1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Bang giao Úc - Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc

Thời gian qua, nhiều chuyên gia phân tích chính trị nhận định, Úc hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong chính sách đối ngoại.

Một mặt, quốc gia này đang phát triển quan hệ thương mại tương đối êm đẹp trên nhiều phương diện với Trung Quốc. Mặt khác, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Bắc Kinh mang đến những thách thức an ninh tại khu vực, khiến cho Canberra cảm thấy “chênh vênh” và cần sự hỗ trợ từ các đồng minh để “kiềm chế” sức mạnh quân sự đang gia tăng tại vùng biển châu Á của Bắc Kinh.

Theo đó, Úc sẽ cần phải tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ chặt chẽ với Mỹ như là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích và tự do hành động của mình trong một khu vực đầy biến động mà Trung Quốc là trung tâm.

Nguy cơ thường trực

Trong Sách trắng quốc phòng được công bố cho 10 năm tới, chính phủ Thủ tướng Malcolm Turnbull dự kiến chi 195 tỉ AUD cho tăng cường vũ trang, và sẽ coi tiềm lực quân sự là sự đảm bảo đáng tin cậy nhất cho an ninh của mình. Phần lớn dự chi này được dành để mua sắm thêm 12 tàu ngầm hiện đại mới và nhiều tàu chiến, tên lửa, nên có thể thấy chủ ý tăng cường vũ trang này phù hợp với chiều hướng tăng cường vũ trang đang phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ngoài ra, quân đội Úc cũng sẽ tăng thêm 62.400 nhân lực, lớn nhất kể từ năm 1993. Đầu tư vào an ninh mạng cũng sẽ nhận thêm 1,6 tỉ AUD được dùng cho việc phát triển các vũ khí và công nghệ mới.

Chính phủ Thủ tướng Malcolm Turnbull hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong chính sách đối ngoại.
Chính phủ Thủ tướng Malcolm Turnbull hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong chính sách đối ngoại.

Đáng được chú ý hơn ở trong văn kiện này là những mối nguy cơ an ninh buộc chính phủ Úc phải dùng việc tăng cường vũ trang để đối phó được nêu đích danh. Điều này phản ánh lo ngại thực sự, chứ không thổi phồng hay chính trị hoá. Nó lý giải động cơ và mục đích ở phía sau chủ ý tăng cường tiềm lực quân sự, không chỉ để bảo vệ bờ biển và vùng biển mà còn nhằm tiến hành các hoạt động quân sự ở những nơi xa hơn.

Chính phủ Úc rõ ràng đã nhìn thấy viễn cảnh tình hình chính trị an ninh nói chung và cục diện quan hệ giữa các quốc gia diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát xung đột.

Bên cạnh những nguy cơ an ninh mà gần như quốc gia nào ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều phải đối phó như khủng bố, biến đổi khí hậu, thiên tai, hay an ninh mạng, Sách trắng quốc phòng của chính phủ Úc chỉ rõ, Canberra cảm thấy bị đe dọa an ninh trực tiếp bởi diễn biến tình hình căng thẳng, luôn tiềm tàng nguy cơ xảy ra đối đầu vũ trang ở khu vực Đông Nam Á (hàm ý ám chỉ Trung Quốc).

Ở nơi đây, Trung Quốc đẩy mạnh tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với một số nước, trở nên quyết liệt và ngang ngược hơn khi bất chấp cả luật pháp quốc tế, đe dọa an ninh và ổn định, tự do đi lại hàng hải và hàng không. Thêm vào đó, Úc cũng lo ngại trước tham vọng chiếm trọn biển Đông, một tuyến giao thương quan trọng của thế giới. Một khi Trung Quốc “bỏ qua” luật pháp quốc tế và ỷ vào sức mạnh thì chỉ với tiềm lực quân sự được nâng cao, Úc mới có thể chủ động bảo toàn được lợi ích của mình ở những khu vực này.

Kề vai sát cánh

Thực tế cho thấy, Úc có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột hàng hải khu vực với đối tác thương mại lớn nhất của mình nếu Trung Quốc tìm cách kiểm soát Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhiều hơn. Là một quốc gia dân cư thưa thớt trên một đại lục rộng lớn, Úc chỉ đơn giản là không có đầy đủ nguồn lực để có thể tự vệ chống lại mối đe dọa an ninh lớn. Vì thế, Úc cần liên minh với một thế lực quân sự mạnh, tốt nhất là với một cường quốc cùng chia sẻ những giá trị và lợi ích của Úc.

Trong lịch sử, sự lựa chọn của Úc là Mỹ - chia sẻ không chỉ các giá trị mà với hầu hết các lợi ích với Úc. Và hơn nữa, Mỹ có thể gìn giữ hòa bình trong khu vực vì đây là cường quốc quân sự vượt trội trong thế kỷ 20...

Theo Thủ tướng Turnbull, kế hoạch chiến lược quốc phòng của Úc được xây dựng dựa trên sự biến đổi của an ninh khu vực, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc và sự chú trọng của Mỹ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Úc đang trở thành vị trí then chốt để Mỹ có kế hoạch duy trì sự hiện diện trong khu vực phòng thủ vững mạnh vì sự gần gũi của Úc với các vùng biển tranh chấp và những khu vực đồn trú của Úc có thể cung cấp cho Mỹ khả năng đối phó với hệ thống tên lửa mới của Trung Quốc.

“Tình bang giao” giữa Úc và Mỹ chỉ có thể được duy trì và phát triển khi hai bên biết cách phối hợp nhịp nhàng và cẩn trọng, nhằm giải quyết các thách thức từ Trung Quốc
“Tình bang giao” giữa Úc và Mỹ chỉ có thể được duy trì và phát triển khi hai bên biết cách phối hợp nhịp nhàng và cẩn trọng, nhằm giải quyết các thách thức từ Trung Quốc

Khó có thể phủ nhận rằng, hợp tác quốc phòng Úc - Mỹ sẽ được tăng cường như việc Washington đã nâng vị thế của Canberra trong các ưu tiên quốc phòng. Điều này có nghĩa là, Mỹ sử dụng và đầu tư nhiều hơn vào các căn cứ quốc phòng, cơ sở đào tạo và dịch vụ hậu cần tại Úc.

Chưa dừng lại ở đó, mức độ hợp tác giữa lực lượng quốc phòng Úc và quân đội Mỹ, vốn đã rất chặt chẽ, sẽ được đẩy lên tầm cao hơn, hình thành lực lượng quân sự hợp nhất Úc - Mỹ. Chính quyền Turnbull cũng sẽ liên minh chặt chẽ với các quốc gia biển của khu vực Đông Nam Á mà cùng chia sẻ mối quan tâm với Úc về môi trường an ninh đang xấu đi ở biển Đông.

Đặc biệt, Úc đang cân nhắc việc thành lập một liên minh hải quân không chính thức với Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, nhằm hiện thực hóa tham vọng sẵn sàng tiến hành hoạt động cứng rắn ở bất cứ nơi nào ngoài biển khơi và ở vùng trời phía trên đó - một lối nói rõ ràng đề cập đến các nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc thâu tóm biển Đông.

Tiến thoái lưỡng nan

Giới phân tích nhận định, Úc đang trong tình huống khó khăn để giữ cân bằng giữa quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, và cần một chính sách ngoại giao khéo léo và tinh tế để có thể cùng lúc “cưỡi hai con ngựa”. Úc trong thời gian qua đã nhiều lần hối thúc Trung Quốc kiềm chế xây dựng và quân sự hóa trên biển Đông. Trái lại, Thủ tướng Turnbull khen ngợi rằng Mỹ sẽ vẫn là nước có sức mạnh quân sự mạnh nhất thế giới trong hai thập kỷ tới.

Theo đó, Washington tiếp tục là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Canberra trong mối quan hệ đồng minh lâu dài với nhiều cam kết “kề vai sát cánh”, và sự hiện diện năng động của Mỹ sẽ là nền tảng cho sự ổn định của khu vực.

“Tình bang giao” giữa Úc và Mỹ chỉ có thể được duy trì và phát triển khi hai bên biết cách phối hợp nhịp nhàng và cẩn trọng, nhằm giải quyết các thách thức từ Trung Quốc. Thế nhưng, tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ có thể đem lại rủi ro.

Một sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ có thể tăng sự giận dữ của Trung Quốc, đặc biệt nếu Úc cho phép sự xuất hiện của tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay của Mỹ, biến Úc trở thành mục tiêu tiềm năng khi có một cuộc xung đột giữa hai siêu cường quốc.

Nhưng nguy cơ này phải được cân đối với lợi ích chiến lược của sự hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, với những thuận lợi đối với Úc, đáng chú ý là sự phòng thủ tốt hơn, chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp hoạt động và tiếp cận với công nghệ quốc phòng tiên tiến.

Chính phủ Turnbull cũng phải lưu tâm rằng, sự vươn lên của Trung Quốc đang tạo nên thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược. Nếu đồng minh Mỹ đang suy giảm và một Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ thì Úc sẽ cần xây dựng một chiến lược ra sao để dung hòa được hai yếu tố này, mà vẫn không rơi vào thế bị động cũng như tận dụng được mối quan hệ quốc phòng với Mỹ?

Úc có nên ủng hộ cường quốc đang lên, hoặc ít nhất là trở nên “mềm mại hơn” với toan tính chiến lược và kỳ vọng của Trung Quốc? Rất khó để điều này xảy ra, khi một thăm dò gần đây cho thấy đa số người dân Úc phản đối việc chấp nhận quân sự hóa của Trung Quốc đối với các tranh chấp trên các quần đảo ở biển Đông.

Bên cạnh đó, Úc cũng không thể bãi bỏ hoặc nới lỏng các mối quan hệ quốc phòng với Mỹ để trở nên độc lập hơn, bất chấp một số ý kiến cho rằng Canberra cần thoát ra khỏi “chiếc dù” an ninh bảo vệ của nước Mỹ để tránh bị vướng vào những cuộc chiến tranh không đáng có trong tương lai.

Lựa chọn tốt hơn cả là nên gần gũi hơn với đồng minh lâu năm, để đảm bảo an ninh trong một thế giới thù địch và sẵn sàng phòng bị chống lại khả năng trỗi dậy của một Trung Quốc đầy tham vọng và toan tính. Khi Trung Quốc ngày càng gia tăng thách thức đối với trật tự đã được thiết lập tại châu Á và sự bất ổn địa chính trị trong khu vực đang leo thang, Úc không thể hành động một mình...

Theo Hồng Hạnh

An ninh thế giới