1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Chiến hạm Mỹ vào biển Đen, thách thức Nga

Khu trục hạm USS Ross của Mỹ chuẩn bị vào Biển Đen, bất chấp những đe dọa Nga mới đưa ra sau vụ Kiev đòi triển khai NMD trên đất Ukraine.

Mỹ điều thêm khu trục hạm Aegis vào biển Đen

Hạm đội 6 của hải quân Mỹ vừa thông báo, tàu khu trục hạm DDG-71 USS Ross của Hạm đội này sẽ đi vào Biển Đen vào ngày 23-5, để " tăng cường an ninh hàng hải, khả năng sẵn sàng chiến đấu và thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực".

Sự hiện diện của USS Ross ở Biển Đen lần nữa khẳng định việc Mỹ quan tâm tăng cường hợp tác và nâng cao khả năng tác chiến chung với các nước trong khối NATO ở khu vực Biển Đen, dưới sự bảo trợ của Khối đồng minh quân sự Bắc Đại Tây Dương - thông tin trên website của Hạm đội 6 cho biết.

Còn Thuyền trưởng tàu USS Ross, Trung tá Tadd Corman tuyên bố: "Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh và đối tác để tăng cường an ninh hàng hải, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực”.

USS Ross là một trong những tàu khu trục Aegis, có nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD), thuộc lớp Arleigh Burke được triển khai tại châu Âu. Trước đó, trong tháng 4, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Jason Dunham cũng đã được triển khai tới Biển Đen với cùng một mục đích như của tàu USS Ross.

Sau khi tình hình Ukraine trở nên căng thẳng, NATO đã quyết định tăng cường các hoạt động hải quân trong các vùng biển lân cận Nga, đặc biệt ở Biển Đen và Baltic - một động thái được cho là nhằm gây sức ép với Moscow. Số lượng chiến hạm đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây.
Biên đội tàu NATO hành quân trên biển
Biên đội tàu NATO hành quân trên biển

Trong 1 năm qua, các tàu chiến Mỹ, gồm USS Mount Whitney, USS Taylor, USS Truxtun, USS Donald Cook, USS Vella Gulf, USS Ross, USS Gunston Hall và USS Cole đã thay nhau ra vào Biển Đen, nhằm đối phó với Nga, sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea và nội chiến tại miền đông Ukraine bùng phát.

Được biết, động thái cử thêm tàu vào biển Đen của hải quân Mỹ được đưa ra ngay sau khi Nga có những động thái đe dọa sẽ có hành động đáp trả cứng rắn đối với các chiến hạm NATO ra vào và lưu trú trong khu vực biển Đen, sau khi Ukraine đe dọa triển khai NMD trên đất nước mình.
Ngày 20-5 vừa qua, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Aleksandr Turchinov cho biết, Kiev không loại trừ khả năng triển khai trong nước này các thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) để “bảo vệ đất nước trước mối đe dọa hạt nhân từ phía Nga”.

Ngoài ra, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời ông Turchinov một lần nữa cáo buộc Nga "triển khai vũ khí hạt nhân ở Crimea là một hành động nguy hiểm". Để chống lại tình trạng đó, cần có nỗ lực chung và phối hợp tương tác có hệ thống của tất cả các quốc gia hàng đầu trên thế giới.

Đáp tra lại tuyên bố được coi là “cơn thần kinh của lãnh đạo Ukraine”, Giám đốc Trung tâm phân tích địa chính trị Nga Leonid Ivashov cho biết, nếu Ukraine triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa (của Mỹ) nhằm vào nước này, Moscow có thể sẽ đưa ra 3 biện pháp đáp trả “thích đáng”.
Khu trục hạm Aegis DDG-71 USS Ross lớp Arleigh Burke của Mỹ
Khu trục hạm Aegis DDG-71 USS Ross lớp Arleigh Burke của Mỹ

Biện pháp thứ nhất là Nga có thể xem xét công nhận chủ quyền của là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) - 2 nước cộng hòa ly khai đông nam Ukraine đã nhiều lần đề nghị Nga sáp nhập vùng đất kiểm soát thực tế của họ vào lãnh thổ Liên bang Nga.

Biện pháp thứ 2 là Moscow sẽ xem xét mở rộng thành phần cụm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Đây là một hành động nhằm nâng cao khả năng xuyên phá qua các hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ, nếu nó được Ukraine mời gọi Mỹ triển khai ở sát nách lãnh thổ Liên bang Nga

Biện pháp thứ 3 là Nga sẽ siết chặt công tác quản lý và thẳng tay “trừng trị” việc chiến hạm NATO từ Địa Trung Hải vi phạm các quy định ra vào và lưu trú trong Biển Đen, thông qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ, theo tinh thần và những điều khoản quy định của Công ước Montreux 1936.

Theo quy định trong Công ước này, tàu thuyền có lượng giãn nước quá 45.000 tấn sẽ không được phép đi qua eo biển Bosphorus. Một vấn đề khác là các tàu chiến không thuộc các nước khu vực biển Đen sẽ không được lưu trú quá 21 ngày.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhiều lần cáo buộc tàu chiến NATO thường xuyên vi phạm quy định về thời gian lưu lại biển Đen hoặc “chống đối” bằng cách ra lấy lệ rồi lại vào ngay. Trước đây, các quan chức quốc phòng Nga đã từng tuyên bố, nếu tàu chiến NATO vi phạm, nước này có quyền bắn chìm.

Theo Huy Bình
Đất Việt