1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Canh bạc ADIZ trên Biển Đông của Trung Quốc (P1)

(Dân trí) - Báo Mỹ cuối tuần trước dẫn lời chuyên gia Harry Kazianis phân tích về khả năng cũng như nguyên nhân Trung Quốc muốn lập một Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, đồng thời đưa ra giải pháp khả thi để ngăn chặn ý đồ của Trung Quốc.

Trung Quốc đang có những động thái hung hăng khiến khu vực và thế giới quan ngại. (Ảnh minh họa:

Trung Quốc đang có những động thái hung hăng khiến khu vực và thế giới quan ngại. (Ảnh minh họa: NT)

 ADIZ trên Biển Đông đang hình thành?

Trong vài năm gần đây, các chuyên gia an ninh châu Á thường có những nhận định không thiện cảm về các chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Những lời phản đối trở nên mạnh mẽ hơn khi vào tháng 11/2013, Trung Quốc ra tuyên bố về Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông, vốn là một điểm nóng tranh chấp giữa các cường quốc trong khu vực. 

Hành động đơn phương này của Trung Quốc tất nhiên đã châm ngòi cho các cuộc tranh cãi quốc tế, đồng thời làm tăng thêm mối lo ngại của các quốc gia về mục đích của Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương và rộng hơn là vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Vậy liệu Trung Quốc có tuyên bố một ADIZ tương tự ở Biển Đông?
 
Có nhiều lý do để tin rằng các hoạt động cải tạo đảo gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông chính là một bước chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho các tuyên bố và yêu cầu công nhận về một ADIZ mới trong tương lai. Các tính toán của Bắc Kinh đã rất rõ ràng: họ muốn đặt tất cả vào “sự đã rồi” bằng cách sử dụng các công trình nhân tạo kiên cố để ra tuyên bố và ép buộc tất cả phải tuân theo. 

Trước hết, cần xem xét kỹ lưỡng tuyên bố ADIZ trên Biển Hoa Đông của Trung Quốc. Một lý do có vẻ hợp lý hơn cả là tuyên bố năm 2013 của Bắc Kinh hoặc các động thái nhắm đến một ADIZ mới ở biển Đông đều có mục đích sâu xa là đẩy Mỹ và các lực lượng đồng minh tránh xa khỏi các vùng “cận lãnh hải” cũng như các vùng “lợi ích cốt lõi” (?) đối với Trung Quốc. 

Mặc dù rất nhiều quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, đều đã có những tuyên bố về các ADIZ trong quá khứ, thông báo của Bắc Kinh vẫn cần được lưu tâm. ADIZ theo thông báo của Trung Quốc hồi năm 2013 trải rộng hầu khắp Biển Hoa Đông, tuyến đường hàng hải và hàng không trọng yếu được khai thác bởi hầu hết các quốc gia hùng mạnh ở châu Á và trên thế giới. 

Tại sao Bắc Kinh muốn lập ADIZ trên Biển Đông?

Tại sao Bắc Kinh tuyên bố về các vùng nhận diện dù biết chắc chắn rằng việc đó sẽ châm ngòi cho các căng thẳng trong khu vực?
 
Hành động của Trung Quốc rõ ràng là một phần của toan tính lâu dài nhằm kiểm soát và ngăn chặn các hoạt động quân sự ngoại bang tại nơi mà họ gọi là “cận lãnh hải”. 

Theo China Brief, việc công khai các vùng nhận diện mới này không phải là tuyên bố nhất thời mà đó là sách lược được suy xét cẩn thận nhằm vô hiệu hoá Mỹ cũng như bất kì nỗ lực nào từ bên ngoài muốn tiếp cận Biển Đông. 

Tuyên bố ADIZ 2013 không chỉ đơn thuần là hành động tranh giành lãnh thổ, mà còn là một động thái nhằm gia tăng sự phản đối các hoạt động của Mỹ trong khu vực. Nó sẽ cung cấp khung pháp lý cho những cáo buộc của Bắc Kinh về việc Mỹ sử dụng máy bay thu thập thông tin tình báo gần lãnh thổ Trung Quốc, các hoạt động do thám bằng radar và những hoạt động khác vốn làm giới chức Bắc Kinh cảm thấy khó chịu. 

Học thuyết ASB - Cái cớ để Trung Quốc xây dựng ADIZ?

Như đã phân tích, Trung Quốc dường như cảm thấy ADIZ là cần thiết để chống lại các nguy cơ đang gia tăng từ Mỹ. Bắc Kinh luôn nhấn mạnh Học thuyết tác chiến không-biển (ASB) là bằng chứng của khả năng về một hành vi can thiệp quân sự của Mỹ vào các vùng lợi ích của họ.

ASB là một học thuyết quen thuộc của quân đội Mỹ với mục tiêu phá hủy, tiêu diệt và đánh bại mọi lực lượng quân sự thù địch của đối phương trên toàn bộ chiến trường, thống trị bầu trời và mặt biển, phong tỏa lục địa của đối phương.

ASB, giờ đây được đổi thành (JAM-GC), là một tập hợp các khái niệm và phương thức để Mỹ có thể tham gia vào các vùng lãnh thổ mà họ có quyền lợi. Đây thực sự là một lời phản đối cho tham vọng của Trung Quốc trong việc phát triển A2/AD (chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực).

Từ đây ta có thể thấy một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho cả hai "ông lớn": Trung Quốc, để bảo vệ các lợi ích cốt lõi đã xây dựng A2/AD. Mỹ sử dụng ASB để thách thức các hành động này.
 
Bắc Kinh quan sát sự phát triển của học thuyết của Mỹ và trả lời bằng ADIZ trên biển Hoa Đông. Trung Quốc còn đang có động thái mở rộng nó xuống phía biển Đông, một hành động nhằm đẩy lùi Mỹ ra xa các vùng “cận lãnh hải” của họ.

(còn tiếp)

Trần Khánh 
Theo National Interest