1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến thắng chính trị của ông Trump sau cuộc gặp lịch sử với ông Kim Jong-un

(Dân trí) - Cuộc gặp được cho là đi ngược lại với những quy chuẩn và nguyên tắc về ngoại giao của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã mang lại cho ông chủ Nhà Trắng những chiến thắng về mặt chính trị.

Chiến thắng chính trị của ông Trump sau cuộc gặp lịch sử với ông Kim Jong-un - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Ngày 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ đưa ra lời mời gặp mặt với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thông qua mạng xã hội Twitter. Chỉ hơn một ngày sau đó, 2 nhà lãnh đạo đã có cuộc gặp tại đường biên giới liên Triều. Ông Trump đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bước chân qua biên giới Triều Tiên.

CNN đã dùng từ “táo bạo” để mô tả động thái ngoại giao của Tổng thống Mỹ, mặc dù cuộc gặp chưa tạo được một kết quả rõ ràng về vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Rõ ràng, cuộc gặp này đã được lên ý tưởng và tiến hành trong một thời gian rất ngắn, phá vỡ đi những quy chuẩn thường thấy về việc tổ chức những sự kiện ngoại giao cấp cao và quan trọng. 

Hai quốc gia đã đồng ý nối lại các cuộc đàm phán sau 4 tháng gián đoạn do bất đồng về tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên.

Theo CNN, ở một góc độ nào đó, ông Trump vẫn có một chiến thắng chính trị quan trọng và có giá trị. Ông có thể sử dụng khoảnh khắc lịch sử do chính ông tạo ra làm bằng chứng rõ ràng cho tuyên bố rằng ông xứng đáng là một chính khách, một người mang lại hòa bình.

Ông Trump cũng có thể mang tới một thông điệp rằng, ông có cách để ngăn cản một cuộc chiến với Triều Tiên và tiến trình lịch sử với Bình Nhưỡng là điều có thể xảy ra trong bối cảnh ông vừa tuyên bố tái tranh cử tổng thống năm 2020.

Cuộc gặp với ông Kim dường như là trọng tâm trong nền tảng “hòa bình và thịnh vượng” mà ông muốn sử dụng để làm ngoại giao với Triều Tiên, cũng như có thể trở thành lợi thế để ông vượt lên trên các đối thủ đảng Dân chủ.

Phản ứng trái chiều

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un bắt tay tại biên giới Hàn - Triều

Một số ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ dường như đã nhanh chóng phủ nhận tác động của cuộc gặp giữa ông Kim và ông Trump. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cho rằng ông Trump “không nên phung phí tầm ảnh hưởng của Mỹ vào những sự kiện tạo nên hình ảnh tích cực cho bản thân và trao đổi thư từ” với ông Kim.

Phát ngôn viên của cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cáo buộc ông Trump quá “nương nhẹ” với Triều Tiên với cái giá là “an ninh quốc gia của Mỹ”.

Trong khi đó, bà Kamala Harris cho rằng ông Trump nên cân nhắc với mối đe dọa của hạt nhân của Triều Tiên và các vấn đề khác một cách nghiêm túc.

Theo CNN, ông Trump đã sử dụng lợi thế là Tổng thống Mỹ để thúc đẩy các động thái táo bạo nhằm mang lại hiệu quả cho chiến dịch tái tranh cử của bản thân.

Hành động bước chân qua biên giới Triều Tiên của ông Trump, nếu đứng riêng rẽ, đã vượt qua nhiều người tiền nhiệm khác, những chính trị gia chỉ đứng ở đường phân chia ranh giới và quan sát sang bên phía bắc. Với động thái táo bạo này, ông Trump được cho là đã “hoàn thành nhiệm vụ” trong việc ghi điểm với các cử tri.

Ông Trump cũng ý thức được rằng dù đây là cuộc gặp lịch sử, nhưng ông nói rằng: “Nó sẽ đi vào lịch sử hơn nữa nếu có điều gì đó xảy ra”.

Trên thực tế, vẫn chưa có nhiều sự thay đổi về quan điểm của Triều Tiên theo mong muốn của Mỹ và đó mới chính là nguồn gốc thật sự của cuộc đối đầu ở 2 bên chiến tuyến.

Trên thực tế, các thông tin tình báo của Mỹ vẫn tin rằng Triều Tiên có thể đang sản xuất các vật liệu cần thiết cho kho vũ khí hạt nhân của họ, theo CNN.

Trong thời gian qua, Triều Tiên đã có những bước tiến nhất định trong quan hệ với Mỹ như việc trao trả lại hài cốt các quân nhân Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh 1950-1953 hay cam kết dừng thử tên lửa đạn đạo có thể bay tới lãnh thổ Mỹ. Tuy nhiên, những động thái này dường như là chưa đủ khi hai bên vẫn chưa thể thống nhất được lộ trình phi hạt nhân hóa.

Mặc dù vậy, CNN cho rằng, bầu không khí đang nóng dần của cuộc bầu cử Mỹ có thể là yếu tố tác động tới Triều Tiên trong việc đàm phán với Mỹ. Trong bối cảnh hiện tại, Bình Nhưỡng đang hướng tới việc cải thiện nền kinh tế đang bị bao vây bởi lệnh cấm vận và nếu việc đàm phán với Mỹ diễn ra hiệu quả, ông Kim có thể đạt được mục tiêu của mình.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng có thể hiểu rằng cơ hội để Bình Nhưỡng đạt được thỏa thuận với Mỹ nhằm hỗ trợ kinh tế hay dỡ bỏ lệnh trừng phạt là có khả năng xảy ra dưới thời ông Trump, nhưng không có gì chắc chắn dưới thời những tổng thống khác.

Chính vì vậy, nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể giúp ông Trump tạo nên một cú đột phá về mặt ngoại giao vài tháng trước cuộc bầu cử nếu ông thấy cần thiết nhằm "giúp người, giúp ta", theo CNN.

Đức Hoàng

Tổng hợp