1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ xây 44 tuyến đường giáp Trung Quốc để tăng cường phòng phủ

(Dân trí) - Ấn Độ dự dự kiến sẽ chi 2,9 tỷ USD xây 44 tuyến đường sát biên giới Trung Quốc nhằm đảm bảo triển khai lực lượng nhanh chóng trong kịch bản xảy ra xung đột với Bắc Kinh.

 

Ấn Độ xây 44 tuyến đường giáp Trung Quốc để tăng cường phòng phủ - Ảnh 1.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đi bộ trên cầu Bogibeelb - cầu đường sắt dài nhất quốc gia này có thể chịu được tải trọng của xe tăng và máy bay chiến đấu (Ảnh minh họa: Twitter)

 Trang tin Press Trust of India dẫn bản báo cáo của Cục Công chính Trung ương Ấn Độ (CPWD) đưa tin, New Delhi dự kiến sẽ chi gần 3 tỷ USD để xây 44 tuyến đường tại các bang Arunachal Pradesh, Sikkim, Jammu, Kashmir, Uttarakhand, và Himachal Pradesh. Đây là những bang nằm sát với biên giới Trung Quốc.

Các đề xuất trên được cho khá phù hợp với hàng loạt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đã được Thủ tướng Narendra Modi khởi xướng hoặc đẩy nhanh tiến độ tại các bang phía đông bắc Ấn Độ trong 4 năm qua.

Theo nguồn tin, bản đề xuất đã được các ủy ban thuộc Quốc hội Ấn Độ thông qua và đang chờ tín hiệu “bật đèn xanh” từ nội các do Thủ tướng Modi lãnh đạo.

Việc xây dựng các công trình dự kiến sẽ do CPWD hợp tác với tổ chức đường biên giới (BRO), tổ chức trực thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Một số con đường đã được xây dựng ở thời điểm hiện tại. 

Kế hoạch xây đường gần khu vực biên giới dài 4.056km giữa Ấn Độ và Trung Quốc, dường như không được Ấn Độ quan tâm trong 5 thập niên qua cho tới thời gian gần đây. Động thái này được cho là do căng thẳng năm 2017 giữa Trung Quốc và Ấn Độ vì Bắc Kinh xây đường tại khu vực biên giới tranh chấp giữa họ và Bhutan ở cao nguyên Doklam. New Delhi cho rằng, hành động của Bắc Kinh là xâm phạm chủ quyền của Bhutan, trong khi Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.

Theo giới quan sát, 44 tuyến đường xây dựng gần biên giới Trung Quốc sẽ cho phép Ấn Độ triển khai lực lượng nhanh chóng khi xảy ra kịch bản xung đột bùng phát với Bắc Kinh.

Theo ông Jayadeva Ranade, Chủ tịch Trung tâm Phân tích và Chiến lược Trung Quốc (Ấn Độ), việc xây đường mang lại một số lợi ích chính cho New Delhi. Đầu tiên, các con đường sẽ kết nối các khu vực biên giới với khu vực khác, tăng cường thông tin liên lạc và các hoạt động kinh tế. Thứ 2, nó sẽ rút ngắn thời gian triển khai quân sự. Hiện thời, quân đội Ấn Độ thường mất vài ngày để tới được những khu vực hẻo lánh làm nhiệm vụ tuần tra. Thứ 3, việc vận chuyển khí tài quân sự sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều so với hiện tại.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Modi đã khánh thành cây cầu Bogibeel, cầu đường sắt dài nhất Ấn Độ bắc qua sông Brahmaputra ở bang Assam và nằm gần biên giới với Trung Quốc. Với chiều dài 4,9km, cây cầu được thiết kế để chịu được tải trọng của xe tăng chiến đấu nặng nhất trong kho vũ khí của New Delhi (60 tấn). Ngoài ra, máy bay chiến đấu của không quân Ấn Độ, bao gồm cả những chiếc thuộc dòng Sukhoi của Nga sản xuất, cũng có thể cất cánh và hạ cánh dễ dàng trên công trình này.

Ấn Độ đã mất gần 20 năm để hoàn thành cây cầu với khoản chi phí khoảng 800 triệu USD. Đây được coi là động thái của chính phủ New Delhi nhằm củng cố năng lực quốc phòng tại khu vực chiến lược.

Ấn Độ khánh thành cầu "khủng" chịu được xe tăng, máy bay chiến đấu sát vách Trung Quốc

Đức Hoàng

Theo SCMP