1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Catalonia và luật pháp quốc tế

Tối 27-10 (giờ địa phương - sáng sớm 28-10 giờ Việt Nam), những người ủng hộ vùng tự trị Catalonia độc lập đã đổ ra đường xem bắn pháo hoa ở Barcelona. Hôm sau, tại Madrid, đến lượt những người phản đối Catalonia độc lập sẽ tổ chức biểu tình. Luật pháp quốc tế không thừa nhận Catalonia độc lập.

15 giờ 27 phút ngày 27-10, với 70 phiếu thuận, 10 phiếu chống và hai phiếu trắng, nghị viện vùng Catalonia (135 thành viên) đã thông qua nghị quyết tuyên bố Catalonia trở thành “quốc gia độc lập dưới hình thức nước cộng hòa”.

Tuyên bố độc lập không có giá trị thực tiễn

Chuyên gia tư vấn luật quốc tế Jean-Claude Piris ở Brussels (Bỉ), nguyên Giám đốc các dịch vụ pháp lý của Hội đồng châu Âu trong suốt 23 năm, khẳng định bất kỳ thực thể nào cũng có quyền tuyên bố độc lập, như vậy nghị viện Catalonia không vi phạm luật pháp nào khi đơn phương tuyên bố độc lập.

Tòa án Công lý Quốc tế cũng nhận định hành vi đơn phương tuyên bố độc lập này không vi phạm luật pháp quốc tế vì đó cũng chỉ là tuyên bố ý định mà thôi. tuyên bố này sẽ không gây tác động nào về mặt quốc tế. Bởi muốn trở thành một quốc gia thì phải có lãnh thổ, dân cư, chính quyền và quan trọng nhất là được cộng đồng quốc tế công nhận.

Chuyên gia Jean-Claude Piris khẳng định sẽ không có quốc gia nào thừa nhận quốc gia Catalonia độc lập, rốt cuộc đây cũng chỉ là một tuyên bố vô giá trị. Catalonia sẽ không thể cử đại diện tham gia các tổ chức quốc tế, không có ghế trong Liên minh châu Âu (EU), không thể gia nhập Liên Hiệp Quốc và về pháp lý vẫn tiếp tục là một bộ phận không thể tách rời của Tây Ban Nha.

GS luật quốc tế Marcelo Kohen tại Viện nghiên cứu quốc tế và phát triển ở Genève (Thụy Sĩ) khẳng định luật pháp quốc tế sẽ không thừa nhận tuyên bố độc lập của vùng tự trị Catalonia.

Catalonia dẫn chứng trường hợp nghị viện Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia hồi tháng 2-2008 bất chấp Serbia phản đối để biện minh cho hành động tuyên bố độc lập của mình. Song GS Marcelo Kohen nhận định cho dù nhiều nước lên tiếng thừa nhận Kosovo độc lập đã gọi đây là “luật trừ”, Kosovo vẫn đang là trường hợp gây tranh cãi về pháp lý.


Thủ hiến Carles Puigdemont theo biếm họa của Joep Bertrams (báo The Netherlands của Hà Lan).

Thủ hiến Carles Puigdemont theo biếm họa của Joep Bertrams (báo The Netherlands của Hà Lan).

Giả định nếu các nước thừa nhận Catalonia độc lập, theo luật của EU, một quốc gia hình thành do ly khai khỏi một nước EU sẽ không đương nhiên được xem là thuộc về EU. Quốc gia này sẽ phải làm đơn gia nhập EU, sau khi các nước EU nhất trí thì mới bàn đến việc gia nhập EU. Tuy nhiên, hiện nay các nước EU đều đã tuyên bố không thừa nhận quốc gia Catalonia độc lập.

Như vậy luật pháp EU vẫn sẽ được tiếp tục áp dụng tại Catalonia. Tây Ban Nha sẽ tiếp tục là quốc gia đại diện của Catalonia trên trường quốc tế. Sẽ không có biện pháp kiểm soát nào được thiết lập giữa Catalonia với phần còn lại của Tây Ban Nha hay giữa Catalonia với các nước láng giềng. Catalonia sẽ phải tiếp tục sử dụng đồng euro và phụ thuộc vào mọi điều ước quốc tế Tây Ban Nha đã phê chuẩn.

Vận dụng quyền dân tộc tự quyết được không?

Nếu Catalonia viện dẫn quyền dân tộc tự quyết thì sao? GS Marcelo Kohen cho rằng mọi phong trào đòi ly khai đều viện dẫn đến quyền dân tộc tự quyết, song quyền tự quyết chỉ được áp dụng trong bối cảnh một dân tộc thuộc địa bị áp bức, bóc lột dưới chế độ thực dân. Năm 1998, phán quyết của Tòa án hiến pháp Canada cũng đã giải thích như thế liên quan đến vấn đề tỉnh Québec muốn độc lập.

Trong thập niên 1950 và 1960, các dân tộc ở châu Phi đã vận dụng quyền dân tộc tự quyết tuyên bố độc lập, thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa thực dân. Như vậy quyền dân tộc tự quyết chỉ dành cho dân tộc bị áp bức, trong khi vùng Catalonia đang thụ hưởng quy chế tự trị rất rộng rãi, có thể tự do phát triển tiếng nói và văn hóa riêng.

GS luật quốc tế Stefan Talmon ở ĐH Bonn (Đức) giải thích theo luật pháp quốc tế, một dân tộc trong một nhà nước-quốc gia không thể sử dụng quyền dân tộc tự quyết. Luật pháp quốc tế cũng không thừa nhận quyền ly khai nếu hai bên liên quan không đạt được thỏa thuận với nhau. Ví dụ Cộng hòa Czech và Slovakia tách ra vào năm 1992 nhờ hai bên đã đồng thuận.

Nói tóm lại, các dân tộc thiểu số không thể viện dẫn quyền dân tộc tự quyết. Người Catalonia là một trong những dân tộc hình thành quốc gia Tây Ban Nha. Họ không bị cưỡng ép chấp thuận hiến pháp Tây Ban Nha. Do đó muốn hủy bỏ hiến pháp, toàn dân Tây Ban Nha phải có tiếng nói. Theo chuyên gia Jean-Claude Piris, sẽ không có tòa án quốc tế nào phán quyết Catalonia có quyền áp dụng quyền dân tộc tự quyết.

Nếu Catalonia cho rằng luật pháp quốc tế không cho phép nhưng cũng không cấm ly khai thì vấn đề có thể được xử lý bằng luật quốc gia và hiến pháp Tây Ban Nha đã không thừa nhận đơn phương ly khai.

Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy thông báo tòa án hiến pháp quyết định các quyết định được nghị viện Catalonia thông qua là vô hiệu. Ông tuyên bố cách chức thủ hiến Carles Puigdemont, phó thủ hiến và các thành viên còn lại trong chính quyền Catalonia. Cảnh sát trưởng vùng Catalonia, các đại diện của Catalonia tại thủ đô Madrid và Brussels cũng bị cách chức. Các cơ quan đại diện Catalonia trên thế giới sẽ đóng cửa, trừ ở Brussels.

Ông Mariano Rajoy tuyên bố giải tán nghị viện Catalonia và tổ chức bầu cử khu vực trước thời hạn vào ngày 21-12 tới. Viện tổng công tố Tây Ban Nha thông báo tuần tới sẽ xem xét quy trình pháp lý đối với thủ hiến Carles Puigdemont với tội danh chống chính quyền. Mức án đối với tội danh này lên đến 30 năm tù. Quy trình này có thể được mở rộng để xem xét đến các thành viên khác trong chính quyền Catalonia và văn phòng nghị viện Catalonia.

Theo Dạ Thảo

Pháp luật TP. HCM