1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

“Cha đẻ” lính dù Liên Xô giải giáp 3 sư đoàn Đức không tốn 1 viên đạn

Việc được gọi là “cha đẻ” Binh chủng đổ bộ đường không nói lên sự tôn trọng công trạng của Tướng Margelov đối với lực lượng thiện chiến này.

Mệnh lệnh mới sau chiến thắng

Những người có cơ hội làm việc cùng Vasily Filippovich Margelov đều nhớ, ông là một người đàn ông bảnh bao và can đảm, nhưng đồng thời cũng rất thông minh và phải chăng; ông không sá cuộc sống của mình, luôn có những hành động quyết đoán nhất sau khi cân nhắc kỹ. Và sự liều lĩnh thường đạt được hiệu quả tâm lý mong muốn - điều từng xảy ra ngày 12/5/1945. Vào thời điểm đó, chiến tranh đã thực sự kết thúc, nhưng ở biên giới giữa Áo và Tiệp Khắc vẫn còn sót lại quân đoàn phát xít Đức gồm sư đoàn tăng "Cái đầu chết" và các sư đoàn "Nước Đức vĩ đại", "Sư đoàn cảnh sát SS số 1".

“Cha đẻ” lính dù Liên Xô giải giáp 3 sư đoàn Đức không tốn 1 viên đạn - 1


Tướng Margelov lúc còn là Sư trưởng Sư đoàn Bộ binh Cận vệ số 49; Nguồn: russian7.ru

Các phân đội của hai sư đoàn "Cái đầu chết", "Nước Đức vĩ đại" đã tích cực tham gia các trận đánh ở Mặt trận phía Đông - nơi chúng đã gây ra hàng loạt tội ác chiến tranh chống lại dân thường Liên Xô. Và vì sự tàn bạo đã gây ra ở Liên Xô, nếu đầu hàng, chúng chắc chắn sẽ không được chào đón. Không hạ vũ khí, người Đức hy vọng tiến vào đất Áo - khu vực chiếm đóng của quân Mỹ. Nhiệm vụ không để kẻ thù trốn tránh trách nhiệm trước lịch sử đã được đặt ra đối với Vasily Margelov và Sư đoàn Bộ binh Cận vệ số 49 của ông.

Lời yêu cầu không thể từ chối

Bị dồn vào đường cùng, đối mặt với cái chết, kẻ thù có thể kháng cự một cách tuyệt vọng. Hơn ai hết, tướng Margelov hiểu điều này, và ông không muốn đổ máu. Hơn nữa, các chiến binh của ông đang trông chờ ngày trở về quê nhà. Margelov quyết định giải quyết nhiệm vụ bằng cách đích thân đi đàm phán.

Ông mang theo viên Tham mưu trưởng và Trưởng ban Thông tin thông thạo tiếng Đức, vũ khí cá nhân, 3 súng máy và một thùng lựu đạn. Theo sau chiếc xe, chỉ có một khẩu pháo 57mm. Đến trụ sở Chỉ huy của quân Đức, vị tướng ra lệnh bắn vào địa điểm ông đang có mặt nếu sau 10 phút ông không trở lại.

Thật ra, không có cuộc đàm phán nào cả - chỉ có vị tướng quyết đoán của Liên Xô nói. Yêu cầu người Đức đầu hàng bằng cách hạ vũ khí, nếu không, ông sẽ ra lệnh cho pháo binh tiêu diệt tất cả. Margelov thậm chí đã dùng những từ rất tục. Ông chỉ cho những người chỉ huy quân Đức ít thời gian để suy nghĩ trong khi điếu thuốc lá của ông âm ỉ tỏa khói. Việc diễn tả bằng động tác cùng sự quyết đoán, thái độ bất cần, thậm chí đến mức mất lịch sự của ông đã làm các viên tướng và sĩ quan Đức choáng váng. Vị tướng Liên Xô rất thản nhiên và hiệu quả tâm lý đã đạt được.

Không tốn một viên đạn, Margelov đã bắt làm tù binh một quân đoàn SS được vũ trang tốt của phát xít Đức với hơn 32.000 quân, trong đó có 2 tướng và hơn 800 sĩ quan. Ngoài ra, trong số chiến lợi phẩm có gần 80 xe tăng, hơn 100 khẩu pháo, 50 khẩu súng cối... Nếu phía Đức cự tuyệt, một trận chiến nữa sẽ xảy ra, và từ cả hai phía, mất mát là điều không thể tránh khỏi. Với hành động táo bạo của mình, Margelov đã cứu được nhiều mạng sống. Người ta nói, chính nhờ điều này, Margelov được vinh dự giao trọng trách chỉ huy Trung đoàn hỗn hợp của Mặt trận Ukraine 2 trong Cuộc diễu hành Chiến thắng tại Moscow.

“Cha đẻ” của Lực lượng lính dù Liên Xô

Margelov là một nhà quân sự nổi tiếng của Liên Xô, Đại tướng, Tư lệnh Lực lượng đổ bộ đường không gia đoạn 1954-59 và 1961-79, Tiến sĩ Khoa học Quân sự, Anh hùng Liên Xô, người đoạt Giải thưởng Nhà nước Liên Xô. Trong những năm Chiến tranh Liên Xô-Phần Lan (1939-1940), Margelov chỉ huy Tiểu đoàn Trinh sát Trượt tuyết của Trung đoàn Bộ binh số 596 thuộc Sư đoàn 122. Khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc bắt đầu, Margelov được bổ nhiệm làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh 3 thuộc Sư đoàn 1 Dân quân Mặt trận Leningrad.

Sau vài tháng, Margelov nhận nhiệm vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn trượt tuyết của Hải quân, Sư đoàn phó-Tham mưu trưởng sư đoàn bộ binh. Từ năm 1944, ông chỉ huy Sư đoàn Bộ binh Cận vệ số 49 thuộc Tập đoàn quân 28,  Mặt trận Ukraine 3. Trong cùng năm, Margelov đã được trao danh hiệu cao quý Anh hùng Liên Xô sau khi vượt sông Dnieper và giải phóng Kherson. Ông đã cùng Sư đoàn tham gia các chiến dịch giải phóng Romania, Bulgaria, Tiệp Khắc, Hungary, Áo và bị 6 vết thương.

“Cha đẻ” lính dù Liên Xô giải giáp 3 sư đoàn Đức không tốn 1 viên đạn - 2

Đại tướng Margelov (giữa) cùng lính dù trong một lần diễn tập; Nguồn: ria.ru 

Tuy nhiên, Margelov còn được biết đến chủ yếu với tư cách là “cha đẻ” và là Tư lệnh của Lực lượng lính dù Liên Xô - nơi ông có biệt danh "bác Vasya". Trên thực tế, các đơn vị lính dù đầu tiên của Hồng quân xuất hiện vào giữa những năm 1930 - trước thời Margelov. Việc những người lính dù gọi ông là “cha đẻ” Binh chủng đổ bộ đường không, trước hết, nói lên sự tôn trọng vô hạn công trạng của "bác Vasya" đối với lực lượng thiện chiến này.

Năm 1948, bắt đầu giai đoạn phát triển mới của binh chủng nhảy dù. Mặc dù ở cương vị cao, Margelov đã cùng với cấp dưới nắm thành thạo các kỹ năng nhảy dù, tích lũy kinh nghiệm của một nghề mới và các bài huấn luyện đặc biệt. Ông đã thực hiện cú nhảy dù đầu tiên trong đời, học cách đóng gói dù... Trong một cuộc phỏng vấn, ông thừa nhận, tới 40 tuổi ông còn chưa có khái niệm chiếc dù là gì. Trong thời gian phục vụ, Margelov đã nhảy dù hơn 60 lần, lần cuối cùng ở tuổi 65.

Năm 1954, Margelov được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lực lượng lính dù. Khi đó, theo học thuyết quân sự của Liên Xô, trong trường hợp chiến tranh quy mô lớn xảy ra, lính đổ bộ đường không sẽ được giao nhiệm vụ hỗ trợ nhịp độ tấn công cao trong điều kiện sử dụng vũ khí tên lửa hạt nhân quy mô lớn, do đó, họ cần máy bay và xe thiết giáp thích hợp. Năng lực và khả năng hành động với tốc độ nhanh và hiệu quả của Lực lượng lính dù đã thể hiện trong cuộc trấn áp nổi dậy ở Hungary năm 1956.

Vị Tư lệnh đã hợp tác chặt chẽ với ngành công nghiệp quốc phòng. Hầu hết các mẫu trang bị được tạo ra có sự tham gia trực tiếp của ông; đích thân ông kiểm tra một số loại vũ khí.

Nhờ những nỗ lực của Margelov, Binh chủng nhảy dù đã tiếp nhận xe chiến đấu mang tính cách mạng vào thời điểm đó BMD-1, xe bọc thép BTR-D, bọc thép lội nước và máy bay vận tải hiện đại An-8, An-12, và sau này - "ngựa thồ" An-22 và Il-76. Lính dù được trang bị các loại vũ khí bộ binh mới nhất, các tổ hợp phòng không xách tay, súng phóng lựu, hệ thống liên lạc và thiết bị kỹ thuật, những chiếc dù người đáng tin cậy hơn, cùng các hệ thống dù phản lực đa vòm dùng cho các phương tiện bọc thép.

“Cha đẻ” lính dù Liên Xô giải giáp 3 sư đoàn Đức không tốn 1 viên đạn - 3

“Cha đẻ” Lực lượng lính dù Liên Xô sau buổi huấn luyện; Nguồn: ria.ru

Dưới sự chỉ đạo của Margelov, Lực lượng lính dù đã học cách thả xe thiết giáp có kíp xe bên trong. Mùa đông năm 1973, dưới sự chỉ huy của tướng Margelov, con trai của ông đã nhảy dù thành công bên trong xe chiến đấu BMD-1 từ máy bay An-12 - điều trên thế giới chưa ai làm được.

Các đồng nghiệp nhớ lại rằng, "bác Vasya" liên tục hút thuốc trong suốt cuộc thử nghiệm và giữ một khẩu súng lục đã lên đạn để tự bắn nếu có chuyện gì xảy ra với con trai mình. Margelov đã thực hiện việc này để thuyết phục Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô về sự an toàn của thiết bị hạ cánh xe bọc thép có người bên trong.

Dưới sự lãnh đạo của tướng Margelov, Lực lượng đổ bộ đường không đã trở thành một Binh chủng tinh nhuệ độc lập thực sự của các lực lượng vũ trang và là một trong những đơn vị quân đội sẵn sàng chiến đấu cao nhất trên thế giới, đã tham gia vào tất cả các cuộc chiến tranh và xung đột cục bộ ở Liên Xô và Nga.

Truyền thống vẻ vang của bộ đội nhảy dù đã được tạo ra và củng cố dưới thời Margelov. Đại tướng Margelov từ trần tháng 3/1990 tại Moscow. Tháng 8/2018, nhân kỷ niệm 88 năm thành lập Lực lượng lính dù, một bức tượng Margelov gợi nhớ hình ảnh của "bác Vasya" huyền thoại đã được long trọng khánh thành tại ga tàu điện ngầm Begovaya ở Moscow.

Theo  Lê Ngọc

VOV