1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

BRICS sẽ phá vỡ thế thống trị của phương Tây?

Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 7 năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước Nga cả về mặt chính trị và kinh tế...

BRICS sẽ phá vỡ thế thống trị của phương Tây?
BRICS hiện là nhân tố có tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế và có ý nghĩa quan trọng với Nga. (Nguồn: Moscowtimes) 
 
... trong bối cảnh Moscow đang bị phương Tây cô lập bằng các lệnh cấm vận và mong muốn tìm các đồng minh thân thiết để lấy lại cán cân quyền lực.
 
Mong muốn của Moscow thể hiện ngay ở trọng điểm của Hội nghị thượng đỉnh lần này. Đó là Dự án thành lập một ngân hàng phát triển với số vốn ban đầu 50 tỷ USD. Dự án ngân hàng phát triển ngay khi hoàn thành chắc chắn sẽ là một đối trọng với các thể chế tài chính thế giới mà phương Tây đang thống trị, đồng thời cũng là minh chứng cho thấy Moscow không hề bị cô lập.

Trong Hội nghị được tổ chức ở thành phố Ufa, cửa ngõ Á-Âu của nước Nga, các lãnh đạo các nền kinh tế mới nổi gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi cũng đã ký kết thỏa thuận thành lập Quỹ Dự trữ ngoại tệ 100 tỷ USD, có hiệu lực từ cuối tháng này. Các nước thành viên BRICS sẽ góp vào Quỹ một khoản tiền dùng để bảo hiểm cho các tình huống khẩn cấp, trong đó Trung Quốc góp 41 tỷ USD, Nga, Ấn Độ và Brazil mỗi nước góp 18 tỷ USD, còn Nam Phi góp 5 tỷ USD.

Hai Dự án này là trung tâm trong các nỗ lực của BRICS nhằm tái định hình hệ thống tài chính toàn cầu mà Mỹ và phương Tây đang thống trị. Tuy chưa thể ngay lập tức sánh bằng các thể chế tài chính lớn trên thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – hai thể chế tài chính mà phương Tây có tầm ảnh hưởng gần như tuyệt đối – nhưng hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai nếu như xét về tiềm lực của BRICS, hiện bao gồm khu vực tập trung 40% dân số thế giới và chiếm tới 1/5 tổng giá trị kinh tế toàn cầu.

Đối với ông Putin, người đang tập trung xoay trục sang các nền kinh tế mới nổi – đặc biệt là châu Á – kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với Moscow xung quanh vấn đề khủng hoảng Ukraine, Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng là một cơ hội để thể hiện rằng nước Nga vẫn xoay xở tốt khi không đồng hành cùng các đối tác phương Tây. Bất chấp các lệnh trừng phạt, Moscow vẫn có thể tìm kiếm các đồng minh mạnh mẽ trong số các nền kinh tế đóng vai trò nòng cốt của thế giới.

BRICS từ lâu đã trở thành một nhân tố có tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế và hiện nay sự đoàn kết của nó cũng rất quan trọng đối với Nga, trong bối cảnh nước này chịu sức ép từ Mỹ và phương Tây khiến nước này không còn chỗ đứng trong nhóm G8 nữa. Bởi vậy, khối này đã trở thành một chỗ dựa vững chắc cho Nga cả về kinh tế và chính trị, như giới quan chức nước này nhận định cách đây không lâu.
Theo Duy Long
Đại đoàn kết