1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển: "Có nhiều người Thụy Điển hướng về Việt Nam"

(Dân trí) - "Thụy Điển là một trong các quốc gia đã hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn trước đây và sẽ tiếp tục trợ giúp các bạn trong tương lai. Thụy Điển có thể giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giáo dục, an sinh xã hội, phòng chống tham nhũng...".

Chủ tịch quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam và tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU-132). Vào chiều ngày 31/3, ông Ahlin đã có cuộc gặp gỡ với báo chí nhân chuyến thăm này và dưới đây là nội dung cuộc trò chuyện của ông.
 
Chủ tịch quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin (trái) trong cuộc trò chuyện với báo chí ngày 31/3.
Chủ tịch quốc hội Thụy Điển Urban Ahlin (trái) trong cuộc trò chuyện với báo chí ngày 31/3.
 
Xin ông cho biết mục tiêu chuyến thăm Việt Nam của ông lần này?

Mục tiêu chuyến thăm của tôi là tìm hiểu các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và từ đó thúc đẩy quan hợp tác giữa hai nước trong tương lai.

Một trong những kết quả cụ thể là tôi đã tham gia chương trình tuyên truyền về an toàn giao thông đường bộ tại Hà Nội vào sáng ngày 31/3. Thụy Điển có nhiều thuận lợi để hợp tác với Việt Nam về an toàn giao thông.
 
Theo tôi, có nhiều lý do lịch sử để thúc đẩy quan hệ ngoại giao và thương mại hai bên. Thụy Điển là nước phương Tây đầu tiên mở sứ quán tại Việt Nam. Và 20 năm trước, vào năm 1995, bà Birgitta Dahl, khi đó là Chủ tịch quốc hội Thụy Điển, là diễn giả đầu tiên từ một nước phương Tây phát biểu tại Quốc hội Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng quan hệ giữa hai nước?
 
Đọc các con số thống kê thì tôi thấy 2 bên hoàn toàn có thể thúc đẩy hơn nữa quan hệ, đặc biệt về thương mại. 
 
Thụy Điển là một trong các quốc gia đã hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn trước đây và sẽ tiếp tục trợ giúp các bạn trong tương lai. Thụy Điển có thể giúp đỡ Việt Nam trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, phòng chống tham nhũng, giáo dục, cải cách tư pháp, an sinh xã hội.
 
Về cơ sở hạ tầng, Thụy Điển có nhiều công ty tốt biết cách xây dựng đường xá an toàn. Chúng tôi có hệ thống giao thông công cộng hàng đầu thế giới. Trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, Thụy Điển là một trong những nước ít tham nhũng nhất thế giới và Việt Nam có thể học được nhiều kinh nghiệm của chúng tôi trong lĩnh vực này.
 
Về giáo dục, Thụy Điển có các tiêu chuẩn giáo dục tốt. Hiện có nhiều sinh viên Việt Nam tới Thụy Điển du học và tôi cho rằng hai nước sẽ có các chương trình hợp tác hiệu quả về giáo dục. Chúng tôi cũng có hệ thống chính trị ổn định và an sinh xã hội tốt. 
 
Đây là 5 lĩnh vực mà tôi cho rằng có thể tiếp tục mở rộng hợp tác trong tương lai. Tôi mong rằng các lãnh đạo Việt Nam quan tâm tới 5 lĩnh vực mà tôi đề cập trên đây trong các cuộc gặp gỡ tại Hà Nội.

Ông có thể nói đôi điều về những kinh nghiệm phát triển của Thụy Điển và lời khuyên dành cho Việt Nam?
 
Thụy Điển là nước phát triển, có công nghệ xanh sạch. Chúng tôi có các công nghệ, thiết bị có thể chuyển giao cho Việt Nam. Thụy Điển có thể hỗ trợ Việt Nam giải quyết để giải quyết các vấn đề môi trường, giao thông. Ví dụ như đến với Stockholm, bạn sẽ thấy môi trường rất trong lành. Tôi có nhiều bạn bè từ châu Âu tới thăm Stockholm và điều họ nhớ nhất không phải các bảo tàng hay các danh lam thắng cảnh nổi tiếng mà là môi trường, không khí trong lành của thủ đô.

Chúng tôi sẽ đưa ra đề nghị Việt Nam sử dụng các kinh nghiệm của Thụy Điển. Chúng tôi sẵn lòng chia sẻ tất cả kinh nghiệm của Thụy Điển để Việt Nam có thể áp dụng vào thực tế.
 
Về vị trí địa lý, Thụy Điển nằm rất xa Việt Nam nhưng trong chiến tranh Việt Nam có nhiều người Thụy Điển đã hỗ trợ các bạn và chỉ trích Mỹ. Thế hệ người Thụy Điển đó giờ đang trở lại thăm Việt Nam với tư cách là khách du lịch. Họ muốn thăm những nơi từng nghe tới trong chiến tranh.

Có nhiều người Thụy Điển với trái tim và khối óc hướng về Việt Nam và các bạn nên tận dụng điều đó. 
 
Hiện nay, công nghệ và sản phẩm của Thụy Điển chưa tiếp cận nhiều với thị trường Việt Nam là do giá thành cao. Nhưng chất lượng sản phẩm cũng rất cao. Một lời khuyên của Thụy Điển với Việt Nam là chúng ta nên tính tới vòng đời của sản phẩm, chất lượng tốt sẽ lâu bền. Chúng ta nên có tầm nhìn dài hạn và nhìn vào vòng đời của sản phẩm để có quyết định đầu tư hợp lý.
 
Theo ông, các thách thức và cơ hội của Việt khi tham gia các thỏa thuận thương mại tự do là gì?
 
Đây là một bước đi thông minh, khôn ngoan của Việt Nam để mở cửa và tự do hóa thương mại. Đây là một hướng đi đúng đắn, nhưng trong một thế giới tự do hóa thương mại thì sự cạnh tranh rất khốc liệt. Việt Nam phải sẵn sàng bước ra khỏi ngưỡng cửa và cạnh tranh sòng phẳng với các nước lân cận. Các biện pháp bảo hộ như trước đây sẽ không được sử dụng, như các hàng rào thuế quan và phi thuế quan.
 
Việt Nam phải xác định cần hệ thống giáo dục tốt để tạo ra sự sáng tạo, nguồn nhân lực cao, cần con người trong các lĩnh vực hàng đầu để cạnh tranh sòng phẳng. Người dân khi đó cũng phải có nhận thức rằng khi chúng ta bước vào sân chơi thương mại thì cạnh tranh sẽ rất khốc liệt và cần sẵn sàng chuẩn bị để cạnh tranh. Việt Nam không nên cạnh tranh dựa trên chi phí nhân công rẻ. Chúng ta cần xác định các mục tiêu và ưu tiên, và đặt ra các tiêu chuẩn mới, nếu chỉ cạnh tranh dựa trên mức nhân công rẻ và sẵn có thì khả năng cạnh tranh của Việt Nam rất thấp so với các đối thủ khác.

Ông đánh giá như thế nào về công tác tổ chức IPU của Việt Nam?
 
IPU lần này được tổ chức tốt. Việt Nam đã thể hiện sự thân thiện, hiếu khách. Tôi đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu từ phía ban tổ chức. Qua đây tôi thấy Việt Nam hoàn toàn có thể tổ chức các sự kiện lớn trong tương lai. Tôi tin các nghị sĩ từ tất cả các nước tham gia IPU lần này sẽ nhớ sự hiếu khách, sự đón tiếp nồng hậu của các bạn.
 
Những vấn đề nào trong chương trình nghị sự IPU mà ông quan tâm?

Phát triển bền vững là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng tới tất cả các quốc gia. Ngoài ra còn các vấn đề khác như biến đổi khí hậu, chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh mạng. Các vấn đề này đòi hỏi sự phối hợp lẫn nhau giữa các nước. Bài học quan trọng nhất của IPU lần này mà tôi rút ra đó sự đoàn kết.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

An Bình
(Ghi)