1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cách hoạt động của mắt thần bảo vệ Moskva

Với khả năng theo dõi đồng thời 100 mục tiêu khác nhau, hệ thống radar Don-2N hiện vẫn được Nga tin dùng để bảo vệ thủ đô Moskva.

Hãng Sputnik dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, những đơn vị Phòng không và chống tên lửa bảo vệ Moskva với nòng cốt là hệ thống Don-2N, trong năm qua đã thực hiện hơn 750 hoạt động huấn luyện tìm kiếm tên lửa đạn đạo và phát hiện hơn 10 vụ phóng.

Mỗi ngày có hơn 200 binh sĩ tham gia trực chiến 24/24h tại các đơn vị này. Các quân nhân làm việc với mục tiêu giả định trong quá trình huấn luyện, bên cạnh đó radar Don-2N đã phát hiện hơn 10 vụ phóng tên lửa đạn đạo và tên lửa không gian được thực hiện từ các bãi tập, sân bay vũ trụ Nga và từ các vùng biển.

Trạm radar Don-2N.
Trạm radar Don-2N.

Ý tưởng thiết kế đài radar chống tên lửa Don-2N đã được đề xuất vào cuối những năm 1960 khi Liên Xô tiến hành xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới (ABM). Song phải đến tháng 6/1975, Don-2N mới chính thức được Viện nghiên cứu Kỹ thuật Mints đảm nhiệm phát triển để nâng cấp hệ thống ABM của Moskva.

Đến năm 1978, trạm Don-2N bắt đầu được xây dựng và đi vào hoạt động năm 1989 ở Pushkino, gần Moskva. Radar cảnh báo sớm chống tên lửa Don-2N trở thành một bộ phận tối quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo A-135 bảo vệ Moskva, có khả năng bao phủ 360 độ, cung cấp cho các hệ thống đánh chặn GAZELLE và GORGON.

Với bản đồ quét không gian của radar Don-2N, các dữ liệu được bắt bằng hệ thống các ăng-ten mạng pha dài 16 mét được treo trên trạm hình kim tự tháp cao 45 mét, dài và rộng 100 mét. Trạm này cũng tương tác với hệ thống tháp phân tích các sóng điện tử ở bước nhỏ Fryazino.

Cùng với khả năng xử lý kỹ thuật số các tín hiệu và thông tin, Don-2N còn có kênh điều khiển tên lửa chống tên lửa và một loạt các tín hiệu thăm dò, khiến nó có thể hoạt động trong nhiều chế độ. Thậm chí, Don-2N còn có thể quét các vật thể nhỏ trên không gian có kích thước chỉ vài cm.

Các thông tin thu thập sẽ được truyền tải về trạm và được các nhân viên trong trạm phân tích. Những máy tính này được kết nối với một siêu máy tính kiểm soát hệ thống có khả năng thực hiện 1 tỷ phép tính mỗi giây. Trạm radar chống tên lửa Don-2N có thể theo dõi cùng lúc 100 mục tiêu. Trạm còn có thể tính toán được vị trí xuất phát điểm của tên lửa được phóng.

Radar Don-2N không chỉ cung cấp đa dạng thông tin, còn có khả năng thích ứng trong mọi điều kiện và hoạt động mang tính tự động hóa cao. Đến nay trạm Don-2N vẫn là một trong những thành phần thuộc ABM-135 của Nga nhằm bảo vệ Moskva khỏi các cuộc tấn công tên lửa đạn đạo.

Clip bên trong trạm radar Don-2N:

Theo Thùy Dung

Đất Việt