1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

"Choáng” với cách rèn con kiểu Hàn Quốc

(Dân trí) - Nhiều bậc cha mẹ Hàn Quốc đang cho những đứa con được quá nuông chiều của họ làm quen với môi trường quân đội khắc nghiệt để chúng có thể trở thành những học sinh tốt hơn và thành người.

 
"Choáng” với cách rèn con kiểu Hàn Quốc  - 1
Một lớp học tại trại huấn luyện quân sự dành cho các thanh thiếu niên trên đảo Deabu.

Đảo Deabu ở Hàn Quốc có trại huấn luyện quân sự dành cho các thanh thiếu niên kiểu này. Trời mưa nặng hạt, một cậu nhóc đeo cặp kính đồi mồi đang đứng giữa vũng bùn lầy lội và chịu hình phạt dành riêng cho mình.

Răng nghiến chặt vào nhau, cặp mắt kính nhòe nhoẹt, nước mưa chảy xuống mặt, cậu bé thực sự chỉ chực khóc. Đôi giày bệt của cậu bị bong ra vì bùn và cậu cúi xuống để nhặt nó lên, vì thế, cậu bị lỡ bước với 70 “đồng đội” đang thực hiện bài tập. Tất nhiên là cậu phải chịu hình phạt thích đáng.

“Các cậu có cảm thấy lạnh không?”, huấn luyện viên hỏi. “Không”, các chàng trai dõng dạc đáp lại. “Các cậu chắc là không lạnh chứ?”. Câu trả lời vẫn là “Không, không gì cả!”. Vị huấn luyện viên nói tiếp: “Các cậu trông rất lạnh đấy, hãy để tôi làm các cậu đổ mồ hôi nhé”.

Những mái tóc bết lại, đôi mắt mệt mỏi cụp xuống, các cậu bé kéo lê mình theo vị huấn luyện viên. Cậu bé đeo kính bị phạt xếp cuối hàng.

Trại huấn luyện Blue Dragon (Rồng Xanh) là ý tưởng của ông Park Kyung-hoon, một cựu sĩ quan huấn luyện. Người đàn ông 52 tuổi này cho rằng thế hệ trẻ Hàn Quốc hiện nay đang tỏ ra yếu ớt về mặt thể chất, kỷ luật kém, thiếu quyết tâm, dành quá nhiều thời gian để chơi game hoặc tỏ ra hỗn láo với những bậc phụ huynh đang phải làm việc quá sức. 

Tuy nhiên, các ông bố, bà mẹ không hẳn là “vô tội”.  Họ được sinh ra và lớn lên trong những năm tháng đói khổ sau chiến tranh hai miền Triều Tiên, và nhiều người cố gắng hết sức mình vì con cái, cho chúng tất cả những thứ mà họ không có trước kia. Cuối cùng, sau nhiều năm nuông chiều thái quá như vậy, một vài bậc phụ huynh nhận ra rằng con cái họ cần một môi trường rèn luyện kỉ luật hơn để thành tài, thành người. Vì vậy, họ quyết  định gửi chúng đến trại huấn luyện quân sự của ông Park.

Ông Park nói: “Những đứa trẻ ngày nay không biết khó khăn là gì. Mọi thứ đều quá tiện lợi: nước nóng, tủ lạnh đầy thức ăn. Những gì chúng thiếu là cảm giác chăm sóc lẫn nhau, mà khởi đầu là với chính cha mẹ chúng”.

Không giống như những trại huấn luyện tương tự ở Mỹ nơi thường dành riêng cho những thanh thiếu niên nghiện ngập ma túy hoặc gặp rắc rối với pháp luật, trại huấn luyện quân sự trẻ em của Hàn Quốc là nơi “lý tưởng” để các bậc phụ huynh đưa con mình vào kỉ luật thép.

Những nơi như Blue Dragon xuất hiện ngày càng nhiều ở khắp Hàn Quốc trong thập kỷ qua. Những trại này không được chính phủ giám sát, nhưng ông Park cho biết Blue Dragon không xảy ra sự cố đáng tiếc nào kể từ khi đi vào hoạt động năm 1997. Mỗi năm, nơi này thu hút 15.000 học viên, tuổi từ 7 đến 19 tuổi. Các học viên sống trong những doanh trại kiểu quân sự, trải qua các cuộc huấn luyện trên cánh đồng hoặc dọc bờ biển bất chấp điều kiện thời tiết. Tất cả họ đều mặc những trang phục màu xanh để ra dáng một người lính. 

Một số em chỉ ở đó 3 ngày. Nhưng cũng có một chương trình kéo dài 14 ngày với chi phí 1.000 USD dành cho những đối tượng “có vấn đề”, như học sinh hay bắt nạt bạn bè, những đứa trẻ nghiện internet hoặc không biết rõ giới hạn trong quan hệ với cha mẹ hoặc người khác. 70% các học viên tại trại là nam. Để đưa con mình đến đây, nhiều bậc phụ huynh phải nói dối rằng chúng sắp sửa đi nghỉ mát ở biển.

Trong mắt ông Park, các em là nhóm trẻ lười biếng, quá yếu ớt để có thể trải qua các bài tập thể dục đầy thử thách “nóng”. Một phần ba trong số đó còn bị bệnh béo phì.

Hầu hết học viên than vãn về những quy định nghiêm ngặt như không điện thoại di động, không máy tính và không được gọi điện về nhà. Đó là chưa kể những bài tập thể dục nặng nhọc kéo dài từ sáng đến tối, như vượt qua chướng ngại vật có gai, vừa chạy vừa kéo vỏ xe đằng sau, mang thuyền trên đầu hoặc đầm mình trong bùn lầy. 

Tập luyện cực khổ là thế nhưng đến giờ ăn, chẳng dễ dàng gì mà ngồi vào bàn ngay. Trong hội trường hỗn loạn đông đúc, các em phải vượt qua một bài tập nữa trước khi được phép ăn trưa chỉ có cháo suông, kim chi và hoa quả. “Tôi sẽ trở thành một đứa trẻ khỏe mạnh nhất và dày dạn nhất”, các cậu bé hét lên, lặp lại câu hiệu lệnh của trại “Tôi biết ơn bữa ăn này”.

Bọn trẻ đến đây vì nhiều lý do khác nhau. Một cậu bé 11 tuổi nói mình đến Blue Dragon do bị điểm kém trong một kỳ thi quan trọng. Một đứa bé trai khác làm vỡ kính cửa sổ nhà mình. Một cậu bé sử dụng vốn tiếng Anh ngắc ngứ của mình để mô tả chấn thương ở đầu gối, lập tức ông Park lại gần và ra lệnh “Hãy nói tiếng Hàn Quốc. Đừng dùng thứ tiếng Anh vụng về của cậu”.

Ngồi một mình cạnh khay thức ăn, nói cậu không hiểu tại sao cha mẹ lại gửi cậu và em gái đến đây. “Tôi nghĩ đây là điều tồi tệ nhất từng xảy ra với tôi”, David nói.

Tuy nhiên, ông Peck Song-ho, cha của David Peck, một cựu sĩ quan, cho rằng việc bọn trẻ nếm trải một chút cực nhọc là tốt cho chúng. Ông nói: “Tôi biết các con tôi không muốn đi chút nào. Tuy nhiên, bạn không thể để con cái chỉ làm những gì chúng muốn”.

Kim Mi-jin, 17 tuổi, kể rằng trong những ngày đầu ở Blue Dragon, em cảm thấy thật khổ sở và chỉ biết khóc mà thôi. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ về những trải nghiệm này, Kim nói mình thấy vui vì đã làm như thế. Em nói: “Em nghĩ rằng mình đang trở nên tự tin hơn. Em nhận thấy rằng cuộc sống không chỉ là cho bản thân mình”.

Ngay cả ông Park cũng nhận thấy sự biến chuyển ở những đứa trẻ. Ông nhận xét: “Bọn trẻ trở nên gan dạ hơn. Ngay cả giọng nói cũng thay đổi, trở nên mạnh mẽ hơn”. Ngoài việc huấn luyện thông thường, ông Park thỉnh thoảng còn đóng vai trò của một nhà tư vấn tâm lý. Ông cho biết: “Tôi giải thích với chúng rằng còn có nhiều thứ khó khăn hơn trong cuộc sống sau này. Hãy tận hưởng thời thơ ấu, nhưng dùng nó như là một cơ hội để xây dựng tính cách".

Võ  Hiền
Theo Los Angeles Times