1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

“Biệt đội cảm tử” cứu dân thường mắc kẹt tại vùng chiến sự ở Philippines

(Dân trí) - Một nhóm tình nguyện viên với tên gọi “nhóm mũ bảo hiểm trắng” hay “biệt đội cảm tử” đã bất chấp mọi tình huống nguy hiểm khi hàng ngày tìm cách thu gom thi thể các nạn nhân thiệt mạng và giải cứu những dân thường bị mắc kẹt tại các khu vực xảy ra chiến sự giữa quân đội chính phủ và các phiến quân Hồi giáo cực đoan ở thành phố Marawi, phía nam Philippines.

Nhóm các tình nguyện viên đội mũ bảo hiểm trắng đưa thi thể nạn nhân thiệt mạng trong cuộc giao tranh tại thành phố Marawi tới khu vực an táng (Ảnh: Reuters)
Nhóm các tình nguyện viên đội mũ bảo hiểm trắng đưa thi thể nạn nhân thiệt mạng trong cuộc giao tranh tại thành phố Marawi tới khu vực an táng (Ảnh: Reuters)

Saripada Pacasum Jr., thành viên của một văn phòng cứu trợ thảm họa, hiện dẫn đầu một nhóm gồm 30 người đàn ông và phụ nữ trẻ tuổi, làm những công việc nguy hiểm tại thành phố Marawi, trên đảo Mindanao, miền nam Philippines.

Marawi là nơi diễn ra cuộc giao tranh giữa quân đội chính phủ và các phiến quân thân tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Một số khu vực trong thành phố này đang bị các tay súng bắn tỉa chiếm đóng và bị tàn phá nặng nề sau các cuộc không kích của quân đội chính phủ Philippines.

Được biết đến với tên gọi “nhóm mũ bảo hiểm trắng” hay “biệt đội cảm tử”, nhóm của Pacasum gần như ngày nào cũng tiến hành các chiến dịch giải cứu dân thường bị mắc kẹt hoặc thu gom thi thể của các nạn nhân nằm rải rác tại Marawi.

Theo Reuters, tên gọi “nhóm mũ bảo hiểm trắng” hoặc “biệt đội cảm tử” xuất phát từ chính thực tế công việc của các thành viên trong nhóm. Họ phải đối mặt với không ít nguy hiểm khi dấn thân vào khu vực chiến sự ác liệt nhưng không được vũ trang và gần như không có trang phục bảo hộ, ngoài những chiếc mũ bảo hiểm màu trắng làm từ nhựa.

Saripada Pacasum cho biết anh đã phải bịt miệng và quay đi để tránh cảm giác buồn nôn khi lần đầu tiên phát hiện một thi thể đang phân hủy tại Marawi. Tuy nhiên, cũng như các thành viên khác trong đội tình nguyện cứu hộ, Pacasum không có thời gian để sợ hãi khi cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và các tay súng phiến quân ngày càng diễn ra khốc liệt.

“Tôi từng nghĩ về việc sẽ từ bỏ công việc này. Tôi thấy sợ hãi và chưa sẵn sàng cho công việc”, Pacasum chia sẻ.

Mặc dù vậy, sau khi nỗi sợ hãi qua đi, Pacasum cùng các tình nguyện viên khác tiếp tục bắt tay vào công việc. Họ đeo găng tay cao su và đưa thi thể các nạn nhân được tìm thấy tại các vùng chiến sự ở Marawi lên một xe tải để đưa tới nơi mai táng.

Công việc tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Thi thể các nạn nhân được các thành viên của nhóm tình nguyện viên đưa lên thùng xe để rời khỏi khu vực giao tranh tại Marawi (Ảnh: Marawi)
Thi thể các nạn nhân được các thành viên của nhóm tình nguyện viên đưa lên thùng xe để rời khỏi khu vực giao tranh tại Marawi (Ảnh: Marawi)

Thành viên của nhóm tình nguyện cứu hộ tại Marawi đến từ nhiều ngành nghề khác nhau. Họ là những ngư dân, nông dân, sinh viên, thậm chí cả các chủ doanh nghiệp nhỏ và hầu hết sống tại Marawi.

“Tất cả chúng tôi đều lớn lên ở Marawi và chúng tôi rất đau lòng khi nghe tin Marawi bị tấn công”, Abdul Azis Lomondot Jr., sinh viên đại học 25 tuổi, thành viên của nhóm tình nguyện, cho biết.

Mỗi khi nhận được thông tin về những người bị mắc kẹt, nhóm tình nguyện sẽ làm công việc đầu tiên là xác định vị trí của người mắc kẹt. Sau đó trưởng nhóm Pacasum sẽ đề nghị các tình nguyện viên lên đường thực hiện nhiệm vụ giải cứu.

“Chúng tôi sẽ lấy mũ bảo hiểm, mang theo chứng minh thư, thang cùng một số công cụ và sẵn sàng lên đường”, Lomondot cho biết.

Trong bối cảnh cuộc xung đột tại Marawi vẫn đang diễn biến phức tạp, công việc của những tình nguyện viên tại thành phố này cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm. Trong một chiến dịch giải cứu tại khu vực chiến sự ở Marawi, Pacasum và các thành viên trong nhóm đã lái xe tải tới vị trí mà họ xác định là nơi ở của người bị mắc kẹt. Tuy nhiên, khi tới nơi, nhóm của Pacasum không thể tìm thấy ngôi nhà mà họ cho là có 4 người cao tuổi đang bị mắc kẹt.

“Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy rất hoảng sợ vì nghĩ rằng đây có thể là một cuộc mai phục. Chúng tôi lúc đó chỉ biết chờ đợi âm thanh của những tiếng súng”, Pacasum kể lại chiến dịch giải cứu mà anh tham gia cùng Lomondot.

Sau khi lái xe khoảng 20 phút, nhóm của Pacasum rốt cuộc cũng tìm ra ngôi nhà có 4 người bị mắc kẹt. Tuy nhiên, sau khi đưa được những người này lên xe và chuẩn bị rời đi, họ vẫn bị trúng đạn từ các tay súng ẩn nấp xung quanh.

Nổ ra từ ngày 23/5, tính đến nay, hơn 460 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh tại Marawi, trong đó có 82 binh sĩ và 44 dân thường. Quân đội Philippines tin rằng vẫn còn hàng trăm dân thường bị mắc kẹt tại thành phố này và cuộc chiến vẫn chưa thể đi đến hồi kết.

Thi thể một nạn nhân được tìm thấy bên ngoài cửa một căn nhà tại Marawi (Ảnh: Reuters)
Thi thể một nạn nhân được tìm thấy bên ngoài cửa một căn nhà tại Marawi (Ảnh: Reuters)

Thành Đạt

Tổng hợp