất hẳn trong vòng khoảng 2 thế hệ nữa.

 

Mặc dù vậy, giờ đây “đa phu là giữ cho gia đình sống cùng nhau khi cuộc sống khó khăn”, Choyocap Gurung cho hay. “Với nhiều anh em trai, gia đình sẽ mạnh mẽ hơn, và con cái có cơ hội tốt hơn trong tương lai ”.

 

Vũ Quý

Theo AFP