1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bay thị sát Biển Đông, Tư lệnh hải quân Mỹ muốn cảnh báo Trung Quốc?

(Dân trí) - Cuối tuần qua, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, đã có chuyến bay thị sát Biển Đông trên máy bay do thám P-8A Poseidon, trong động thái dường như muốn phát đi thông điệp cảnh báo Bắc Kinh...

Theo trang web của Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Scott Swift, người tới thăm Philippines hôm 16/7 trong chuyến công du kéo dài 4 ngày, đã tham gia một chuyến bay thị sát kéo dài 7 giờ trên máy bay do thám P-8A Poseidon, mới nhất của Mỹ.

Đô đốc Swift quan sát Biển Đông từ cửa sổ máy bay (Ảnh: US Navy)
Đô đốc Swift quan sát Biển Đông từ cửa sổ máy bay (Ảnh: US Navy)

Hạm đội này khẳng định sự tham gia của Swift giúp ông “được trải nghiệm trực tiếp và toàn bộ tính năng của máy bay P-8A Poseidon”.

Một bức ảnh được hải quân Mỹ công bố cho thấy ông Swift chăm chú theo dõi trong khi các sỹ quan khác trình diễn các tính năng của chiếc P-8A Poseidon. Trong một bức ảnh khác, ông Swift đang đeo tai nghe và nhìn ra ngoài cửa sổ, phía dưới là Biển Đông.

Sỹ quan phụ trách báo chí của Hạm đội Thái Bình Dương, đại úy Charlie Brown, khẳng định vị đô đốc “hài lòng với năng lực của chiếc Poseidon”, nhưng không cung cấp chi tiết về chuyến bay cũng như khu vực máy bay đã bay qua.

Hồi tháng 5, một chiếc P-8A của hải quân Mỹ đã bay qua khu vực bãi đá Trung Quốc đang bồi đắp và xây dựng trái phép trên Biển Đông, và bị quân đội Trung Quốc phát tín hiệu yêu cầu “rời đi ngay”.

Thông điệp cứng rắn gửi tới Trung Quốc?

Theo hãng tin AP, chuyến bay thị sát của ông Swift có thể khiến Trung Quốc, nước đang ngang nhiên tuyên bố chủ quyền với hầu như toàn bộ Biển Đông, nổi giận.

Thời gian qua, những tranh cãi liên quan đến chủ quyền biển đảo giữa Bắc Kinh và một số nước trong khu vực đã nhiều lần bùng phát, gây lo ngại Biển Đông có thể trở thành nơi diễn ra cuộc xung đột vũ trang lớn tiếp theo tại châu Á.

Trung Quốc vẫn yêu cầu Mỹ đứng ngoài cuộc, và cho rằng đây hoàn toàn là vấn đề của châu Á. Tuy nhiên, Washington khẳng định đảm bảo tự do hàng hải trong vùng nước tranh chấp, và tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột là lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đô đốc Swift quan sát Biển Đông từ cửa sổ máy bay (Ảnh: US Navy)
Vị tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương theo dõi các sỹ quan trình diễn năng lực của máy bay Poseidon (Ảnh: US Navy)

Chuyến thị sát của đô đốc Swift diễn ra chỉ một ngày sau khi ông có tuyên bố gây chú ý tại Manila, rằng ông “rất hài lòng với những nguồn lực tôi có được với tư cách tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương”, và “chúng tôi sẵn sàng phản ứng trước bất kỳ tình huống khẩn cấp nào mà ngài Tổng thống xem là cần thiết”.

Ông Swift cũng khẳng định sự quan tâm tới các cuộc tập trận đa phương thường niên, với các đồng minh của Mỹ trong khu vực, và sẽ triển khai thêm nhiều tàu chiến tới đây như đã cam kết.

Đến nay, Bắc Kinh chưa có phản ứng chính thức nào về chuyến bay thị sát của ông Swift.

Trong khi đó, quân đội Philippines xem đây là hành động có lợi cho khu vực cũng như cho nước này.

Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin khẳng định: “Về mặt quân sự, chúng ta không là gì so với Trung Quốc. Đó là lí do vì sao chúng ta đang đề nghị các đồng minh hỗ trợ”.

Phó tư lệnh bộ chỉ huy lực lượng vũ trang phía Tây Philipines, đô đốc Alexander Lopez, người phụ trách vùng biển Philippines đang có tranh chấp với Trung Quốc thì tiết lộ, ông không hề được báo trước về chuyến thị sát. Nhưng ông tin nó có lợi cho an ninh.

“Nó tốt cho chúng ta. Đó là một cách để theo dõi những gì Trung Quốc đang làm trong sân sau của chúng ta”, ông Lopez trả lời tờ Philstar. “Nó cũng tốt cho khu vực”.

Vị đô đốc cũng tin rằng hoạt động bay giám sát không có gì sai, bởi nó diễn ra trên không phận và vùng biển quốc tế.

“Chỉ có Trung Quốc mới gọi những khu vực này là của họ”, ông Lopez nhấn mạnh.

Một quan chức cấp cao khác của nước này thì tin rằng Bắc Kinh sẽ chỉ trích chuyến bay tuần tra của ông Swift, nhưng điều đó là vô nghĩa.

“Chúng ta không nên bận tâm tới những gì Trung Quốc sắp nói. Tất cả hoạt động tuần tra biển do đồng minh của chúng ta tiến hành đều có sự phối hợp với chính quyền Philippines. Hoạt động này là bình thường bởi chúng ta thực sự theo đuổi mục tiêu đảm bảo an ninh hàng hải và bảo vệ những lợi ích chung toàn cầu”, vị quan chức này nói.

Quân đội Mỹ hiện duy trì tại Singapore chiến hạm USS Fort Worth, một trong bốn tàu chiến công nghệ cao quân đội nước này cam kết triển khai để giám sát tình hình Biển Đông và các khu vực khác.

Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều tàu chiến được triển khai tới khu vực, bởi theo ông Swift, hải quân Mỹ có kế hoạch mua thêm 52 tàu chiến tương tự để sử dụng trên toàn thế giới.

Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, với đại bản doanh tại Hawaii, được xem như hạm đội lớn nhất thế giới, với khoảng 200 tàu mặt nước và tàu ngầm, gần 1.100 máy bay và hơn 140.000 thủy thủ, nhân viên.

Thanh Tùng
Tổng hợp
 
Bay thị sát Biển Đông, Tư lệnh hải quân Mỹ muốn cảnh báo Trung Quốc?