1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bỏ "xoay trục", Mỹ muốn sử dụng quyền lực cứng ở châu Á?

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton vừa tuyên bố chính sách tái cân bằng ở châu Á, còn được gọi là xoay trục sang châu Á của chính quyền cựu Tổng thống B.Obama đã “chính thức chấm dứt”.

Tuy chưa chính thức công bố chính sách mới, song những dấu hiệu gần đây mà Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson thể hiện trong chuyến công du lần đầu tiên tới 3 nước Đông Bắc Á cho thấy nước Mỹ đang dần hiện thực hóa chính sách đối ngoại "hòa bình thông qua sức mạnh" của Mỹ tại châu Á?

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton tuyên bố, chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền cựu Tổng thống B.Obama đã chính thức chấm dứt. Ảnh: Tân Hoa xã.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Susan Thornton tuyên bố, chính sách “xoay trục sang châu Á” của chính quyền cựu Tổng thống B.Obama đã chính thức chấm dứt. Ảnh: Tân Hoa xã.

Chính sách "hòa bình thông qua sức mạnh"?

Ngày 14-3, tại thủ đô Washington, Defense News dẫn lời bà Susan Thornton tuyên bố: Các thuật ngữ như xoay trục, tái cân bằng được dùng mô tả chính sách của chính quyền trước đây đối với châu Á. Hiện nay, nước Mỹ sẽ có những công thức và cách làm riêng. Tôi nghĩ các bạn có thể kỳ vọng vào chính quyền hiện tại.

Được hỏi về tương lai của Mỹ ở châu Á, bà Thornton cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump có kế hoạch riêng cho khu vực. Song bà này không tiết lộ chi tiết là gì. Theo nhận định của giới chuyên gia, cho dù chiến lược riêng của chính quyền Tổng thống D.Trump chưa được tiết lộ, song những gì mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thể hiện trong chuyến công du một loạt nước Đông Bắc Á đã phần nào hé lộ. Đó là một chính sách cứng rắn hơn với các nước không phải là đồng minh của Mỹ ở châu Á.

Đồng thời với đưa ra tuyên bố trên, bà Thornton cũng trấn an các nước châu Á - Thái Bình Dương rằng, chính quyền Trump vẫn duy trì các cam kết của Mỹ với khu vực. "Chúng tôi sẽ tiếp tục tham gia tích cực ở châu Á. Nền kinh tế châu Á rất quan trọng với sự thịnh vượng và phát triển của Mỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục với các vấn đề như thương mại công bằng, thương mại tự do và các thách thức an ninh như Triều Tiên. Mỹ cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy hòa bình và ổn định ở châu Á", bà Thornton nói.

Tuy nhiên, nói thì dễ, nhưng làm mới khó. Euan Graham, Giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Học viện Chính sách quốc tế Lowy, Australia, cho biết còn quá sớm để đánh giá mối quan hệ giữa chính quyền Trump với các nước châu Á.

Chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ được cựu Tổng thống Barack Obama khởi xướng vào tháng 10-2011. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton lần lượt tuyên bố chiến lược “xoay trục" sang châu Á - Thái Bình Dương “là để đảm bảo và duy trì vai trò lãnh đạo thế giới của nước Mỹ” và nhằm thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trọng tâm của “xoay trục” là kinh tế và ngoại giao, đồng thời siết chặt hợp tác quân sự với các đồng minh chủ chốt trong khu vực, trong đó chú trọng khía cạnh quân sự để đối phó với những động thái ngày một tăng của các quốc gia mới nổi liên quan tới vấn đề an ninh, trong đó có an ninh hàng hải.

Tuy nhiên, những mục tiêu mà chiến lược này đặt ra vẫn chưa đạt được. Chẳng hạn, tái xây dựng quan hệ với Philippines, gồm cả hỗ trợ nước này tăng cường khả năng quân sự, là một phần quan trọng trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ. Nhưng việc ông Obama bị Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có lời lẽ xúc phạm và tuyên bố “ly khai” khiến quan hệ Manila-Washington như bị dội cả xô nước đá.

Với Thái Lan được coi là thất bại lớn nhất trong chiến lược "xoay trục". Do vậy có thể hiểu được rằng nó bị hủy bỏ là điều có thể dự báo trước.

Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhật Bản hội đàm. Ảnh: Reuters.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Nhật Bản hội đàm. Ảnh: Reuters.

Vậy chiến lược ngoại giao của Mỹ với châu Á sẽ là gì? Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những tuyên bố cứng rắn của Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson ở Đông Bắc Á cho thấy dấu hiệu Mỹ đang hiện thực hóa chính sách đối ngoại "hòa bình thông qua sức mạnh".

Mất cân bằng vì chính sách tái cân bằng?

Có thể thấy rằng, chính sách xoay trục chiến lược đối ngoại từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về châu Á - Thái Bình Dương, nhằm thực hiện tái cân bằng ở châu Á đã kết thúc dưới triều đại Trump. Chỉ ra những nguyên nhân mà chiến lược tái cân bằng không thể tồn tại, tờ The Washington Times dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, cho rằng vai trò lãnh đạo của Mỹ đã thất bại dưới thời của Tổng thống B.Obama.

Theo ông McCain, trật tự thế giới do Mỹ tạo ra đã không còn nữa. Đặc biệt nguy hiểm là Mỹ ngày càng tỏ ra bất lực trước một số cường quốc mới nổi. Có thể thấy rằng, trong quan hệ đối ngoại, điều nguy hiểm nhất là bị động trước đối phương, dù đó là đối thủ, đối tác hay đồng minh, để rồi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Hiện nay, hoạt động đối ngoại của Mỹ đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan trong nhiều trường hợp, từ đó các hành xử, đối xử của Washington đều gây hại cho nước Mỹ hay nước Mỹ luôn phải trả giá cho các nước đi của mình. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất trong việc chuyển trục đối ngoại từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về châu Á - Thái Bình Dương.

Hệ quả đó là do chính quyền Obama nhanh chóng chuyển trục chiến lược đối ngoại của Mỹ khiến các đồng minh tại địa bàn cũ cảm nhận bị Washington vắt chanh bỏ vỏ nên hạ tầm quan hệ, thậm chí quay lưng.

Phân tích điều này, giáo sư John Delury, chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Yonsei ở Seoul đưa ra nhận định, mục đích chính sách xoay trục - tái cân bằng - của Tổng thống Obama là chuyển trọng tâm quan hệ quốc phòng, ngoại giao và kinh tế từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về châu Á - Thái Bình Dương; nỗ lực chuyển sự tập trung quân sự và kinh tế từ Trung Đông về Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, đến lúc này thì chính sách đó đã trở nên nửa vời do không thể tiến triển được bởi nhiều thách thức, từ đó đưa Mỹ rơi vào thế “đi cũng dở, ở cũng không xong”.

Trong khi đó, tại địa bàn chiến lược mới thì Washington chưa thể vững chân trụ nên bị đối thủ dồn ép làm mất thế. Điều đó khiến Mỹ chưa thể có các đối tác chiến lược tại địa bàn mới khi thực hiện xoay trục. Khi trục mới chưa xây được trụ móng nhưng trụ cũ đã lung lay khiến Washington nếu tiếp tục xoay trục về địa bàn mới thì gặp quá nhiều khó khăn, mà xoay trục trở lại địa bàn cũ cũng gặp khó khăn không kém.

Đây là nguyên nhân chính khiến Washington đang phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm là đồng minh xa lánh, đối tác hạ tầm.

Có thể thấy, việc Mỹ chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương là hệ quả logic của việc Mỹ quyết rút khỏi hai “bãi lầy” Iraq và Afghanistan. Tuy nhiên, rõ ràng chính sách “xoay trục” ra đời cũng là do khu vực châu Á - Thái Bình Dương ngày càng quan trọng đối với tương lai nước Mỹ.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan đại biện thương mại Mỹ (USTR), ngay vào thời điểm năm 2009, tổng kim ngạch thương mại và dịch vụ giữa Mỹ và các nước thành viên Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã là 1,9 nghìn tỷ USD. 9 trong tổng số 15 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Mỹ nằm ở châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng xuất hiện ý kiến cho rằng, việc Mỹ triển khai chính sách “xoay trục” là nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, các lãnh đạo cấp cao của Mỹ đã nhiều lần bác bỏ điều này với lý do nó không phù hợp với lợi ích của Mỹ.

Tại các cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giữa năm 2013 và đầu năm 2014, hai nhà lãnh đạo này cũng cam kết sẵn sàng hợp tác nhằm tiếp tục đưa hai nước đi theo lộ trình hướng tới xây dựng mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới, nhất là trong bối cảnh hai nền kinh tế đang ngày càng phụ thuộc vào nhau tới mức gần như sống còn.

Sử dụng quyền lực cứng?

Cho dù những mặt tích cực của chính sách xoay trục cũng đã được thừa nhận, tuy nhiên, vì không có đủ thời gian để đảng Dân chủ tiếp tục triển khai chính sách này và đã bị “khai tử” để nhường chỗ cho chương trình nghị sự với sách lược “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump.

Sách lược mới phải thúc đẩy chính sách đối ngoại đáp ứng được mục tiêu mang lại những lợi ích cụ thể cho Mỹ. Về tổng thể, tân Tổng thống Mỹ đã thể hiện khá rõ quan điểm với châu Á. Chính sách thương mại có vẻ như là dành cho việc song phương hóa. Rút khỏi Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là ví dụ cụ thể nhất.

Về an ninh, dưới thời Tổng thống Trump, chính sách châu Á luôn phản ánh sự căng thẳng giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ. Đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ xây dựng cách tiếp cận với châu Á xoay quanh sự đối trọng với Trung Quốc. Với tư cách là người được bầu làm tổng thống, ông Trump đã bộc lộ nhiều lần trên Twitter về việc sẵn sàng suy nghĩ lại về chính sách một Trung Quốc sau cuộc gọi điện thoại với nhà lãnh đạo Đài Loan.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Dawn.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: Dawn.

Một số người tham gia vào chiến dịch tranh cử của ông cũng đã bày tỏ về sự cần thiết phải có một đường lối cứng rắn hơn đối với Bắc Kinh, cả về các cách tiếp cận khác nhau để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ cũng như tăng cường sức mạnh hải quân Mỹ trong khu vực để đối phó với sự gia tăng hiện diện trên biển của Trung Quốc.

Trong phiên điều trần xác nhận vị trí trước Quốc hội Mỹ, ứng cử viên của Trump cho chức vụ Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson - và nay đã chính thức là Ngoại trưởng Mỹ, bày tỏ thái độ cứng rắn với Trung Quốc liên quan tới việc bồi đắp trái phép các hòn đảo ở khu vực Biển Đông.

Rõ ràng, đối với một số cố vấn của ông Trump, lời kêu gọi của cựu Tổng thống Ronald Reagan về “hòa bình thông qua sức mạnh” vẫn còn vang vọng, và cách tiếp cận này đang được các đồng minh châu Á của Washington hoan nghênh.

Nếu điều này là sự thực thì khu vực châu Á sẽ trở lên nguy hiểm và khó dự đoán. Việc leo thang căng thẳng với Trung Quốc, đặc biệt là đối với vấn đề nhạy cảm Đài Loan, có thể làm cho mối quan hệ quân sự khó khăn giữa Bắc Kinh và Tokyo trở nên rất khó lường.

Vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên có thể bùng nổ bất cứ lúc nào cũng có thể là cái cớ để khiến cả khu vực chìm trong căng thẳng. Nhất là khi Ngoại trưởng Rex Tillerson từng đưa ra những cảnh báo hết sức cứng rắn như tuyên bố có thể tấn công phủ đầu mối đe dọa tên lửa, hạt nhân của Triều Tiên; cải thiện khả năng tên lửa hiện có của Hàn Quốc; trang bị cho Nhật Bản khả năng tấn công tên lửa mới hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến...

Lập trường cứng rắn hơn về Triều Tiên là dấu hiệu mới nhất cho thấy chính quyền ông Trump sẵn sàng sử dụng “quyền lực cứng” để xử lý các mối đe dọa ở châu Á sau khi tuyên bố khai tử chiến lược xoay trục - tái cân bằng của người tiền nhiệm Barack Obama.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng đồng tình với lập trường cứng rắn của Mỹ về cuộc khủng hoảng Triều Tiên, hay trong cách quan hệ với các nước châu Á; những thách thức mà ông Trump đối mặt còn rất nhiều, không chỉ ở châu Á mà còn khắp thế giới... Theo đuổi quyền lực cứng, thiên về sử dụng biện pháp quân sự chưa chắc đã phải giải pháp cho mọi vấn đề. Bài học từ cuộc chiến Afghanistan, Iraq, Syria vẫn còn nóng hổi.

Các chuyên gia phân tích dự báo, khi ngoại giao trở thành thứ yếu, quyền lực cứng được sử dụng nhiều, hậu quả có thể sẽ khiến châu Á lao vào cuộc chạy đua vũ khí trong đó có vũ khí hạt nhân. Bởi nếu Mỹ giảm can dự ở châu Á, rút quân khỏi Nhật Bản, Hàn Quốc... thì nhiều nước châu Á và bản thân Mỹ đều bị thiệt hại, khả năng chạy đua vũ trang hạt nhân tăng lên khi các nước châu Á tìm cách tự lực.

Nếu điều đó là sự thực, tình hình khu vực châu Á có xu hướng ngày càng bất ổn. Một báo cáo của Quỹ châu Á (Asia Foundation) Mỹ cảnh báo nếu Mỹ dùng quyền lực cứng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thậm chí khuyến khích đồng minh phát triển vũ khí hạt nhân, khả năng cao sẽ xảy ra chạy đua vũ trang hạt nhân, trong bối cảnh vấn đề hạt nhân Triều Tiên ngày càng khó giải quyết.

Theo Nguyễn Hòa

An ninh thế giới