1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Người anh hùng vĩ đại của hạt nhân Xô Viết:

Beria - Số phận một Bộ trưởng hùng mạnh

Cho dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ, “kỳ án Beria” vẫn là một đề tài nóng bỏng và mang tính thời sự.

Đây là một vụ án chính trị lớn nhất trong lịch sử Liên Xô, phản ánh cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực khốc liệt giữa các nhóm lãnh đạo Liên Xô giai đoạn đầu những năm 1950, sau khi Stalin chết.

Beria, nhân vật thứ hai, “cánh tay phải” của Stalin và một số người thân cận đã bị Nikita Khrushov bắt, xử bắn, không qua xét xử với một tội danh tuyên bố hết sức mơ hồ: “phản quốc”, “kẻ thù nhân dân”. Cuốn từ điển bách khoa Liên Xô xuất bản năm 1989 viết về Beria như sau: “Là người chủ mưu tổ chức hàng loạt các vụ đàn áp và bắt bớ vô căn cứ giai đoạn những năm 1930 và đầu những năm 1950”.

Sau khi đề án hạt nhân đã hoàn thành, đất nước bước vào nhiệm vụ mới: xây dựng ngành công nghiệp tên lửa. Không ai khác, Beria lại được chọn để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ mới này. Ông cũng được giao nhiệm vụ lãnh đạo chương trình xây dựng lực lượng tên lửa phòng không bảo vệ Thủ đô.

Từ tháng 3/1949 đến 7/1951, uy tín của Beria tăng cao trong lãnh đạo đất nước. Sau ĐH Đảng Cộng sản Liên Xô lần thứ XIX tháng 10/1952, Beria được bầu làm Ủy viên Chủ tịch đoàn BCH Đảng Cộng sản Liên Xô (Thường vụ Bộ Chính trị).

Ngày 5/3/1953, Stalin mất. Cũng trong ngày đó, tại cuộc họp liên ngành BCH Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và Xô Viết tối cao Liên Xô, Beria được bổ nhiệm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Liên Xô (hợp nhất giữa Bộ Nôi vụ và Bộ An ninh quốc gia). Như vậy Beria đã trở thành một trong những ứng cử viên hàng đầu (cùng Khrushov và Malenkov) vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Liên Xô.

Chỉ một tuần sau khi Stalin mất, tháng 6/1953, Beria đã gửi tới Hội đồng Bộ trưởng và BCH Đảng Cộng sản Liên Xô một số kiến nghị liên quan đến các vụ đàn áp giai đoạn 1930-1950. Nhiều kiến nghị đã được chấp nhận và thực hiện.

- Sắc lệnh ngày 13/3/1953 về thành lập các nhóm điều tra lại các “vụ án kẻ thù nhân dân”, kết quả là nhiều người đã được minh oan và phục hồi danh dự.

- Sắc lệnh ngày 13/3/1953 thành lập hội đồng xét lại chiến dịch lưu đày công dân từ Gruzia.

- Sắc lệnh ngày 18/3/1953 về việc xem xét lại “vụ án hàng không” liên quan đến lãnh đạo binh chủng không quân và Bộ Công nghiệp hàng không Liên Xô. Kết quả là Bộ trưởng Công nghiệp hàng không Liên Xô A.I. Shukhurin và Chỉ huy trưởng Binh chủng không quân, hai lần Anh hùng Liên Xô, A.A. Novikov và nhiều người khác đã được phục hồi danh dự và nhận lại các chức vụ và danh hiệu.

- Ngày 26/3/1953, Beria viết thư cho Chủ tịch đoàn BCH Đảng Cộng sản Liên Xô, nội dung như sau :

“Hiện nay, trong các trại tập trung, nhà tù và trại tạm giam của chúng ta có 2.526.402 phạm nhân, trong đó số bị kết án 5 năm tù là  590.000, bị kết án từ 5 đến 10 năm là 1.216.000, từ 10 năm đến 20 năm là 573.000 và trên 20 năm là 188.000 người. Trong tổng số các tù nhân, số lượng tù nhân đặc biệt nguy hiểm cho an ninh quốc gia (gián điệp, biệt kích, khủng bố, phần tử trốt-kít, nhân viên cơ quan mật vụ Đức, phần tử dân tộc chủ nghĩa…) được giam giữ trong các trại giam đặc biệt của Bộ Nội vụ là 221.435 người. Trong số các tù nhân còn lại, được giam giữ tại các trại tập trung, nhà tù, trại tạm giam, có nhiều người không gây nguy hại lớn cho xã hội, thậm chí có nhiều phụ nữ, trẻ em, người già và bệnh tật. Họ là những đối tượng không cần thiết phải giam giữ”.

Chính bức thư này là tiền đề cho Sắc lệnh “Ân xá” ngày 27/3/1953 của Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao Liên Xô. Trong năm 1953, nhờ có Sắc lệnh “Ân xá” này, đã có 1.201.738 thường phạm được trả tự do, chiếm 53,8% tổng số tù nhân tính đến ngày 1/4/1953.

Beria - Số phận một Bộ trưởng hùng mạnh - 1

Trong các thư viết tay trao đổi với Kruglov, Thứ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 4 đến tháng 6/1953, Beria bày tỏ tham vọng thực hiện một cuộc giải phóng qui mô lớn những người dân bị lưu đầy vào mùa thu 1953. Sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô Viết tối cao và chỉ thị của Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô về vấn đề này dự định sẽ được ban hành vào khoảng tháng 8/1953. Dự kiến sẽ có khoảng 1,7 triệu người được giải phóng theo lệnh ân xá. Nhưng đáng tiếc, kế hoạch này đã bị hủy bỏ vì ngày 26/6/1953 Beria bị bắt. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng kế hoạch của Beria gây nguy hại cho xã hội.

Liệu có phải các đối thủ chính trị của Beria lo sợ sự thăng tiến chính trị quá nhanh của ông? Có lẽ đó chỉ là một nguyên nhân. Một nguyên nhân khác cũng hết sức quan trọng đó là nhiều người trong số họ “tay đã nhúng chàm”, sợ sẽ bị Beria tố giác những tội ác mà họ đã phạm phải. Không phải ngẫu nhiên Khrushov đã chỉ thị tiêu hủy các cuốn sổ ghi chép công tác của Beria. Nhưng rất may, chỉ thị trên đã không được chấp hành. Mãi hơn nửa thế kỷ sau, các cuốn sổ ghi chép của Beria, được lưu trữ như những tài liệu “tuyệt mật”, đã hé mở cho chúng ta những sự thật quan trọng của thế kỷ XX: các vụ đàn áp, thảm họa hồi đầu chiến tranh, đề án hạt nhân và cái chết của Stalin.

Trước ngày bị bắt, Beria đã cho mời Konstantin Simonov, nhà văn nổi tiếng Liên Xô và cho ông ta xem danh sách những người bị xử bắn những năm 1930 có chữ ký của Stalin và một số Ủy viên trung ương khác. Nhóm Khrushov – Malenkov – Bunganin lo sợ Beria sẽ cho công khai hóa tài liệu trên và sự dính líu của nhóm này cùng một số người khác vào các vụ đàn áp cuối những năm 1930.

Không thể chậm trễ, Khrushov vội hành động và tranh thủ được sự ủng hộ của đa số Ủy viên trung ương và các quan chức cao cấp quân sự. Ngày 26/6/1953, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã họp kiểm điểm trách nhiệm của Beria và quyết định thu hồi mọi chức vụ của Beria. Beria bị qui là theo đường lối “xét lại”, có quan điểm chống chủ nghĩa xã hội trong vấn đề Đông Đức và làm gián điệp cho Anh những năm 1920, âm mưu xóa bỏ chế độ Xô Viết, quay lại chủ nghĩa tư bản và phục hồi sự thống trị của giai cấp tư sản.

Tại Hội nghị Trung ương tháng 7/1953, hầu như tất cả các Ủy viên Trung ương (bị nhóm của Khrushov khống chế) đều lên án Beria. Ngày 7/7/1953, BCH Trung ương quyết định cách chức Ủy viên Chủ tịch đoàn BCH Trung ương (Thường vụ Bộ Chính trị) của Beria và xóa tên ông khỏi danh sách Ủy viên Trung ương.

Ngày 23/12/1953, vụ án Beria được chuyển cho Tòa án đặc biệt trực thuộc Tòa án tối cao quân sự Liên Xô, dưới sự chủ tọa của Nguyên soái I.C. Koniev, thụ lý. Beria bị buộc tội cùng một số chiến hữu thân cận trong cơ quan an ninh quốc gia như V.N. Merkulov, Bộ trưởng Thanh tra nhà nước Liên Xô; B.Z. Kobulov, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Nội vụ Liên Xô; C.A. Golidze, Cục trưởng Cục 3 Bộ Nội vụ Liên Xô; P.YA. Meshikov, Bộ trưởng Bộ Nội vụ CH Ucraina; V.G. Dekanozov, Bộ trưởng Bộ Nội vụ CH Grudia; L.E. Vladzimirski, Cục trưởng đơn vị điều tra các vụ án đặc biệt thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô.

Tất cả đều bị kết án tử hình và bị xử bắn ngay trong ngày. Riêng Beria bị xử bắn trong hầm ngầm của Bộ Chỉ huy Quân khu Moskva dưới sự chứng kiến của Trưởng công tố Liên Xô, R.A. Rudenko. Báo chí Liên Xô khi đó có đưa một đoạn tin ngắn về vụ án này.

Những năm sau, nhiều cán bộ cao cấp quân đội và Bộ An ninh quốc gia tiếp tục bị xử lý vì nghi ngờ có liên quan đến vụ án. Một số bị xử bắn. Số khác bị kết án nhiều năm tù giam. Ngoài ra có khoảng 50 sĩ quan cấp tướng bị tước quân hàm quân hiệu, huân huy chương và bị sa thải khỏi cơ quan vì “thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc và không xứng đáng với quân hàm cấp tướng”.

Sau khi Beria bị xử bắn, tất cả những bức ảnh của Beria được lệnh phải dỡ bỏ khỏi các cơ quan chính quyền. Năm 1954, cuốn Đại từ điển Liên Xô bị buộc phải cắt bỏ ảnh và những trang viết về Beria.

Báo chí Liên Xô giai đoạn Khrushov đã cho đăng nhiều bài bôi nhọ hình ảnh và xuyên tạc về cuộc đời Beria. Beria bị qui trách nhiệm về các vụ đàn áp những năm 1937-1938 và nhất là giai đoạn sau chiến tranh mặc dù lúc này Beria đã rời khỏi Bộ Nội vụ và nhận nhiệm vụ “tuyệt mật”, thực hiện đề án hạt nhân.

Sau này, Viện Công tố quân sự tối cao LB Nga cũng khước từ xem xét lại vụ án Beria theo tinh thần của đạo Luật “về việc phục hồi danh dự cho những nạn nhân của các vụ đàn áp chính trị” của LB Nga ngày 18/10/1991. Trong văn bản ngày 29/5/2002, Viện Công tố quân sự tối cao cho biết họ không tìm thấy những cơ sở để phục hồi danh dự cho Beria và một số bị can khác của vụ án, đồng thời khẳng định Beria và những người trên có dính líu tới các vụ đàn áp.

Một vấn đề được đặt ra là liệu kết luận trên đã khách quan chưa? Viện Công tố quân sự đã nghiên cứu kỹ và đầy đủ các tài liệu của vụ án chưa? Có rất nhiều câu hỏi liên quan đến vụ án vẫn chưa được giải đáp. Thật là phi lý khi cho đến nay báo chí vẫn xem Khơ Rút Sốp là một nhà cải cách vĩ đại có công đánh đổ thần tượng Stalin, loại bỏ những người bên cạnh Stalin, còn Beria vẫn bị xem là kẻ tàn ác, là kẻ thù của nhân dân.

Trong cuốn sách của mình “Beria: Số phận một Bộ trưởng hùng mạnh”, Boric Sokolov đã trích dẫn lời của giáo sư I.V. Golovin, phó của I.V. Kurchatov (Viện sĩ, cha đẻ của bom nguyên tử Liên Xô) nói về Beria :”Beria là một nhà tổ chức tuyệt vời, kiên định và sâu sát. Nếu như ông đã nhận một bản báo cáo vào buổi tối thì sáng hôm sau ông sẽ hoàn trả báo cáo kèm theo những ý kiến và nhận xét chi tiết. Ông rất hiểu cán bộ, tự mình kiểm tra tất cả và không ai có thể giấu giếm ông điều gì”.

Boric Sokolov cũng miêu tả những cảm xúc của P.A. Sudoplatov, Cục trưởng Cục “C” kiêm lãnh đạo Cục “K” NKVD Liên Xô (Phản gián, bảo vệ đề án hạt nhân Liên Xô), người thường xuyên được tham dự các buổi họp của Ủy ban đặc biệt: “Các cuộc họp của Ủy ban đặc biệt thường diễn ra trong phòng làm việc của Beria. Luôn diễn ra các cuộc tranh luận nảy lửa. Tôi hết sức ngạc nhiên trước các ý kiến khác nhau của các thành viên chính phủ. Beria hay can thiệp vào các cuộc tranh cãi và đề nghị giữ trật tự. Lần đầu tiên tôi thấy trong một cơ quan đặc biệt của chính phủ mọi người đều bình đẳng, không phụ thuộc vào vị trí, chức vụ công tác, cho dù người đó là Ủy viên Trung ương hoặc Ủy viên Bộ Chính trị. Beria, một người có tính tình cục cằn và cứng rắn trong giao tiếp với cấp dưới, lại có thể chăm chú, lịch lãm, say mê công việc, kiên quyết bảo vệ những người làm việc với mình khỏi mọi âm mưu đen tối của những kẻ xấu. Ông thường cảnh báo lãnh đạo các đơn vị về trách nhiệm cá nhân của họ nếu không hoàn thành công việc được giao; ông có một khả năng tuyệt vời, vừa có uy vừa có sức thuyết phục cấp dưới. Tôi có cảm giác Beria đã học được những đức tính đó từ Stalin – kiểm tra chặt chẽ, yêu cầu rất cao đi đôi với tạo không khí tin tưởng vào sự ủng hộ của lãnh đạo trong mọi trường hợp”.

Những đồng nghiệp của Beria hồi đó đều công nhận Beria có khả năng làm việc phi thường, nhiệt huyết, có kế hoạch và trách nhiệm trong việc lãnh đạo đề án hạt nhân. Beria không thuộc loại cán bộ chỉ biết “chỉ tay năm ngón”, ông thường xuống cơ sở chỉ đạo trực tiếp. Ông không chỉ giỏi các công việc tổ chức và kinh tế mà còn thành thạo những vấn đề kỹ thuật, những lĩnh vực cần kiến thức chuyên môn.

Trong cuốn “Những truyền thuyết và sự thật về đề án hạt nhân Liên Xô”, xuất bản năm 1994, IU.B. Khariton đã tưởng nhớ về Beria như sau: “Ban đầu, đề án hạt nhân do V.M. Molotov phụ trách. Phương pháp làm việc của ông ta không hiệu qủa. Viện sĩ Kurchatov tỏ ra không hài lòng. Nhưng kể từ khi Beria về thay Molotov, tình hình đã khác hẳn. Cho dù P.L. Kapitsa, tham gia giai đoạn đầu tại Ủy ban đặc biệt và Ủy ban kỹ thuật về bom nguyên tử, đã viết thư cho Stalin chỉ trích cách làm việc của Beria. Beria đã nhanh chóng thúc đẩy công việc của đề án. Một người vừa có tham vọng, vừa có nhiệt huyết và khả năng làm việc phi thường. Những chuyên gia làm việc cùng ông ta đều khâm phục trí tuệ, ý chí và quyết tâm của ông ta. Beria tự khẳng định là một chuyên gia về tổ chức, biết dẫn dắt công việc tới thắng lợi. Cũng có thể, có một cái gì đó mâu thuẫn trong con người Beria; đôi khi tỏ ra thô lỗ, nhưng tùy từng hoàn cảnh, ông ta biết thể hiện một thái độ lịch lãm, khéo léo và ứng xử như mọi người khác. Không phải ngẫu nhiên, Tiến sĩ Nikolaus Ril, bác học người Đức, Giám đốc Phòng thí nghiệm nhà máy số 12 Liên Xô, lại có nhiều cảm tình đối với Beria.

Các cuộc họp do Beria chỉ đạo đều mang tính chất công việc, có hiệu quả và không bị kéo dài. Ông là bậc thầy trong việc đưa ra các quyết định bất ngờ và khác thường… Beria là người biết lắng nghe và kiên nhẫn. Ông sẵn sàng chấp nhận sử dụng người tài cho dù người đó bị tổ chức nghi ngờ lòng trung thành. Khi biết tin bộ phận an ninh nội bộ quyết định sa thải L.V. Altshuiler, một cán bộ tham gia đề án, IU.B. Khariton đã gọi điện trực tiếp cho Beria và nói rằng người cán bộ này đã làm nhiều việc tốt cho đề án. Beria chỉ hỏi một câu ngắn gọn: “Anh rất cần anh ấy phải không?”. Sau khi nghe câu trả lời khẳng định của Khariton, Beria nói ngay: “Thôi được, tôi đồng ý” và cúp máy. Vấn đề đã được giải quyết một cách nhanh chóng.

Theo đánh giá của nhiều cựu chuyên gia của đề án hạt nhân thì nếu đề án hạt nhân Liên Xô tiếp tục do Molotov lãnh đạo thì khó có một kết quả nhanh chóng và thành công”.

Năm 2005, xuất hiện cuốn sách “Những Anh hùng của đề án hạt nhân”; cuốn sách nói về tiểu sử của những công dân nổi tiếng đã có những đóng góp quan trọng vào việc làm nên vũ khí hạt nhân của Liên Xô; nhưng trong số họ không có Beria. Thật là hết sức bất công.

Rõ ràng công lao của Beria đối với Liên Xô trong cách mạng, chiến tranh vệ quốc và trong đề án hạt nhân hết sức lớn lao. Đã có không ít người dân Liên Xô tự hỏi Liên Xô sẽ ra sao nếu Mỹ độc quyền sở hữu bom nguyên tử những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai. Tất nhiên, để xây dựng được một kho vũ khí hạt nhân, công cụ hữu hiệu bảo vệ hòa bình thế giới, như ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay là công lao của hàng vạn công dân Xô Viết, người Nga. Nhưng, người xứng đáng được tôn vinh trên hết là L.P. Beria, người anh hùng vĩ đại của đề án hạt nhân. Chắc chắn một ngày không xa, lịch sử sẽ minh oan và trả lại sự trong sạch cho Beria.

Theo Nguyễn Đình

Cảnh sát toàn cầu

Beria - Số phận một Bộ trưởng hùng mạnh - 2