1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bầu cử Mỹ 2020: Trong khó ló cái cũ

Trong một nước Mỹ sôi động và dễ bùng nổ của năm bầu cử Mỹ 2020, thấy gì qua cuộc vận động tranh cử trực tiếp của Tổng thống Donald Trump? Phân tích của báo Thế giới & Việt Nam.

Bầu cử Mỹ 2020: Trong khó ló cái cũ - 1

Nước Mỹ bước vào những tháng ngày sôi động của năm bầu cử 2020 bộc lộ mức độ phân hoá sâu sắc chưa từng thấy trong nội bộ xã hội Mỹ. (Nguồn: Shutterstock)

Sau gần 4 tháng bị ngưng trệ bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiến hành vận động tranh cử trực tiếp. Ông Trump chọn thành phố Tulsa ở bang Oklahoma làm nơi khởi động trở lại như "khởi hành mới cho nước Mỹ".

“Khởi hành” trong hỗn loạn và dễ bùng nổ

Sự kiện vận động tranh cử này không những chỉ không được như mong đợi của ông Trump mà còn rất có thể là một điềm bất lành đối với kết quả mà ông Trump sẽ nhận được trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ khi chỉ có quá ít người tới tham dự - khác xa so với tất cả những hoạt động vận động tranh cử trước đó và cả thời năm 2016 của ông Trump, khác xa so với những tuyên cáo và quả quyết của bộ máy vận hành chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm nay của ông Trump.

Nhưng còn đáng được để ý đến hơn cả cái điềm bất lành ấy đối với ông Trump là việc người này sử dụng chiêu thức vận động tranh cử cũ của mình và của một người tiền nhiệm. Việc này có thể luận giải theo cả hướng ông Trump thức thời đúng lúc lẫn theo hướng tình thế đang tiếp tục trở nên thêm bất lợi đối với ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới ở nước Mỹ.

Nước Mỹ hiện trong tình trạng chính trị xã hội nội bộ sôi động, hỗn loạn và dễ bùng nổ. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra tiếp tục chơi trò bỡn cợt ông Trump. Kinh tế suy thoái và thất nghiệp tăng tiếp tục làm hao mòn rõ rệt những lợi thế mà ông Trump đã có được trước khi dịch bệnh lây lan sang đến nước Mỹ và tác động tiêu cực. Làn sóng biểu tình phản đối phân biệt sắc tộc và bạo lực của cảnh sát người da trắng đối với người da mầu làm cả nước Mỹ rung chuyển. Tất cả những chuyện ấy phơi bày mức độ phân hoá sâu sắc chưa từng thấy trong nội bộ xã hội Mỹ.

Hệ luỵ trực tiếp của tình trạng đó là bộ phận cử tri trung dung hoặc thường không tham gia bầu cử ngày càng thêm bất bình và thất vọng về ông Trump cũng như diện cử tri vốn trung thành với ông Trump giờ bắt đầu có biểu hiện phân rẽ và rệu rã. Ông Trump đã nhận ra rằng nếu không nhanh chóng chấn chỉnh, củng cố và ổn định diện cử tri trung thành này, đồng thời ngăn cản phía Đảng Dân chủ tranh thủ vận động được diện cử tri trung dung và vốn thường không tham gia bầu cử, đặc biệt cử tri là người da mầu, người Mỹ gốc nhập cư và phụ nữ người da trắng không có bằng cấp học vị ở các vùng nông thôn thì việc phải chịu chung số phận chính trị như Jimmy Carter năm 1978 và George H. Bush năm 1992 sẽ không còn có thể tránh khỏi.

Cái gọi là Southern Strategy

Trong khó một khi không có được cái mới thì đành phải ló cái cũ vậy. Giống như hồi năm 2016, ông Trump bây giờ lại dụng chiến lược khoét sâu thêm sự phân rẽ và thái cực hoá trong nội bộ và trên chính trường nước Mỹ. Giống như Richard Nixon năm 1968, ông Trump lại sử dụng cái gọi là Southern Strategy nhằm tranh thủ diện cử tri là người da trắng bằng cách kích động phân biệt sắc tộc và mầu da ở Mỹ cũng như đổ vấy mọi trách nhiệm về tình trạng chính trị xã hội nội bộ ở Mỹ cho cánh tả, gây dựng hình ảnh cá nhân là "Tổng thống của luật pháp và trật tự".

Richard Nixon đã toại nguyện quyền lực với chiến lược này. Nhưng như thế không có nghĩa là ông Trump cũng sẽ được như vậy trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ. Nước Mỹ năm 2020 khác biệt cơ bản so với nước Mỹ năm 1968 về mọi phương diện, kể cả về nhận thức và hành động của người da mầu và người gốc nhập cư.

Hiện tại, dịch bệnh ở Mỹ chưa biết đến khi nào mới dứt, tăng trưởng kinh tế chưa biết đến khi nào mới có thể phục hồi, tỷ lệ thất nghiệp chưa biết đến khi nào mới giảm và hệ luỵ của làn sóng biểu tình phản đối chưa thể lường hết được. Cho nên ông Trump trong khi hy vọng kinh tế sớm tăng trưởng trở lại và tỷ lệ thất nghiệp sớm đảo chiều biến động chỉ còn có mỗi cách dân tuý hoá bộ phận cử tri trung thành. Ông Trump lựa chọn Tulsa làm nơi khởi đầu lại cuộc vận động tranh cử vì nơi này vào năm 1885 đã xảy ra vụ việc người da trắng tàn sát người da mầu.

Ở Tulsa, ông Trump lại bấu víu vào khẩu hiệu "Nước Mỹ trước hết" mà không hề đề cập gì đến vụ cảnh sát người da trắng sát hại người da mầu George Floyd ở Minneapolis, cũng không có lời nào nhắc đến dấu mốc kỷ niệm ngày xoá bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ ở Mỹ. Ở đó, ông Trump không đề cập đến các vấn đề nhức nhối hiện tại của nước Mỹ mà chỉ nhằm vào tâm lý của diện cử tri là người da trắng ủng hộ mình.

Ông Trump đề cao "Nước Mỹ trước hết" nhưng rõ ràng thực chất phía sau là nội hàm "Trump trước hết và trên hết". Chẳng phải cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton trong cuốn hồi ký "The Room Where It Happened" vừa mới xuất bản cũng đã xác nhận và khẳng định điều này hay sao? Chiến lược và chiến thuật cũ được ông Trump vận dụng cho và trong cuộc chơi mới.

Vào thời điểm hiện tại, cơ may của ông Trump được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ đã bị sa sút đáng kể nhưng chưa hẳn đã hết và bốn tháng tới là khoảng thời gian dài, thậm chí rất dài đối với diễn biến cuộc bầu cử tổng thống ở nước Mỹ, đủ để cho rất nhiều nước chảy trôi qua cầu và cho ông Trump xoay chuyển tình thế.

Theo Dịch Dung

Thế giới & Việt Nam