1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ - Bài toán khó cho Obama

Narendra Modi sẽ là Thủ tướng tiếp theo ở Ấn Độ, nhưng cho đến tận ngày 16/5 vừa qua, ông vẫn còn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ bởi những cáo buộc liên quan tới làn sóng bạo loạn năm 2002.

Đó là sự phức tạp mới cho mối quan hệ vốn đã sóng gió giữa Mỹ và Ấn Độ, tờ The Christian Science Monitor nhận định trong một bài viết hôm nay (19/5). Báo cho biết, ngày 16/5, Tổng thống Obama đã làm những gì mà tất cả mọi người biết chắc ông phải làm, và mời Narendra Modi tới Mỹ.
Narendra Modi.

Narendra Modi.

Modi là người duy nhất vẫn bị cấm nhập cảnh vào Mỹ theo Đạo luật Tự do Tôn giáo quốc tế. Và đến trước ngày 16/5, chính quyền Obama vẫn chưa chính thức nói rõ liệu lãnh đạo tương lai của nền dân chủ lớn nhất thế giới có được phép tới Washington hay không.

Thực tế đã có một chút chờ đợi. Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong chính sách châu Á của Mỹ và các mối quan hệ giữa hai bên gần đây nhiều trắc trở tới mức việc Nhà Trắng công khai chúc mừng Đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông Modi chiến thắng là điều khó tưởng.

Nhưng việc ông Obama chỉ mời ông Modi tới Washington sau khi đã biết chắc BJP thắng cử đã chứng tỏ một sự miễn cưỡng.

Dù đúng hay không, theo nhiều cách, Modi vẫn là một gương mặt của các cuộc bạo động ở bang Gujarat năm 2002, làn sóng bạo lực tôn giáo thuộc diện tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây ở Ấn Độ. Do vậy, đối với Obama, một vị tổng thống đã dồn tâm trí vươn tới thế giới Hồi giáo, điều đó cho thấy một sự phức tạp trong quan hệ nhiều sóng gió giữa Washington và Delhi.

Câu hỏi đặt ra với Nhà Trắng bây giờ không còn là liệu có "đón nhận" ông Modi hay không, mà phải là đón nhận "như thế nào". Đặc biệt là sau khi dư luận Ấn Độ tức giận trước vụ giới chức Mỹ đối xử với một nhà ngoại giao của nước này ở New York bị buộc tội gian lận thị thực, thì ông Obama phải hành động rất thận trọng.

Lệnh cấm đi lại đối với Modi có từ năm 2005, khi Bộ Ngoại giao ở Washington kết luận Modi không hành động đủ để ngăn chặn các cuộc bạo loạn Gujarat. Lúc đó, ông là lãnh đạo bang Gujarat và những người chỉ trích cho rằng ông đã để cho người Hindu trả thù người Hồi giáo sau khi một con tàu chở người hành hương Hindu bốc cháy. (Những người nổi loạn Hindu tin rằng người Hồi giáo đã đốt con tàu). Hơn 1.000 người đã phải bỏ mạng, và có tới 800 trong số đó là người đạo Hồi.

Modi khẳng định ông đã làm những gì có thể, nhấn mạnh trong một cuộc phỏng vấn với Viện Brookings rằng ông vừa mới được bầu năm trước đó nên quá mới mẻ với chức vụ này.

Thời gian sau đó, chính quyền Obama vẫn không bỏ lệnh cấm thị thực đối với Modi, ngay cả khi nhiều nước phương Tây đã từng bước nối lại quan hệ với ông. Chẳng hạn, Anh đã khôi phục quan hệ vào năm 2012.

Giờ đây, dường như người dân Ấn Độ đang buộc Mỹ phải tiến thêm một bước nữa. Washington sẽ phải đánh giá ông Modi theo cùng cách mà các cử tri nước ông đã nhìn nhận về chính trị gia này.

Trên thực tế, một trong các lý do giúp BJP giành chiến thắng vang dội (282 trong tổng số 543 ghế trong một cuộc bầu cử mà 36 đảng giành ít nhất 1 ghế) là bởi vì đảng này được xem là đã đặt các đường lối xưa cũ của họ lại phía sau.

Theo tin từ Reuters, BJP của Modi đã làm tốt không chỉ ở các quận đông người Hindu mà còn cả những khu vực có nhiều dân Hồi giáo. Bang của Modi thậm chí còn được gọi là "Phép màu Gujarat" nhờ thành công trong nỗ lực dẹp bỏ tệ nạn quan liêu và đảm bảo có điện 24/7 - hiếm có ở Ấn Độ.

"Đây không phải là cuộc bỏ phiếu cho các phe", Syed Mohammed Khalid, một lãnh đạo Hồi giáo ở Tây Bengal, nhận xét với hãng tin Reuters. "Đây là cuộc bỏ phiếu cho sự phát triển và cho việc làm. Chúng tôi tôn trọng phán quyết của người dân, và chúng tôi nghĩ Modi sẽ là một vị lãnh đạo có trách nhiệm".

Những người khác cũng nhất trí rằng Modi và đảng BJP của ông đã chuyển tông và xứng đáng có một cơ hội để chứng tỏ họ đã thay đổi.

Trong số những người mới quay sang ủng hộ Modi có một cựu thẩm phán Tòa án tối cao. Ông này từng dẫn đầu một cuộc điều tra nhằm vào làn sóng bạo loạn năm 2002 và viết rằng, tàn sát là "tội phạm có tổ chức mà lãnh đạo (bang Gurajat) cùng chính quyền của ông ta phạm phải".

Nhưng ngày nay, V.R. Krishna Iyer bày tỏ với trang NDTV: "Nếu Modi có thời từng bênh vực điều gì đó và đã thay đổi nó công khai, thì tôi ủng hộ ông. Nhưng Modi phải công khai điều đó".

Những từ này không có trong thông cáo chính thức của Nhà Trắng nhưng nhiều khả năng chúng nằm trong suy nghĩ của ông Obama.

Theo Thanh Hảo
Vietnamnet