1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biển Đông "phủ bóng" chuyến thăm châu Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ

(Dân trí) - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 10/4 đã tới Ấn Độ và có kế hoạch tới Philippines nhằm thúc đẩy quá trình hợp tác quốc phòng trong khu vực trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh gia tăng do tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.


Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. (Ảnh: AFP)

Từ thủ đô Washington, Bộ trưởng Carter cùng đoàn tuỳ tùng đã tới Ấn Độ và tiếp theo là Philippines. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục đưa ra những đòi hỏi chủ quyền phi lý đối với gần hết các khu vực ở Biển Đông.

Thời gian qua, các quốc gia láng giềng của Trung Quốc và Mỹ đều lo ngại Bắc Kinh có thể ngang nhiên áp đặt các quy định kiểm soát quân sự ở toàn bộ vùng Biển Đông. Lo ngại này càng có cơ sở sau khi Trung Quốc tiến hành hoạt động xây dựng quy mô tại Biển Đông trong những tháng qua, bao gồm việc triển khai hệ thống radar và thử nghiệm đường băng tại các khu vực chiếm đóng trái phép.

Phát biểu trước khi lên đường tới châu Á, Bộ trưởng Carter nói: "Hầu hết các quốc gia đều đề nghị chúng tôi có thêm các biện pháp, cả song phương và đa phương, với Trung Quốc. Ông cho biết, nhiều quốc gia đã hướng tới Mỹ để đề nghị hỗ trợ nhằm duy trì các nguyên tắc, luật lệ giúp khu vực tiếp tục phát triển.

Hỗ trợ Ấn Độ sản xuất máy bay chiến đấu

Tại Ấn Độ, nơi Bộ trưởng Carter sẽ nán lại từ ngày 10 tới ngày 13/4, ông sẽ thảo luận về quan hệ đối tác mới với New Delhi, cũng như hỗ trợ nước này hiện đại hoá quân đội. Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết: "Chúng tôi đang làm được những điều mà khó có thể tưởng tượng được ra cách đây 10 năm".

Một số nguồn tin cho biết Mỹ và Ấn Độ đang hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng như thiết kế tàu sân bay, phát triển công nghệ động cơ cho máy bay chiến đấu và có thể cùng sản xuất tiêm kích. Ở khía cạnh quân sự, Ấn Độ sẽ tiếp tục tham gia cuộc tập trận huấn luyện chiến đấu trên không hiện đại "Cờ Đỏ" do Mỹ đứng đầu và mới đây đã cùng Mỹ và Nhật Bản tham gia các cuộc tập phòng không và chống tàu ngầm.

Bên cạnh các cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Manohar Parrikar, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ sẽ tới thăm tàu Vikramaditya, một trong hai tàu sân bay của Ấn Độ. Tàu Vikramaditya từng thuộc biên chế của Hải quân Liên Xô cũ song tàu này đã được Ấn Độ mua lại và đưa vào sử dụng hồi năm 2013.

"Bỏ qua" Trung Quốc, tập trung cho chuyến thăm Philippines


Philippines cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 5 căn cứ gần Biển Đông. (Ảnh minh họa: AFP)

Philippines cho phép quân đội Mỹ tiếp cận 5 căn cứ gần Biển Đông. (Ảnh minh họa: AFP)

Tại Philippines, Bộ trưởng Carter sẽ tới thăm căn cứ không quân Antonio Batista trên đảo Palawan, nơi cách không xa Biển Đông và những khu vực mà Bắc Kinh đòi hỏi chủ quyền. Căn cứ Antonio Batista là một trong năm căn cứ mà quân đội Mỹ có thể sử dụng để luân chuyển lực lượng. Đây là một phần trong thoả thuận hợp tác quân sự giữa hai nước có hiệu lực từ tháng Giêng vừa qua.

Một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cho biết: "Tiếp cận năm căn cứ sẽ tăng cường khả năng hoạt động của chúng tôi tại Philippines và ở Biển Đông. Tất nhiên, thoả thuận này cũng củng cố thông điệp răn đe của chúng tôi".

Thoả thuận trên đánh dấu sự trở lại của quân đội Mỹ tại Philippines. Cho tới năm 1992, Philippines có hai căn cứ được quân đội Mỹ sử dụng là căn cứ hải quân ở Vịnh Subic và căn cứ không quân Clark. Đây từng là hai căn cứ ở nước ngoài lớn nhất của Mỹ.

Theo kế hoạch, trong chuyến thăm Philippines, Bộ trưởng Carter sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Benigno Aquino và Bộ trưởng Quốc phòng Voltaire Gasmin. Tuy nhiên, Bộ trưởng Carter đã không lựa chọn điểm dừng chân ở Trung Quốc trong chuyến công du châu Á lần này, dù trước đó ông đã nhận lời mời của Bắc Kinh.

Quyết định "bỏ qua" Trung Quốc được đưa ra chỉ mới vài tuần trước và nó cho thấy căng thẳng tồn tại giữa Bắc Kinh và Washington liên quan tới vấn đề Biển Đông.

Người phát ngôn của Lầu Năm Góc, ông Bill Urban, đã giải thích cho quyết định trên: "Bộ trưởng Carter đã nhận lời mời thăm chính thức Trung Quốc trong mùa Xuân này. Tuy nhiên, những rắc rối về lịch trình đã cản trở chuyến thăm. Chúng tôi đang tích cực nghiên cứu một thời điểm khác trong năm cho chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Carter".

Ngọc Anh

Theo WSJ