1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Chuyên gia Mỹ hiến kế xây dựng mối quan hệ với Nga

Như đã biết, mối quan hệ giữa Moscow và Phương Tây đang ở giai đoạn khủng hoảng sâu sắc nhất kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh đến nay.

Các sự kiện ở Đông Ucraine đã làm cho tiến trình đối thoại Nga-Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu (nhằm cải thiện mối quan hệ) trước thời điểm xảy ra xung đột ở Ucraine bị đình trệ.

Các chuyên gia Mỹ đang cố gắng tìm hiểu xem bằng cách nào để có thể thoát ra khỏi tình huống này và cách thức xây dựng chính sách đối với Nga. Một trong các chuyên gia đó – nhà Nga học Fiona Hill từ Viện nghiên cứu Brookings (Xin bạn đọc lưu ý đến cái tên này: đây là một trong những trung tâm phân tích (Think tank) quan trọng nhất của Mỹ chuyên nghiên cứu và đề xuất chính sách về các vấn đề khoa học xã hội, quản lý hành chính, chính sách đối ngoại và kinh tế thế giới.

Không phải ngẫu nhiên mà Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ được công bố lần đầu chính tại Viện này.Còn Fiona Hill là một chuyên gia nghiên cứu sâu về Nga, dĩ nhiên là rất hiểu Nga) đã đưa ra phương án của mình.

Thấy bài viết có nhiều điều thú vị , xin giới thiệu cùng bạn đọc để cùng tham khảo một cách nhìn khác (dịch qua bản tiếng Nga, nguồn :Lenta.ru, ngày 26/02).

Sau đây là lược dịch bài viết của bà (phần trong ngoặc là của người dịch):
 
Fiona Hill (Ảnh: alumni.harvard.edu)

Fiona Hill (Ảnh: alumni.harvard.edu)
 
Fiona Hill (Ảnh: alumni.harvard.edu)

Biểu tượng nút khởi động tiến trình “ tái cài đặt quan hệ Nga-Mỹ” (có lẽ tác giả bức ảnh nhầm hoặc chơi chữ - peregruzka như trên bức ảnh nghĩa là” quá tải” (ND)

Khi soạn thảo chiến lược đối với Nga, cần phải tính đến:

Nước Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin là một thách thức duy nhất đối với trật tự thế giới Phương Tây. Putin có niềm tin rằng sức mạnh của nước Nga, vị trí của nước Nga trong thế giới hiện đại và cả tiến trình lịch sử không cho phép (các nước khác) cư xử với Nga như với một nước hạng trung.

Ông (V.Putin) muốn Phương Tây và các nước có biên giới với Nga phải tính đến những hậu quả tiêu cực có thể có trước khi ra những quyết định trong lĩnh vực an ninh và kinh tế có đụng chạm đến lợi ích của Moscow.

Trong trường hợp, nếu như Putin cảm thấy là các quyết định trên có thể đe dọa lợi ích của Nga, ông muốn Nga cũng có quyền phủ quyết, tương tự như tại Hội đồng Bản an Liên Hợp quốc.

Hoàn toàn rõ ràng là Phương Tây không chấp nhận một lập trường như vậy (của Nga), nhưng trong thời điểm hiện nay (Phương Tây) lúng túng không biết phải phản ứng như thế nào.

Trong trường hợp đối với Nga, chúng ta (Mỹ) không thể chỉ đơn thuần là điều chỉnh lại chiến lược của chúng ta để xây dựng mối quan hệ (với Nga) như đối với các nước khác, cũng như không thể tiếp tục sử dụng những kinh nghiệm cũ trong mối quan hệ với Nga (Liên Xô ngày trước).

Nước Nga hiện nay là một thách thức hoàn toàn khác. Trong tình huống này, chiến lược chờ thời với hy vọng sẽ có một lúc nào đó V.Puitn rời bỏ quyền lực và có người nào đó thay thế cũng không phù hợp.

Không thể đặt V. Putin tách khỏi đất nước Nga. Quan điểm của ông thể hiện quan điểm của xã hội Nga. Bất kỳ một người kế nhiệm nào của Putin cũng sẽ tích cực bảo vệ các lợi ích của nước Nga như ông.
 
Không đơn giản chút nào (Ảnh: M.Malinovski)
Không đơn giản chút nào (Ảnh: M.Malinovski)

Thế thì phải làm gì? Cần phải xác định những nguyên tắc chủ đạo (khung) trong mối quan hệ với Nga trong tương lai. Tuy đây là một nhiệm vụ cho một tương lai dài hạn, nhưng chúng ta phải bắt đầu ngay từ cuộc khủng hoảng ở Ucraine hiện nay- nơi đang thể hiện rất rõ tất cả những mâu thuẫn sâu sắc nhất (giữa Nga và Mỹ)

Chiến lược trong mối quan hệ với Nga cần phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

1. Tính thực tế. Điều này có nghĩa là (chúng ta) phải nhận thức được một thực tế là cả Nga, cả chúng ta (Mỹ) đều có những nguyên tắc nhất định mà chúng ta (Mỹ và Nga) không bao giờ nhượng bộ. Trước hết là Nga sẽ không bao giờ từ bỏ vùng Crimea mà Nga mới thôn tính được (nguyên văn).

Thành thử, chúng ta cần phải loại Crimea ra khỏi chương trình nghị sự trong các cuộc đàm phán về Đông Ucraine và chỉ tập trung vào chủ đề Đông Ucrinane, còn vấn đề Crimea để lại sau.

Cho đến chừng nào chúng ta vẫn phải trung thành với lập trường mà Phương Tây đã từng theo đuổi trước đây liên quan đến việc Xô Viết thôn tính các quốc gia Baltic sau chiến tranh thế giới thứ hai: từ chối không chính thức công nhận (Crimea là của Nga). Vẫn cần duy trì các biện pháp trừng phạt để đáp trả hành động thôn tính Crimea (của Nga).

Ngoài ra, sự nhượng bộ của Nga đối với vấn đề Đông Ucraine cũng chỉ có giới hạn. Nga không muốn chính phủ Kiev được Phương Tây ủng hộ lãnh đạo một nước Ucraine ổn định.

Chính vì thế mà thậm chí nếu Nga có rút quân (khỏi Ucraine), thì nước này cũng không bao giờ bỏ rơi quân nổi dậy. Nga muốn giữ lại cho mình quyền một mình ra các quyết định về việc thực hiện thỏa thuận giải trừ vũ khí và phi quân sự hóa các khu vực Miền Đông Ucraine. Phương Tây phải chấp nhận một thực tế là Nga ủng hộ quân nổi dậy.

2. Dần từng bước. Như vậy, tại các cuộc đàm phán, chúng ta (Mỹ) cần phải tập trung vào những đòi hỏi và những lợi ích cấp thiết, thay vì tìm kiếm việc ký một “ thỏa thuận toàn diện”.

Chúng ta (Mỹ) cần phải để lại sau các vấn đề phức tạp như thể chế chính trị và vấn đề lãnh thổ của Ucraine cũng như quy chế của nó trong khuôn khổ NATO và Liên minh Châu Âu .

Trước hết, chúng ta cần phải thuyết phục được Nga là Nga sẽ được lợi nếu như thay đổi cách xử sự của mình. Hiện nay người Nga cho rằng các biện pháp trừng phát từ phía Mỹ sẽ không bao giờ được dỡ bỏ nên họ không quan tâm đến việc thay đổi chính sách của mình.

Chúng ta cần phải làm chọ người Nga hiểu một cách rõ ràng rằng Mỹ và Liên Minh Châu Âu áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga vì Nga đang vi phạm các thỏa thuận đã được tất cả thông qua.

Nếu như chúng ta (Mỹ, Liên minh Châu Âu và Nga) tìm được một lối thoát mà tất cả các bên đều chấp nhận được thì mối quan hệ thương mại (với Nga) sẽ được khôi phục sau một thời gian nhất định nào đó.

Ngoài ra, chúng ta cần phải nhận thức là Moscow rất coi trọng ý nghĩa của vị thế cường quốc vĩ đại cùng các lợi ích toàn cầu của mình.

Putin chắc hiểu rằng vị thế của Nga với tư cách là nhân tố chính trị quốc tế có ảnh hưởng sẽ bị sụp đổ nếu ngoài Mỹ và Châu Âu còn các nước khác tham gia vào tiến trình cấm vận và cô lập Nga.

Vì thế, Phương Tây cần phải làm cho Nga hiểu rằng sự kính trọng đối với Nga trong hiện tại và tương lai trực tiếp phụ thuộc vào quan điểm của Nga đối với Crimea và Ucraine (trong hiện tại), chứ không phải là vị thế của Nga trong quá khứ.

Bên cạnh đó chúng ta cũng cần có sự ủng hộ từ các nước không nằm trong Liên minh xuyên Đại Tây Dương (tức NATO).

3. Linh hoạt. Nguyên tắc thứ ba của chiến lược là thành lập một cơ cấu để thực hiện việc thiết lập quan hệ với Nga trong tương lai dài hạn, tương tự như cơ chế nhóm “5+1” trong các cuộc đàm phán về Iran.

Rõ ràng là, Liên Hợp Quốc không phù hợp để thực hiện các sứ mệnh trên. Đức và một loạt các nước khác đề nghị sử dụng diễn đàn OSCE (Tổ chức hợp tác và an ninh Châu Âu) vì nó giảm thiểu các khác biệt trong thành phần Liên minh Châu Âu và NATO, kể cả Mỹ.

Tuy nhiên, có thể tính tới một phương án khác thay thế OSCE, đó là thành lập một nhóm hẹp, gọn hơn đại diện cho quyền lợi của Mỹ, Liên minh Châu Âu, NATO và một số nước chủ chốt khác như Pháp, Đức,Ba Lan và Anh.

Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng ta cũng cần hết sức thận trọng để không rơi vào các bẫy, khi mà một cơ chế như vậy biến thành một cơ chế cứng nhắc và chúng ra sẽ khó thoát ra được cái bẫy đó. Chúng ta cần phải có khả năng phản ứng nhanh trước các hành động của Nga và Putin và thay đổi ngay đường lối của mình khi cần thiết.

Chúng ta cũng cần phải sẵn sàng cho khả năng mỗi bên đều giải thích (với cộng đồng quốc tế) rằng một thành công nào đó trong các cuộc đàm phán là thắng lợi chính trị (của mình).

Phương Tây có thể tuyên bố là những sáng kiến mà họ đưa ra đã phát huy tác dụng, còn người Nga có thể nói: Các ngài thấy chưa, chúng tôi đã trụ vững cho đến khi họ nhận thức được rằng họ không thể thiếu Nga”.

4. Thống nhất ( đoàn kết). Thống nhất – đấy là nhân tố chủ chốt của bất kỳ một chiến lược quan hệ nào đối với Nga. Chúng ta (Mỹ) cần phải quan tâm để lời nói luôn đi đôi với những hành động thực tế.

Chúng ta cần phải thường xuyên nỗ lực để loại trừ những bất đồng trong khuôn khổ Liên minh Châu Âu, NATO và trong các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh căng thẳng chính trị và kinh tế như hiện nay.

Mỹ cần phải sẵn sàng thỏa hiệp và thuyết phục chứ không phải ép buộc các nước đồng minh ra những quyết định mà họ không thể hoặc chưa sẵn sàng (cho quyết định đó).

Chúng ta (Mỹ) cần phải có cách tiếp cận mới đối với những nước dễ bị tổn thương và các quốc gia tại Châu Âu: Hy lạp, Síp, các nước Balcan , Bulgary, Hungary, Rumania và các nước khác.

Song song với việc hợp tác chặt chẽ với Liên minh Châu Âu, chúng ta (Mỹ) cần xem xét lại chính sách láng giềng Châu Âu và xây dựng quan hệ (tốt) với các nước như Armenia, Azerbaizan,Gruzia, Maldova cũng như các quốc gia Trung Á- để họ hoặc là hợp tác chặt chẽ hơn với Liên minh Châu Âu, hoặc chí ít cũng ủng hộ các mối quan hệ với Phương Tây trước mối đe dọa từ phía Nga.

Nói tóm lại ,điểm cốt lõi trong việc tìm kiếm và xây dựng chiến lược (mới) trong quan hệ với Nga và giải quyết cuộc khủng hoảng Ucraine là từ bỏ các kịch bản lâu nay đã được thử nghiệm (vì không còn phù hợp) .

Trước hết, chúng ta (Mỹ) cần phải chấp nhận các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Nga. Tính thực tế, từng bước một, linh hoạt và thống nhất cần phải trở thành những yếu tố cơ bản trong cách tiếp cận mới (đối với Nga).
 
Theo Lê Hùng
Đất Việt