Báo Mỹ: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là động lực sau sự chuyển mình của VN

(Dân trí) - Tờ Huffington Post của Mỹ ngày 8/2 đăng bài viết của tác giả Daniel D. Veniez, phân tích con đường cải tổ đã qua và sắp tới của Việt Nam, cũng như vai trò của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với quá trình này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. (Ảnh: The Korea Herald )
 

Dân trí xin giới thiệu bản dịch của bài viết.

Con đường đến với cải tổ luôn đầy những chướng ngại và chông gai. Người Việt Nam hiểu quá rõ những điều này. Họ đã phải trải nghiệm với tất cả.

Từ vị thế đã phát triển cao ở phương Tây, thật dễ để chúng ta có quyền thể hiện sự khó chịu với tiến trình đổi mới “chậm chạp” về cấu trúc và thể chế ở Việt Nam. Nhãn quan lịch sử chưa bao giờ định hình mạnh mẽ trong chúng ta.

Vài trăm năm qua đã diễn ra cuộc đấu tranh liên tục và đau đớn của người Việt Nam. Hàng triệu người đã chết và thương tật từ Chiến tranh Việt Nam. Di chứng tàn khốc của chất độc Da cam lấy đi cuộc sống của nhiều nạn nhân và gia đình họ cho đến tận hôm nay. Số tổn thất không thể lượng hóa được. Người Mỹ bỏ lại Saigon năm 1974 sau khi 95% cơ sở hạ tầng đã bị tàn phá. Một lỗ hổng quyền lực, một sự dàn xếp các tài khoản, bất ổn chính trị, và khủng hoảng di tản và chảy máu chất xám kéo dài thêm cả thập kỷ. Thậm chí trước "Cuộc chiến tranh chống Mỹ" như mọi người ở đây vẫn gọi, người Việt Nam chiến đấu một chuỗi liên tục các cuộc kháng chiến chống lại thực dân Pháp, và cả các xung đột biên giới với láng giềng, bao gồm Trung quốc.

Bất chấp lịch sử gần đây, người Việt là dân tộc ưa chuộng hòa bình với nền văn hóa trải qua hàng ngàn năm. Dù họ không bao giờ mong muốn chiến tranh, họ cũng không chịu khuất phục ai cả. Đây là điều thực sự đặc biệt trong sự nghiệp bảo vệ độc lập và quyền tự quyết của họ.

Khi ai đó đi qua các đường phố đô thị sôi động và các làng mạc yên bình nơi vùng quê, quá khứ đau buồn này có cảm giác như đã thành lịch sử cổ xưa. Việt Nam hôm nay đang bước đi vững chắc trong giai đoạn đổi mới nhất trong lịch sử lâu đời của mình. Vận mệnh của đất nước với 90 triệu dân này xem ra rất hoành tráng. Việt Nam đang diễn ra quá trình tái thiết về thể chế, lập pháp, kinh tế và văn hóa.

Trách nhiệm dẫn dắt đất nước này qua một hành trình chồng chất sự phức tạp đã đặt lên vai Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lịch sử sẽ là người phán xét tối thượng về mức độ thành công của ông. Tuy nhiên, có ít ngờ vực rằng ông Dũng đang kẹt giữa những làn nước, với áp lực đến từ mọi hướng.

Giống như nhà cải cách vĩ đại của Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình, định hình một nước Việt Nam hiện đại, tự tin, và thịnh vượng là sứ mệnh căn bản của ông Dũng.

Một năm sau khi được Quốc hội bầu vào vị trí Thủ tướng năm 2006, ông Dũng, một nhà cải cách, khi đó phải đối mặt với những tổn thương mà những chính sách kinh tế, xã hội đã gây ra và thách thức tốc độ phát triển. Ông đã mau chóng đưa Việt nam tham gia Tổ chức Thương mại Thế giới WTO năm 2007, bản thân việc này là một thành công lớn lao. Mở rộng quan hệ thương mại với phương Tây, từng bước tự do hóa dần kinh tế, và dẫn dắt một nghị trình cải tổ trong nước, các chính sách của ông Dũng đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, năm 2005 GDP của Việt Nam là 699USD. Vào tháng 10/2013, IMF cho biết mức này đã tăng lên 1896USD, một sự tăng trưởng ngoạn mục đến 171%. Với sức tăng trưởng như vậy, lạm phát trở nên một mối đe dọa lớn, vào năm 2009 bùng phát lên đến 25%. Ông Dũng đã chỉ đạo cắt giảm chi tiêu và thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ. Hôm nay nó chỉ còn dưới 7%.
 
Vào giữa giai đoạn khủng hoảng toàn cầu 2009, ông Dũng đã duyệt một gói kích thích 8 tỷ đô la Mỹ cần thiết cho đầu tư hạ tầng cơ sở. Trong khi đấy chỉ là 1 phần cái mà Việt Nam cần, gói kích thích đã tạo nền tảng cho sự phục hồi đang diễn ra. Vào năm 2012 kinh tế Việt nam tăng trưởng 5,4% và GDP cán mức 141 tỷ đô la. GDP của đất nước này đạt tăng trưởng 5,42 vào năm 2013. Mặc dù mức đó không cao so với các quốc gia láng giềng, tin về tăng trưởng GDP của Việt nam khiến mọi người lạc quan, đặc biệt khi tính đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI). CPI khi đó chỉ còn 6,04%, mức thấp nhất mà quốc gia này có được sau nhiều thập kỷ.
 
Khu vực Mekong, trong đó Việt nam có vai trò đầu tàu, đang tham gia vào một vành đai chiến lược về chế tạo cho các tập đoàn đa quốc gia, theo Eugenia Victorino, một nhà kinh tế đóng tại Singapore thuộc tập đoàn Ngân hàng ANZ. Tập đoàn Intel chẳng hạn, gần đây đầu tư hơn 1 tỷ đôla cho một nhà máy mới.
 
Bề ngoài, ông Dũng và các cộng sự phải đối mặt với những thách thức đáng kể. Mặc dù trình độ học vấn đạt trên 93%, lực lượng lao động trẻ  của Việt Nam cần rất nhiều đào tạo cho nền kinh tế của thế kỷ 21. Cùng lúc, các nhà lập chính sách phải đồng bộ các biện pháp thu hút đầu tư nước ngoài, cải thiện năng suất và hiệu năng lao động, hiện đại hóa thể chế quản lý, cải cách các doanh nghiệp nhà nước, xây dựng hạ tầng quốc gia, và điều chỉnh bảng cân đối tài chính của các ngân hàng gặp rắc rối. Và đó mới chỉ là bắt đầu. Khi mà Trung quốc đang lên gân lên cốt để khẳng định vai trò một siêu cường khu vực, căng thẳng lại vừa gia tăng tại biển Đông
 
Những chỉ trích đối với Hà Nội đều tập trung vào tốc độ cải cách chậm chạp một cách khó chịu và hệ thống tham nhũng đang lan rộng. Đối với người ngoài cuộc, những tranh luận này không phải hoàn toàn không có lợi. Dù sao, bạn có thể hình dung Việt Nam làm sao có được ngày hôm nay nếu không có tài thao lược sắc sảo, quyết tâm kiên trì và thái độ quyết liệt-vững vàng để có được tương lai hòa bình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
 
Giống như khắp Á châu, tuần trước người Việt nam nghỉ đón năm mới âm lịch, thường được gọi là Tet. Khi đó người Việt nam thường hồi tưởng năm qua họ đã đi bao xa và đã đạt được tiến bộ gì. Và khi họ đặt ra cam kết cho tương lai chung của mình, họ cũng biết còn nhiều việc phải làm.
 
Theo Huffington Post