1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chuyện đi hay ở thời "hậu Brexit"

Sau sự kiện người dân Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, tương lai của Scotland lại trở thành chủ đề “nóng” với hai khả năng, hoặc tiếp tục ở lại Vương quốc Anh, hoặc tách ra thành một quốc gia độc lập để trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 30-7, khoảng 3.000 người đã tuần hành tại thành phố Glasgow yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai về nền độc lập của Scotland. Reuters cho hay, kết quả thăm dò trực tuyến do tờ The Sunday Post công bố ngày 25-6 vừa qua cho thấy, hiện có gần 60% người Scotland ủng hộ việc nước này độc lập sau sự kiện Brexit.

Cụ thể, 59% số người tham gia cuộc thăm dò ủng hộ việc Scotland tách ra khỏi Vương quốc Anh. Một ngày sau đó, hãng Panelbase cũng công bố kết quả một cuộc khảo sát khác, trong đó cho thấy 52% số người được hỏi ủng hộ Scotland tách khỏi Vương quốc Anh và trở thành quốc gia độc lập, trong khi 48% phản đối.

Điều đáng chú ý là tỷ lệ này hoàn toàn trái ngược với kết quả trưng cầu ý dân lịch sử về vấn đề độc lập của Scotland vào tháng 9-2014. Khi đó chỉ có 44,7% cử tri ủng hộ Scotland rời khỏi Vương quốc Anh và trở thành một quốc gia độc lập.

Một cuộc tuần hành của những người ủng hộ Scotland tách khỏi Vương quốc Anh. Ảnh: Getty Images
Một cuộc tuần hành của những người ủng hộ Scotland tách khỏi Vương quốc Anh. Ảnh: Getty Images

Còn theo kết quả do hãng thăm dò dư luận YouGov công bố ngày 30-7, đa số cử tri Scotland vẫn muốn tiếp tục ở lại Vương quốc Anh chứ không ủng hộ việc tuyên bố độc lập để gia nhập EU. Điều đó cho thấy, nếu chỉ dựa vào kết quả của những cuộc thăm dò dư luận thì sẽ rất khó để đánh giá chính xác tỷ lệ cử tri ủng hộ và phản đối Scotland độc lập.

Kể từ khi các cử tri Anh bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi EU trong cuộc trưng cầu ý dân tại xứ sở Sương mù ngày 23-6 đến nay, vấn đề độc lập của Scotland đã không ít lần được nhắc đến.

Theo AFP, bà Nicola Sturgeon, Thủ hiến Scotland đồng thời là thủ lĩnh đảng Dân tộc Scotland (SNP), đã từng tuyên bố Scotland coi tương lai của mình là "một phần của EU”. Cũng vì thế mà chỉ 2 ngày sau sự kiện Brexit, bà Nicola Sturgeon đã đề cập đến khả năng Scotland sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc trở thành quốc gia độc lập để có thể tiếp tục ở lại EU như mong muốn của hầu hết người dân. Bà cũng khẳng định chính quyền Scotland đã nhất trí sớm tiến hành các bước đi cần thiết để đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc trưng cầu dân ý này.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz tại Brussels (Bỉ) mới đây, Thủ hiến Nicola Sturgeon một lần nữa tuyên bố Scotland quyết tâm ở lại EU dù có nhiều thách thức ở phía trước liên quan đến vấn đề này.

Mặc dù vậy, một số người ủng hộ Brexit không tin là bà Nicola Sturgeon có đủ thẩm quyền để kêu gọi thêm một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề độc lập cho Scotland. Lại có thông tin cho rằng, nhiều nhân vật trong đảng SNP của bà cũng không tin chắc là họ sẽ giành chiến thắng nếu như cuộc trưng cầu ý dân đó diễn ra.

Khi còn là Thủ tướng Anh, ông David Cameron cũng từng bác bỏ việc cho phép Scotland tiến hành cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về vấn đề tách khỏi Vương quốc Anh. Ông David Cameron cho rằng, cuộc trưng cầu dân ý về độc lập của Scotland chỉ nên diễn ra "một lần trong một thế hệ" và "duy nhất một lần".

Theo ông Joe Twyman, Giám đốc nghiên cứu về chính trị-xã hội thuộc YouGov, hiện vẫn còn quá sớm để đi đến kết luận rằng Brexit không đe dọa sự gắn kết trong Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Tuy nhiên, có thể nói rằng, Brexit đang ít nhiều khiến nước Anh gặp phải rắc rối, nhất là khi vấn đề Scotland đòi độc lập đang được đẩy lên cao. Điều đó cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tân Thủ tướng Anh Theresa May.

Theo Anh Vũ

Quân đội nhân dân