1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Chúng ta chỉ có một hành tinh"

(Dân trí) - Đại sứ Anh và Italia có chung nhận định rằng, giống như nhiều nước khác, Việt Nam đang hứng chịu các tác động mạnh của biến đổi khí hậu. Hai nước này mong sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, khi Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.

Chúng ta chỉ có một hành tinh - 1

Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward (trái) và Đại sứ Italia Antonio Alessandro (Ảnh: Đại sứ quán Anh và Italia)

Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward và Đại sứ Italia Antonio Alessandro đã cùng viết một bài bình luận về vấn đề biến đổi khí hậu, nhân dịp hai nước được đề cử đăng cai tổ chức Hội nghị các bên về Biến đổi khí hậu COP-26 diễn ra vào năm 2020.

COP-26 sẽ là một cột mốc mới để các nước cam kết giảm phát thải mạnh mẽ hơn, hướng đến năng lượng sạch hơn, tương lai với sức chống chịu tốt hơn, thiên nhiên tươi đẹp, và được hỗ trợ bởi các hệ thống tài chính xanh.

Dưới đây là bài viết chung của hai Đại sứ:

Là Đại sứ Anh và Đại sứ Italia tại Việt Nam, trong năm vừa rồi, chúng tôi đã may mắn được đặt chân tới nhiều nơi trên đất nước xinh đẹp này. Bên cạnh những chuyến thăm tới các thành phố lớn đang vươn mình phát triển, chúng tôi đã đi bằng tàu hoả, ô tô, xe đạp và thuyền để đến những khu rừng, rặng núi của vùng đất Tây Bắc, đi dọc những bờ biển dài của miền Trung, và đến thăm vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có sự đa dạng sinh học đứng thứ hai trên thế giới. Chúng tôi được hiểu thêm về sự trù phú của môi trường nhiên nhiên nơi đây - một yếu tố quan trọng giúp Việt Nam ngày càng thịnh vượng.

Việt Nam đang hứng chịu các tác động của biến đổi khí hậu

Nhưng cùng lúc, chúng tôi cũng nhận thấy rằng, như nhiều nước khác, Việt Nam đang gặp phải nhiều hiểm họa từ hàng loạt thách thức toàn cầu mà lịch sử nhân loại chưa từng đối mặt. Ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng đang là gánh nặng lớn cho sức khoẻ con người. Mực nước biển dâng cao làm tổn hại an ninh lương thực và kế sinh nhai của nhiều dân lành. Và ô nhiễm rác thải nhựa cũng đang gây ra những hậu quả riêng cho đa dạng sinh học và ngành du lịch.

Các bằng chứng khoa học đã chứng minh rằng chính con người gây ra biến đổi khí hậu, và con đường chúng ta đang đi không bền vững. Tuy nhiên, điều đáng mừng là giờ đây chúng ta đã nhận ra được vấn đề và bắt đầu tìm kiếm giải pháp. Điều kế tiếp mà chúng ta cần chính là sự quyết tâm để cùng nhau hành động.

Anh và Italia tin rằng để có thể hạn chế biến đổi khí hậu và bảo vệ hành tinh này, chúng ta cần phải giảm phát thải khí nhà kính. Các nhà khoa học trên thế giới đã nhất trí về mục tiêu này khi họ đo được rằng nhiệt độ đang không ngừng tăng lên và các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày càng thường xuyên. Nếu bạn còn nghi ngờ, chỉ cần hỏi người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi mực nước hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong 100 năm qua. Chênh lệch nhiệt độ trung bình so với mức năm 1990 đã gần đạt đến 2 độ C, sẽ không chỉ gây tổn hại tới 40% diện tích của Đồng bằng sông Cửu Long mà còn làm hủy hoại sinh kế của 30 triệu người. Bão lũ hàng năm ở miền Trung Việt Nam hiện cũng khốc liệt hơn bao giờ hết. Trong khi đó, lượng mưa thấp ở vùng Tây Bắc gây ra hạn hán và nhiều vấn đề nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp.

Các mô hình tăng trưởng kinh tế không bền vững chính là nguyên nhân dẫn đến tổn hại về đa dạng sinh học trên khắp thế giới. Chúng ta đang chứng kiến đợt tuyệt chủng thứ sáu của hành tinh và cùng với đó là sự ra đi vĩnh viễn của nhiều loài động, thực vật. Một yếu tố đặc biệt gây lo ngại do con người gây nên là nạn mua bán động vật hoang dã trái phép. Các khu rừng nhiệt đới - nguồn cung cấp động, thực vật dồi dào nhất của địa cầu, cũng đang bị thu hẹp ở mức báo động. Trong khi đó, rác thải nhựa đang làm ô nhiễm đại dương của chúng ta, đe doạ tính đa dạng của sinh vật biển và sinh kế của ngư dân. Việt Nam - một trong những quốc gia có động vật hoang dã trong rừng và ở đại dương đa dạng nhất thế giới - sẽ gánh chịu những hậu quả này đầu tiên.

Đầu tư vào tăng trưởng xanh

Italia và Anh sẽ không đầu hàng trước những diễn biến tiêu cực này. Chúng ta có thể thay đổi hướng đi hiện tại! Một giải pháp quan trọng là giảm phát thải khí các-bon thông qua việc nhanh chóng đầu tư vào tăng trưởng xanh. Năng lượng sạch đi đôi với hệ thống vận tải, nông nghiệp và công nghiệp bền vững hơn cũng sẽ đồng nghĩa với việc có nhiều việc làm hơn, không khí sạch hơn, sức khỏe tốt hơn và môi trường thiên nhiên được cải thiện hơn. Việt Nam có tiềm năng to lớn về khai thác năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời, gió và sinh khối. Tuy đã có một số tiến triển, các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam vẫn còn khiêm tốn, và lượng than đá dự tính sử dụng trong tương lai còn quá cao. Để đáp ứng được nhu cầu điện quốc gia đang tăng ở mức 12% hàng năm, Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn vào năng lượng tái tạo và xây dựng một khung thể chế tốt.

Cam kết mạnh mẽ của các nước như Anh và Italia là điều cần thiết. Anh đã giảm phát thải được 43% so với năm 1990, trong khi nền kinh tế vẫn tăng trưởng 72% trong cùng kỳ. Tăng trưởng và phát triển bền vững hoàn toàn có thể song hành cùng nhau. Chúng tôi cam kết tuân theo Luật Biến đổi Khí hậu với những ràng buộc pháp lý, đặt mục tiêu trước năm 2050 sẽ giảm phát thải 80% so với năm 1990. Tháng 6 năm nay, chúng tôi còn đặt một mục tiêu lớn hơn khi thông qua luật mới rằng trước năm 2050 sẽ giảm phát thải khí nhà kính xuống còn 0%.  Anh là nền kinh tế lớn đầu tiên cam kết sẽ không góp phần vào hiện tượng nóng lên toàn cầu kể từ năm 2050. Hiện nay, hơn 30% sản lượng điện tại Anh được sản xuất từ những nguồn năng lượng tái tạo. Sản lượng điện gió ngoài khơi của Anh chiếm 40% sản lượng thế giới. Đây là những cách chúng tôi đang góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.

Hiện nay, Italia đã giảm phát thải khí tương đương CO2 từ 518 tấn năm 1990 xuống còn 427 tấn, với mức giảm ổn định trong những năm gần đây. Cùng với các đối tác khác trong cộng đồng Châu Âu, trong khuôn khổ Hiệp định Pa-ri, Italia cam kết từ nay tới năm 2030 sẽ giảm phát thải khí nhà kính ít nhất 40% so với mức năm 1990. Năng lượng tái tạo chiếm trên 18% tổng năng lượng tiêu thụ năm 2018, với hạn mức phát điện là 39,7% (trong đó, 49% là thủy điện và 40% là điện gió và điện mặt trời). Sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp then chốt để hạn chế phát thải khí nhà kính. Italia dự tính tăng mức sử dụng năng lượng hiệu quả lên 43%, cao hơn nhiều so với mức 32,5% mà khối Châu Âu đặt mục tiêu cho năm 2030. Thêm vào đó, Italia đã và đang áp dụng hệ thống đo lường thông minh để giúp các hộ gia đình quản lý được lượng điện tiêu thụ. (Hiện nay đã có 36 triệu đồng hồ đo thông minh được lắp đặt tại Italia).

Hợp tác chặt chẽ với Việt Nam

Việc các nền kinh tế lớn giúp các nước đang phát triển thích ứng và giảm thiểu rủi ro của biến đổi khí hậu cũng là điều cần thiết. Anh cam kết đóng góp tối thiểu 5,8 tỷ Bảng Anh cho tổ chức Tài chính Khí hậu Quốc tế (International Climate Finance) trong giai đoạn 2016-2020. Chúng tôi cũng sẽ tăng gấp đôi số tiền đóng góp vào Quỹ Khí hậu Xanh (Green Climate Fund) của Liên Hiệp quốc lên 1,4 tỷ Bảng Anh, bao gồm hỗ trợ thực hiện các dự án tại Việt Nam.

Italia cũng cam kết đóng góp tổng cộng 250 triệu Euro vào Quỹ Khí hậu Xanh. Chúng tôi cũng đã bắt đầu làm việc trực tiếp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, ký Thỏa thuận Hợp tác vào tháng 6 năm 2018 về việc đánh giá tác động, rủi ro cũng như quá trình thích ứng và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Những nỗ lực của Anh và Italia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu đã giúp hai nước chúng tôi được đề cử là hai quốc gia sẽ đồng tổ chức Hội nghị Các bên về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp quốc lần thứ 26 (COP-26) diễn ra vào năm 2020. Quyết định này sẽ được chính thức xác nhận vào tháng 12 tới. COP-26 sẽ là một cột mốc để chúng ta tham vọng hơn, cam kết mạnh mẽ hơn vì năng lượng sạch, hướng đến một tương lai có sức chống chịu tốt hơn và thiên nhiên tươi đẹp hơn, với sự hỗ trợ của các hệ thống tài chính xanh. Biến đổi khí hậu không còn là một đe dọa xa vời mà đang ở ngay trước mắt. Chúng ta phải cùng nhau hành động để thúc đẩy giảm phát thải, bảo vệ môi trường và thích ứng với những hậu quả đã hiển hiện trên toàn cầu. Trọng tâm trong việc chung tay hành động là Hội nghị Hành động ứng phó Biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (UNCAS). Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch của khối ASEAN và đây cũng sẽ là cơ hội để tăng cường hợp tác song phương.

Chúng ta chỉ có một hành tinh. Hãy cùng nhau hành động để khiến các nền kinh tế của chúng ta trở nên bền vững, xanh và sạch hơn - cho hôm nay, và cho các thế hệ tương lai.

Đại sứ Anh và Italia tại Việt Nam