1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa 12 Trung Quốc:

"Bài kiểm tra" đầu tiên của ông Tập Cận Bình

(Dân trí) – Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với bài kiểm tra đầu tiên về việc thúc đẩy chống tham nhũng, nâng cao chất lượng cuộc sống và xây dựng xã hội công bằng khá giả.

Ông Tập Cận Bình (chính giữa hàng đầu) bước vào kỳ họp với bộn bề khó khăn trước mắt.
Ông Tập Cận Bình (chính giữa hàng đầu) bước vào kỳ họp với bộn bề khó khăn trước mắt.


Đại hội đại biểu toàn quốc (Quốc hội) khóa 12 của Trung Quốc đã chính thức khai mạc kỳ họp đầu tiên vào ngày hôm qua, chỉ hai ngày sau khi Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) cũng chính thức khai mạc. Chính hiệp là cơ quan cố vấn chính trị hàng đầu của Đảng cộng sản và chính phủ Trung Quốc.  

Theo kế hoạch, trong kỳ họp này, Quốc hội Trung Quốc sẽ bổ nhiệm các vị trí hàng đầu trong chính phủ, đồng thời thông qua nhiều chính sách quan trọng đã được nhà lãnh đạo Tập Cận Bình coi là ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

Kỳ họp diễn ra trong bối cảnh nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã có nhiều bước củng cố quyền lực vững chắc sau 3 tháng lên nắm quyền lực và chính phủ Trung Quốc vừa quyết định sử dụng thêm nhiều nguồn lực quốc gia để tạo ra các lợi ích xã hội đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của dân chúng và khỏa lấp tâm trạng bất bình gia tăng trước tình trạng đấu đá chính trị nội bộ ở giới chóp bu.

Trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp do Thủ tướng Ôn Gia Bảo đọc nhưng được hiểu chính là những chính sách ưu tiên của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc đã công bố nhiều số liệu quan trọng, bao gồm các khoản chi cho quốc phòng và an ninh quốc gia. Trong hơn 2 thập kỷ qua, chi tiêu quốc phòng hàng năm của Trung Quốc luôn tăng ở mức 2 con số và hiện đã lên tới 670,2 tỷ Nhân dân tệ (106,4 tỷ USD), tăng 11,2%, tương đương 67 tỷ Nhân dân tệ so với năm 2011.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, mức tăng chi tiêu quân sự trong năm 2013 sẽ là "phong vũ biểu" thể hiện mối quan hệ phức tạp giữa ông Tập Cận Bình và giới quân sự vốn có ảnh hưởng rất mạnh về mặt chính trị tại Trung Quốc.

Nếu mức tăng chi tiêu quân sự lớn, điều đó cho thấy ông Tập Cận Bình muốn tăng cường ủng hộ Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại thời điểm nước này đang có những tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với các nước láng giềng và muốn làm giảm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực.

Ngược lại, nếu chi tiêu cho quân sự tăng ít, điều đó có nghĩa ông Tập Cận Bình đã có được sự ủng hộ đủ mạnh từ quân đội khiến ông không cần phải tăng thêm kinh phí để lấy lòng họ.

Giáo sư Nghê Lạc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quyền lực biển và Chính sách Quốc phòng thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Thượng Hải, cho rằng mức tăng ngân sách cho quân sự nên bằng hoặc cao hơn năm ngoái do Trung Quốc đang có căng thẳng với một loạt nước ở cả Hoa Đông và Biển Đông.

“Tình hình càng trở nên nghiêm trọng bao nhiêu thì quân đội càng phải giữ vai trò quan trọng và có địa vị cao bấy nhiêu. Địa vị đó bao gồm cả về quân sự, xã hội và chính trị”, ông Nghê Lạc Hùng nói.

Lên nắm quyền từ tháng 11/2012 sau các vụ bê bối chính trị khiến hình ảnh của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc xấu đi nghiêm trọng, ông Tập Cận Bình đang cố gắng gây dựng hình ảnh ấn tượng với người dân Trung Quốc nhờ vào những tuyên bố thẳng thắn chống tham nhũng, cam kết thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, cải thiện công bằng xã hội và giải quyết vấn đề chất lượng cuộc sống… . Tuy nhiên, thời kỳ "trăng mật" đang dần trôi qua và hiện công chúng Trung Quốc đang mong đợi những chính sách cụ thể sẽ được hiện thực hóa từ những cam kết được đưa ra, dẫu biết sẽ có rất nhiều gian nan.

"Dù là 'xã hội hài hòa' hay 'một Trung Quốc tươi đẹp', đây đều là những mục tiêu lý tưởng hóa mà họ dựng lên, là cuộc sống mà ông Tập Cận Bình đề cập tới. Thách thức hiện nay là nhìn vào đâu người ta cũng có thể thấy Trung Quốc còn lâu mới trở thành một xã hội hài hòa hay tươi đẹp", Dali Yang - một chuyên gia chính vị về Trung Quốc tại Đại học Chicago – nói.

Dự kiến, trong kỳ họp kéo dài 13 ngày, Quốc hội Trung Quốc sẽ chính thức bầu ông Tập Cận Bình làm Chủ tịch nước mới của Trung Quốc, đồng thời thông qua việc chỉ định các vị trí hàng đầu trong chính phủ, trong đó có ông Lý Khắc Cường trên cương vị Thủ tướng. Ngoài ra, Quốc hội cũng sẽ bổ nhiệm các bộ trưởng và hoàn thành quá trình chuyển giao lãnh đạo được thực hiện 10 năm một lần vốn đã được khởi động từ tháng 11/2012 với việc đưa ông Tập Cận Bình và nhiều nhận vật khác vào Bộ Chính trị.

Vì vậy, kết quả của kỳ họp cũng sẽ giúp đánh giá khả  năng dẫn dắt của tân lãnh đạo Tập Cận Bình trong bối cảnh chính trị nội bộ có nhiều chia rẽ, cũng như trong việc liệu ông có thể đưa những “đồng minh” của mình vào các vị trí quan trọng giúp ông có thêm sự ủng hộ đối với các chính sách sẽ được thực thi trong tương lai.

Được biết, trước kỳ họp, ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã phê chuẩn danh sách các chức vụ hàng đầu trong chính phủ mới theo hướng “phân chia quyền lực giữa chính phủ với giới doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các cơ quan xã hội và các nhóm xã hội” nhằm thúc đẩy cải cách theo định hướng thị trường, giảm bớt nạn quan liêu và hạn chế sự can thiệp của chính phủ vào thị trường. Chi tiết cụ thể của nỗ lực tái cơ cấu chính phủ chưa được công bố, nhưng theo các nguồn tin, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ thúc đẩy thành lập các “siêu bộ” chịu trách nhiệm phối hợp với hệ thống cơ quan trung ương “sốc” lại hoạt động của các ngành lớn như vận tải, truyền thông, năng lượng, tài chính và y tế.

Tất nhiên, tiến hành cải cách ở một nước lớn như Trung Quốc không bao giờ là một việc đơn giản, đặc biệt khi tiến trình cải cách ấy chắn chắn sẽ động chạm đến không ít “cây đa, cây đề” trong xã hội. Vì vậy, không ít người bày tỏ lo ngại về khả năng ông Tập Cận Bình - con trai của một nhà cách mạng kỳ cựu – sẽ có đủ ý chí chính trị đương đầu với những lợi ích sống còn của giới chóp bu trong chính trường Trung Quốc. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi danh tiếng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bị lung lay, khi những khái niệm về một xã hội Trung Quốc cường thịnh và thái bình đang bị lu mờ trước những lợi ích nhóm, thì việc đáp ứng nguyện vọng của người dân mới là vấn đề  mấu chốt, quyết định sự thành bại của "cặp đôi" Tập Cận Bình - Lý Khắc Cường.

Việt Giang