1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

ASEAN tìm cách kéo kinh tế khỏi vòng xoáy khủng hoảng

(Dân trí) - Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 14 bắt đầu nhóm họp hôm nay tại Hua Hin (Thái Lan), sẽ tập trung vào vấn đề xác định đáp án cho mô hình kinh tế mà lâu nay các nước trong khối áp dụng và từng đem lại sự tăng trưởng ngoạn mục cho khu vực.

ASEAN tìm cách kéo kinh tế khỏi vòng xoáy khủng hoảng - 1
Mô hình cũ và hệ quả

Những tin xấu về khủng hoảng kinh tế trên thế giới càng lúc càng dồn dập. Toàn cảnh u ám đó lại càng đẩy lùi khả năng vực dậy của các nền kinh tế châu Á tăng trưởng nhờ xuất khẩu, một lĩnh vực đang trong vòng khốn quẫn.

Cơn lốc khủng hoảng, sau khi đã làm cho người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu không còn sức mua như trước, đã khiến cho cả dây chuyền sản xuất và xuất khẩu ở Đông Nam Á bị tan vỡ. Tình hình Nhật Bản, cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới có thể được coi là thí dụ điển hình của các khó khăn mà châu Á đang gặp phải. Nước này đã lâm vào suy thoái và đà tuột dốc sẽ còn tiếp diễn. Tình hình Hàn Quốc cũng nguy ngập không kém. Nhìn đến đà tăng trưởng của 5 nước tiên tiến nhất trong số 10 thành viên ASEAN (gồm Malaysia, Singapore, Indonesia, Philippines và Thái Lan), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán tỷ lệ tăng trưởng năm 2009 chỉ bằng một nửa so với thành tích vốn đã èo uột của năm ngoái: sẽ chỉ đạt 2,7% thay vì 4,2% như đã thông báo vào tháng 11/2008.

Một định chế tài chính đa quốc gia khác là Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đưa ra nhận định không mấy lạc quan hơn. Tình hình đặc biệt xấu đi một cách rất nhanh chóng kể từ ba tháng cuối năm 2008. Bên cạnh đó, giá trị tiền tệ của nhiều nước trong khu vực tuột dốc trầm trọng so với USD: chẳng hạn như đồng won Hàn Quốc mất giá 37%, đồng rupia của Indonesia là 23%. Tiền của các nước trong vùng có nguy cơ còn sụt giảm thêm nữa nếu đầu tư trực tiếp của Âu Mỹ cứ cạn dần.

ASEAN đã tránh được tác động trực tiếp của khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng đang phải đối phó với những hiệu ứng phụ của cơn bão đã đánh gục nhiều tập đoàn tài chính của Âu - Mỹ hồi tháng 9 vừa qua.

Một số thành viên hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan hay Malaysia đã tung ra nhiều kế hoạch vực dậy kinh tế, để ngăn chặn đà lây lan của khủng hoảng. Dù vậy, tác động dây chuyền do suy thoái xuất phát từ Mỹ ngày càng đe dọa ASEAN ở những mức độ khác nhau.

Châu Á đang đứng trước một viễn ảnh đen tối. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo hơn 140 triệu người châu Á sẽ bị rơi vào cảnh bần cùng trong năm 2009 trong khi 23 triệu người khác có nguy cơ mất công ăn việc làm do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế.

Theo các nhà phân tích, một trong những nguyên nhân quan trọng kéo các nền kinh tế châu Á đi xuống là xuất khẩu - một trong những động cơ tăng trưởng trong vùng - đã bị sụt giảm nhanh chóng trong những tháng gần đây.

Tìm mô hình mới cùng hy vọng

Trả lời câu hỏi về mô hình mới cho con tàu kinh tế của cả khu vực, yếu tố được nhắc đến nhiều nhất đó là các nước Đông Nam Á nên giảm bớt tỷ trọng của ngành xuất khẩu trong tổng sản phẩm nội địa toàn khối. Giáo sư Masahiro Kawai, chuyên gia của ADB nhấn mạnh đến việc “lấy tiêu thụ nội địa làm cột trụ phát triển”.

Trong khi đó, nhiều nhà phân tích có cùng nhận định rằng ngày nay, các quốc gia vùng đông Á nói chung có những con chủ bài mà các nước phương Tây không có để tìm ra một giải pháp cho cuộc khủng hoảng và vạch ra một mô hình phát triển bớt lệ thuộc vào xuất khẩu: đó là thị trường tiêu dùng nội địa.

Một điểm khác mà cuộc khủng hoảng vạch ra cho các nước Á châu là giải pháp hội nhập vào kinh tế khu vực. Đây là lý do mà thời gian gần đây, người ta thấy Nhật Bản tích cực tăng cường phát triển quan hệ với các nước láng giềng, đặc biệt là với Hàn Quốc và Trung Quốc. Đồng thời Tokyo cũng cam kết quyết tâm giúp các nền kinh tế đang nổi lên ở châu Á vượt qua cơn khủng hoảng bằng cách loan báo là sẽ viện trợ gần 13 tỷ USD cho các nước này.

Có thêm ý kiến, mà đại diện là Tổng giám đốc ADB, cho rằng vi tín dụng là công cụ thích hợp nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng. Ông minh hoạ: chỉ cần tăng trưởng của vùng này tụt giảm một điểm là có 21 triệu người tiếp tục ở trong tình trạng nghèo khổ.

Hy vọng hiện nay của khu vực là, như theo nhận định của Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss Kahn, khi tiến trình hồi phục bắt đầu, các nền kinh tế Châu Á sẽ khởi động nhanh hơn các nước khác. Một số nền kinh tế châu Á rất năng động và còn rất nhiều tiềm năng. Mức tăng trưởng kinh tế của toàn vùng trong năm 2010 sẽ là trên 5%. Tuy nhiên, ông Strauss Kahn nói rằng, sự hồi phục của châu Á sẽ không diễn ra trước các nước phương Tây, tức là cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010. Nhưng để có thể nhanh chóng hồi phục, lời khuyên cho các nước châu Á vẫn là đừng quá phụ thuộc vào xuất khẩu nữa.

Nguyễn Viết
Tổng hợp