1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

“Bạn” với Mỹ, “thân” với Nga, vì sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đơn độc ở Syria?

Sau khi cố gắng “làm vừa lòng tất cả các bên”, Tổng thống Erdogan không nghĩ rằng ông sẽ phải đứng một mình trong cuộc chiến ở Syria.

Đồng minh “ngoảnh mặt làm ngơ”

Trong nỗ lực thực hiện các mục tiêu ở Syria và ngăn cản chiến dịch tấn công của lực lượng Tổng thống Assad, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hầu như có rất ít người bạn để tìm kiếm sự ủng hộ, bất chấp việc nước này là đồng minh của Mỹ và NATO cũng như là đối tác quan trọng của Nga trong nhiều lĩnh vực từ năng lượng đến quân sự.

“Bạn” với Mỹ, “thân” với Nga, vì sao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đơn độc ở Syria? - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin lắng nghe Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan phát biểu tại một cuộc gặp ở Sochi vào tháng 10/2019. Ảnh: Reuters

Ở phía bắc Syria trong những tuần qua, giao tranh liên tiếp nổ ra giữa lực lượng đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ và quân đội chính phủ Syria được Nga hậu thuẫn. Ông Erdogan mặc dù cố gắng nhưng đã thất bại trong việc kích hoạt Điều 5 Hiến chương NATO với hy vọng sẽ đưa các đồng minh châu Âu và Mỹ đứng cùng 1 chiến tuyến với mình.

Trong khi đó, sau khi nhiều binh lính Thổ Nhĩ Kỳ thương vong trong các cuộc xung đột với quân đội Syria, ông Erdogan đã mở cửa biên giới với Hy Lạp, tuyên bố nước này sẽ không giữ những người di cư và người tị nạn muốn đến châu Âu nữa. Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã cáo buộc ông Erdogan sử dụng người tị nạn để "tống tiền" phương Tây nhằm buộc các nước này ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ.

"Nếu các nước châu Âu muốn giải quyết vấn đề này, họ phải ủng hộ các giải pháp chính trị và nhân đạo mà Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực đạt được ở Syria", ông Erdogan nhận định.

Tuy nhiên, một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang nhen nhóm ở biên giới phía tây Thổ Nhĩ Kỳ khi lực lượng biên giới Hy Lạp đẩy hàng nghìn người di cư quay trở lại Thổ Nhĩ Kỳ và ngăn cản họ vào châu Âu tuần trước.

Từ cuối tuần trước, gần 136.000 người di cư đã đến Hy Lạp, Bộ trưởng Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong khi Hy Lạp thông báo nước này đã ngăn cản 27.832 người nỗ lực vượt biên và bắt giữ 220 người đã vượt biên thành công.

Các nhà phân tích cho rằng động thái trên đã cho thấy sự tuyệt vọng của Tổng thống Erdogan, đặc biệt khi ông không nhận được sự hỗ trợ như mong muốn từ phía NATO.

Mỹ trước đó đã từ chối yểm trợ trên không cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến ở Syria nhưng sau đó đã đề nghị hỗ trợ Ankara về đạn dược và cứu trợ nhân đạo. Dù vậy, động thái trên của Mỹ cho thấy nước này không muốn tiếp tục lún sâu và cuộc chiến ở Syria cùng với Thổ Nhĩ Kỳ.

Sai lầm từ chiến lược “làm vừa lòng tất cả các bên”

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Nga Putin từng 2 lần đạt được thỏa thuận ở Idlib tại các Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 10/2019 và tháng 9/2018.

Vào thời điểm đó, "Tổng thống Putin có lẽ phải thuyết phục Tổng thống Assad đưa ra nhượng bộ bởi ông không muốn có thêm bất kỳ thương vong nào từ phía Nga hoặc quân đội Syria".

Tuy nhiên, khi mà Tổng thống Erdogan đang đối mặt với sức ép trong nước ngày càng gia tăng và sau khi quân đội Syria giành lại được thị trấn chiến lược nối các tuyến đường quốc lộ quan trọng giữa thủ đô Damascus với các thành phố Aleppo và Latakia, mọi chuyện đã khác. "Nga dường như không sẵn sàng nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ", Nihat Ali Ozcan, một nhà chiến lược tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách kinh tế tại Ankara nhận định. Thay vào đó Moscow muốn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải rút về phía biên giới.

Tổng thống Putin đã từ chối đề nghị gặp mặt của Tổng thống Erdogan, đầu tiên là tại Istanbul và sau đó là với các nhà lãnh đạo Pháp và Đức. Tổng thống Erdogan sau đó đã đích thân tới Moscow để gặp riêng nhà lãnh đạo Nga.

Tom Luongo - một nhà phân tích chính trị độc lập nhận định với Sputnik rằng: "Tôi nghĩ ông ấy ấy phải rất khéo léo trong cách ứng xử với cả Mỹ và Nga nhằm tránh để 2 nước này đạt được điều ông ấy muốn, nhất là khi "chơi" với cả 2 bên mà vào những thời điểm chiến lược, 2 bên đó lại đối đầu với nhau. Ông ấy phải thay đổi liên tục. Một tuần ông ấy "thủ thỉ" yêu cầu ông Putin ngăn cản chiến dịch của chính phủ Syria, đến tuần sau, ông ấy lại yêu cầu Tổng thống Mỹ Donald Trump triển khai hệ thống tên lửa Patriot tới biên giới phía nam nước này", chuyên gia Luongo cho biết.

Theo nhà phân tích này, khi Tổng thống Erdogan thành công trong việc thiết lập khu vực phi quân sự vào tháng 9/2018 sau khi tấn công Idlib hồi đầu năm đó, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tin rằng ông có thể thiết lập 1 biên giới phía nam mới của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách này.

"Tôi nghĩ ông Erdogan đã quá mạnh tay và giờ thì ông ấy đang tuyệt vọng. Hãy nhớ rằng cách đây 2, 3 năm, vào thời điểm sau cuộc đảo chính năm 2016, tỷ lệ ủng hộ của ông ấy vẫn rất mạnh. Tuy nhiên, ông ấy đã thua ở 2 khu vực quan trọng trong cuộc bầu cử ở Thổ Nhĩ Kỳ trong vòng 12 tháng qua - một ở Istanbul và một ở Ankara. Cuộc bỏ phiếu gần đây nhất cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ông ấy ở mức thấp, chỉ khoảng trên dưới 40%".

Bên cạnh chiến trường Syria rối ren, Tổng thống Erdogan đang đối mặt với nhiều vấn đề trong nước từ tài chính, thất nghiệp gia tăng đến lạm phát...

"Giờ thì ông ấy tới Moscow để nỗ lực có 1 thỏa thuận với Tổng thống Putin nhằm đạt được điều gì đó ở Syria nhằm cứu vãn thể diện và duy trì quyền lực. Nhưng tôi không nghĩ ông Putin sẽ cho ông ấy bất cứ thứ gì bởi suy cho cùng, ông Putin không cần ông Erdogan. Ông ấy cần Thổ Nhĩ Kỳ. Theo quan điểm của tôi, mọi người đều mệt mỏi với một người muốn làm vừa lòng tất cả các bên cho dù các bên đó đối đầu với nhau, và rồi bản thân ông ấy cũng sẽ thấy mình bị mắc kẹt giữa 2 nước lớn, vốn đều mệt mỏi bởi trò chơi này”, chuyên gia Luongo cho biết.

Mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ và thái độ của Nga

Đối diện với việc số binh lính Thổ Nhĩ Kỳ thương vong ngày càng tăng ở tỉnh Idlib và một làn sóng người tị nạn mới, Tổng thống Erdogan không mong gì hơn trong thời điểm này ngoài một lệnh ngừng bắn.

Trong tháng qua, quân đội Syria và Thổ Nhĩ Kỳ giao tranh liên tục cả trên bộ lẫn trên không, gây ra thương vong lớn cho cả 2 bên. Với Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi cử hàng nghìn binh lính Syria trong một vài tuần, Tổng thống Erdogan đã sớm thấy "cái giá" của chiến tranh: 58 binh lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng trong tháng qua với 33 quân nhân chết trong 1 cuộc không kích tuần trước.

Mục tiêu hàng đầu của ông Erdogan hiện nay còn là ngăn cản làn sóng nhập cư mới vào Thổ Nhĩ Kỳ. Quân bài chính để ông đàm phán với Tổng thống Putin là việc Thổ Nhĩ Kỳ hiểu được mong muốn của Moscow trong việc thắt chặt quan hệ với Ankara nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.

Thực tế là sau cuộc không kích của quân đội Syria khiến Thổ Nhĩ Kỳ thương vong nặng nề hồi tuần trước, Nga đã "đứng sang một bên" ngầm "bật đèn xanh" để máy bay không người lái và chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Syria tạm thời như một cơ hội để Ankara giữ thể diện. Tuy nhiên, ngày 2/3, Nga đã hỗ trợ Syria giành lại thị trấn chiến lược Saraqeb. Quân cảnh Nga cũng đã nhanh chóng tiến vào thị trấn này - một dấu hiệu rõ ràng nhằm ngăn cản mọi nỗ lực giành lại khu vực này của Thổ Nhĩ Kỳ.

Soner Cagaptay - Giám đốc Viện Chính sách Cận Đông Washington nhận định Nga sẽ đưa ra một thỏa thuận dựa trên tình hình thực địa, phản ánh qua những thành quả quan trọng mà chính quyền Tổng thống Assad giành được mặc dù điều đó đi ngược với mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Erdogan muốn quay lại các điều khoản của thỏa thuận năm 2018 và yêu cầu Tổng thống Assad dừng tấn công. Tuy nhiên, thật khó để Nga đồng ý tất cả những yêu cầu này, chuyên gia này bình luận.

Cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều nói rằng họ hy vọng sẽ tránh xung đột quân sự trực tiếp nhưng sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng Syria do Nga ủng hộ và quân cảnh Nga hậu thuẫn chính phủ Syria giành lại thị trấn chiến lược từ những kẻ nổi dậy mà Ankara hỗ trợ, cả 2 đều thừa nhận nguy cơ này.

"Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định xung đột với Nga và Nga cũng không muốn điều này. Những trên chiến trường, đó lại là chuyện khác. Vấn đề này rất phức tạp khi mà chỉ 1 tai nạn cũng có thể là nguy cơ lớn nhất dẫn đến chiến tranh", 1 quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ nhận định.

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên có quân đội lớn thứ 2 NATO trong khi Nga là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, có 1 căn cứ không quân lớn ở Syria và đã triển khai nhiều tàu chiến đến Địa Trung Hải tuần trước.

"Nga đang có lập trường rất cứng rắn và thể hiện rằng nước này sẵn sàng cho 1 cuộc xung đột. Một cuộc tấn công vào Saraqeb sẽ là một cuộc tấn công vào Nga", cựu nghị sĩ Nga Sergey Markov khẳng định.

Theo Kiều Anh

VOV.VN