1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ba kịch bản tấn công của Tổng thống Trump và tương lai của Syria

(Dân trí) - Dù là một cuộc không kích chớp nhoáng hay một trận chiến kéo dài, những hệ quả mà Syria phải gánh chịu nếu xảy ra một cuộc tấn công quân sự sau cảnh báo cứng rắn của Tổng thống Donald Trump cũng rất khó lường.

Nhân viên cứu hộ bế một đứa trẻ bị thương trong vụ ném bom ở Đông Ghouta hồi tháng 1 (Ảnh: Getty)
Nhân viên cứu hộ bế một đứa trẻ bị thương trong vụ ném bom ở Đông Ghouta hồi tháng 1 (Ảnh: Getty)

Tổng thống Donald Trump gần đây liên tục phát đi những cảnh báo cứng rắn với chính quyền Syria sau khi cáo buộc Damascus, với sự hậu thuẫn của Nga, gây ra vụ tấn công bằng vũ khí hóa học khiến 70 người thiệt mạng tại thị trấn Douma, Đông Ghouta hôm 7/4. Nhà lãnh đạo Mỹ cho đến nay vẫn chưa công bố quyết định cuối cùng về việc sẽ đáp trả Syria như thế nào, từ đó làm dấy lên nhiều đồn đoán về những phương án mà ông có thể lựa chọn cũng như những hệ quả xảy ra sau đó đối với Syria.

Cuộc không kích “dằn mặt”

Liên quan tới việc giải quyết vấn đề Syria, lựa chọn dễ dàng nhất và có khả năng xảy ra cao nhất hiện nay là Mỹ sẽ tiến hành một cuộc không kích ngắn hạn và mang tính biểu tượng như cách nước này từng làm một năm trước đây.

Tháng 4/2017, Tổng thống Donald Trump đã phát lệnh tấn công căn cứ quân sự của Syria sau khi cáo buộc lực lượng chính phủ Syria tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học tại khu vực Khan Sheikhoun khiến ít nhất 90 người thiệt mạng. Khoảng 60 tên lửa Tomahawk phóng từ tàu khu trục của Mỹ trên Địa Trung Hải đã nhắm mục tiêu tới căn cứ không quân Shayrat - nơi Mỹ cho rằng các máy bay chiến đấu của Syria đã xuất kích để thả chất hóa học xuống vùng Khan Sheikhoun.

Đây là cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên của Mỹ nhằm vào chính quyền Syria và cuộc không kích này đã phá hủy một đường băng, các máy bay và trạm nhiên liệu tại căn cứ Shayrat. Vào thời điểm đó, Mỹ được dự đoán sẽ tham gia vào cuộc chiến có quy mô lớn hơn tại Syria và có thể sẽ thay đổi cục diện của cuộc chiến tại quốc gia Trung Đông này.

Tuy nhiên, cuộc không kích của chính quyền Trump rốt cuộc chỉ là hành động quân sự chớp nhoáng và tác động của nó cũng không kéo dài. Những thiệt hại của cuộc không kích này hầu hết chỉ giới hạn trong phạm vi của căn cứ không quân. Một năm sau đó, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad vẫn tại nhiệm với vị thế thậm chí còn mạnh hơn trước. Các lực lượng chính phủ đã tăng cường quyền kiểm soát trên toàn bộ lãnh thổ Syria và đánh bật các phiến quân nổi dậy khỏi các thành trì quan trọng.

Trong bối cảnh các lực lượng quân sự của Nga vẫn đang tiếp tục hỗ trợ chính quyền Assad cũng như các lực lượng do Iran hậu thuẫn, một cuộc tấn công đơn lẻ bằng tên lửa của Mỹ ở thời điểm hiện tại khó có thể mang lại bất kỳ tác động nào tới cục diện cuộc chiến tại Syria. Tuy nhiên, việc tiến hành một cuộc không kích, dù là chóng vánh, cũng đã gây ra tổn thất nhất định cho chính quyền Syria, đồng thời phát đi một thông điệp tới Tổng thống Assad cùng các lực lượng ủng hộ ông rằng, Syria sẽ tiếp tục phải hứng chịu những đòn trừng phạt tương tự nếu bị nghi ngờ tái sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường.

Để kiềm chế phản ứng của Mỹ và giữ cho tình hình chỉ dừng lại ở một cuộc không kích đơn lẻ, Nga cần phải có thêm những bước đi quyết liệt hơn để giữ cho chính quyền của Tổng thống Assad luôn ổn định.

Cuộc chiến đối đầu với Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (Ảnh: AP)

Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể lựa chọn phương án khác nhiều rủi ro hơn khi xử lý vấn đề Syria, đó là tiến hành cuộc tấn công có quy mô lớn hơn và kéo dài hơn, chứ không chỉ dừng lại ở một cuộc không kích ngắn hạn. Cuộc tấn công này đương nhiên sẽ gây ra thiệt hại lớn hơn cho Tổng thống Assad khi phá hủy các cơ sở hạ tầng thiết yếu của quân đội và chính phủ Syria.

Theo nhận định của Mỹ, quốc gia vẫn cáo buộc chính quyền Syria gây ra các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học, một cuộc chiến dài hơi rốt cuộc sẽ buộc Damascus phải dừng các cuộc tấn công hóa học nhằm vào dân thường ở những vùng do phe nổi dậy kiểm soát, hoặc thậm chí cả ở những khu vực đã được giải phóng khỏi các tay súng phiến quân. Tuy nhiên, cuộc tấn công này cũng tiềm ẩn một nguy cơ, đó là kéo Mỹ và Nga vào một cuộc xung đột trực tiếp, từ đó khiến quy mô cuộc xung đột leo thang ra ngoài biên giới của Syria.

Việc Mỹ hậu thuẫn cho các chiến binh người Kurd càng thổi bùng lên ngọn lửa xung đột giữa các nhóm người Kurd với Thổ Nhĩ Kỳ - nước từng đưa quân tới bắc Syria để chiến đấu với các lực lượng người Kurd. Theo nhà nghiên cứu Emma Ashford tại Viện nghiên cứu Cato ở Washington, một cuộc chiến kéo dài của Mỹ tại Syria có thể chấm dứt các cuộc tấn công hóa học ở đây, song lại dẫn đến một cuộc nội chiến dai dẳng hơn.

Nếu Mỹ lựa chọn kịch bản này, người dân Syria chắc chắn sẽ phải trả cái giá cao nhất và máu sẽ đổ nhiều hơn trên mảnh đất Trung Đông. Những người dân Syria được cứu thoát khỏi nguy cơ tấn công của khí độc, nhưng lại phải chết vì những lý do khác. Ngoài ra, những thiệt hại về nhà cửa, bệnh viện và trường học chắc chắn sẽ không thể tránh khỏi.

Chiến tranh tổng lực

Một viễn cảnh tồi tệ nhất là xảy ra cuộc chiến tranh toàn diện, vượt ra khỏi biên giới Syria và liên quan tới nhiều cường quốc quân sự trên thế giới. Anh và Pháp từng ngỏ ý ủng hộ các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào Syria trong khi ở bên kia chiến tuyến là sự hiện diện của Nga và Iran. Ngoài các nước trên, Israel được cho là cũng sẽ tham gia vào cuộc xung đột sau khi nước này tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các máy bay không người lái của Iran tại Syria gần đây. Sự leo thang của cuộc xung đột giữa nhiều bên này có thể là điềm báo cho chiến tranh thế giới thứ ba.

Trong quá khứ, Mỹ từng có hành động can thiệp tương tự vào tình hình ở Libya. Sau khi chế độ Muamar Gaddafi sụp đổ, người ta chỉ còn thấy ở đây sự gia tăng của những vụ bạo lực thánh chiến, các cuộc chiến sắc tộc và sự bất ổn kéo dài về chính trị trong suốt nhiều năm. Nếu kịch bản tương tự xảy ra với chính quyền Tổng thống Assad, hệ quả có thể sẽ còn phức tạp hơn nhiều.

“Khoảng trống quyền lực sau sự ra đi của ông Assad sẽ chỉ càng khiến cho cuộc xung đột hiện tại (ở Syria) thêm trầm trọng, đồng thời nuôi dưỡng những điều kiện thuận lợi cho các phần tử cực đoan”, David Alpher, giáo sư tại Trường Phân tích và Giải quyết Xung đột, Đại học George Mason, nhận định.

Thành Đạt

Theo ABC