1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bất chấp khó khăn, Nga vẫn củng cố tiềm lực quốc phòng

Theo báo chí Nga, quân đội nước này đang tiếp tục tiến hành các cuộc tập trận chỉ huy chiến lược quy mô lớn đối với toàn lực lượng vũ trang.

Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga Valeri Gerasimov cho biết, đến thời điểm này đã điều động gần 80.000 binh lính và hơn 200 đơn vị kỹ thuật của không quân.

Theo một số giả thuyết, mục đích của các cuộc tập trận mà Nga vừa tiến hành đồng loạt ở cả Biển Đen lẫn biển Barent là tập huấn chỉ huy và kiểm tra khả năng tác chiến của các đơn vị quân đội.

Được biết trong những năm gần đây, Nga định kỳ tổ chức các cuộc tập trận tương tự. Tuy nhiên, nếu xét đến yếu tố NATO đang tập trung quân đội xung quanh biên giới Nga - đặc biệt là ở điểm nóng Ukraine - thì một vấn đề khác không kém quan trọng hơn cũng được đặt ra, đó là mục tiêu chính trị thông qua sự phô trương sức mạnh và thể hiện thái độ sẵn sàng phản ứng trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Một số nguồn tin ngoại giao cho biết cả Nhà Trắng lẫn Lầu Năm Góc đều lấy làm tiếc vì đã bỏ lỡ các cơ hội hiếm có trong những năm 90 của thế kỷ trước.

Tàu ngầm hạt nhân K-84 Yekaterinburg của Nga (Ảnh: TASS)
Tàu ngầm hạt nhân K-84 Yekaterinburg của Nga (Ảnh: TASS)

Theo đó, từ năm 1991 đến năm 2012, Mỹ đã chi gần 9 tỷ USD để thực hiện các thỏa thuận cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược với Nga. Hai bên đã tiêu hủy khoảng 902 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân, 191 bệ phóng tên lửa di động, 33 tàu ngầm hạt nhân, 684 tên lửa hành trình bố trí trên biển và 155 máy bay ném bom chiến lược. Trong bối cảnh hiện nay, Nga buộc phải khôi phục tiềm năng phòng thủ và nâng chất lượng lên mức cao mới. Để thực hiện các mục tiêu này, Nga dự kiến đến năm 2020 sẽ chi khoảng 300 tỷ USD.

Mặc dù trong điều kiện nền kinh tế khó khăn do tác động của các lệnh trừng phạt và việc giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm, phải cắt giảm chi tiêu ở hầu hết các lĩnh vực, song Nga vẫn giữ nguyên mức đầu tư cho quốc phòng. Chỉ huy trưởng các hạm đội của Nga cho biết trong năm 2016, Hạm đội Biển Đen sẽ nhận được 6 tàu ngầm Diesel Varshavyanka và 6 tàu tuần tra. Bên cạnh đó, Nga cũng có chiến lược phát triển đồng bộ các tàu ngầm hạt nhân chiến lược và đa năng của Hạm đội Biển Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương. Công tác hiện đại hóa được tiến hành trên hai hướng là tăng cường số lượng các tàu ngầm mới và nâng cao khả năng tác chiến của các tàu cũ. Đến năm 2020, hai hạm đội quan trọng này có thể được bổ sung thêm khoảng 10 tàu ngầm hạt nhân Dự án 971 và 949.

Năm 2014 cũng là năm ghi dấu ấn số lượng kỷ lục các đơn đặt hàng thiết bị kỹ thuật quân sự của lực lượng không quân Nga. Bộ Quốc phòng nước này đã mua 108 máy bay các loại, trong đó có 81 máy bay chiến đấu. Theo kế hoạch, trong năm 2015, lực lượng này tiếp tục được bổ sung thêm 60 máy bay Su và Yak. Bên cạnh đó, lực lượng tên lửa chiến lược cũng được tái trang bị 50% vũ khí mới. Năm 2015 dự kiến Nga sẽ tiến hành thử nghiệm tổ hợp tên lửa hạng nặng Sarmat thế hệ mới và các hệ thống thông tin liên lạc, truyền số liệu vệ tinh và định vị.

Tên lửa Sarmat
Tên lửa Sarmat

Cần nhấn mạnh rằng lĩnh vực quốc phòng của Nga cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ các lệnh trừng phạt. Sau khi Mỹ hạn chế hợp tác với Nga trong lĩnh vực trao đổi công nghệ và các phần mềm đặc biệt, tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Nga đã phải khởi động chương trình sản xuất thay thế nhập khẩu, trong khi đó Mỹ cũng phải chuyển hướng sang nhập khẩu từ Trung Quốc khoảng 15-20% nhu cầu của nền công nghiệp nước này. Nga đã thành lập 3 cơ quan điều phối chính sách nhà nước trong lĩnh vực sản xuất thay thế nhập khẩu do đích thân Thủ tướng Dmitry Medvedev đứng đầu.

Tất nhiên, trong bối cảnh khó khăn lịch sử hiện nay, Nga có rất nhiều vấn đề phải quan tâm, song bài toán củng cố quốc phòng và an ninh đang được đặt lên hàng đầu. Trong những phát biểu gần đây, Tổng thống Vladimir Putin liên tục nhấn mạnh rằng chỉ có một nền quốc phòng mạnh và giữ vững được sự vượt trội về răn đe hạt nhân mới có thể giúp nước Nga đứng vững. Nói cách khác, quốc phòng của Nga là bất khả xâm phạm.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày 21/3 vừa qua, Trung tâm Chỉ huy Quốc phòng Nga đã mời tất cả các tùy viên quân sự nước ngoài đến để thông tin về các cuộc tập trận và giải thích mục đích. Nước Nga không "giấu đá sau lưng", song dường như họ đang cho thấy quyết tâm bảo vệ đến cùng lợi ích an ninh quốc gia.

Theo TTK/baotintuc.vn