1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ai sẽ “cầm trịch” trên Bán đảo Triều Tiên?

Những thay đổi bất ngờ và khó lường khiến dư luận phải đặt câu hỏi “Ai là người nắm thế chủ động trong ván cờ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên?"

Càng gần đến ngày 1/8, bất chấp những cảnh báo từ Triều Tiên, việc Mỹ-Hàn tập trận chung lại càng làm cho tình hình trên Bán đảo Triều Tiên nóng lên. Trong khi đó, những thay đổi bất ngờ và khó lường thời gian gần đây khiến dư luận phải đặt câu hỏi “Ai là người nắm thế chủ động trong ván cờ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên?”.

 “Nếu Mỹ và Hàn Quốc quyết định tiếp tục các cuộc tập trận chung thì đây không phải là một quyết định hay bởi khi đó, Triều Tiên có thể nói rằng, điều này có thể gây tác động xấu đến Triều Tiên và có thể đẩy tình hình khu vực rơi vào khủng hoảng”, Tiến sỹ Liudmila Kupina, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Quan hệ Quốc tế Primakov, LB Nga nhận định “Cả Mỹ và Hàn Quốc sẽ phải cân nhắc rất kỹ về việc này”.

Ai sẽ “cầm trịch” trên Bán đảo Triều Tiên? - 1

Tiến sỹ Liudmila Kupina nhận định tập trận Mỹ-Hàn có thể đẩy tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng trở lại.

Mỹ và Hàn Quốc sẽ bắt đầu cuộc tập trận vào ngày 1/8 tới đây bất chấp những cảnh báo từ Bình Nhưỡng. Và việc Triều Tiên phóng "vũ khí dẫn đường chiến thuật mới" hôm 25/7 và một số tên lửa không xác định sáng sớm 31/7 được cho là tín hiệu không hài lòng Bình Nhưỡng, nếu không muốn nói là giận dữ đối với cuộc tập trận Mỹ-Hàn sắp tới. Nguồn tin từ giới chức Hàn Quốc cho biết, một trong 2 tên lửa Triều Tiên phóng ra biển sáng 25/7 đã bay được 690 km và là "một loại tên lửa mới" mà Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) chưa từng thấy trước đây.

Có vẻ như vụ phóng tên lửa hôm 25/7 của Triều Tiên là một chiến thuật đàm phán kinh điển khi đối phó với Washington.  “Triều Tiên sẽ không có lý do gì để hài lòng với các cuộc tập trận Mỹ-Hàn bởi các cuộc tập trận này đã diễn ra liên tục trong nhiều năm qua đe dọa an ninh của Triều Tiên”, nhà phân tích Liang Tuang Nah, Đại học Nayang, Singapore phân tích.

Hàn Quốc, từ chủ thể có biến thành khách thể?

Dù Hàn Quốc cố giảm nhẹ quy mô và mức độ, nhưng việc Mỹ vẫn tiến hành cuộc tập trận với Hàn Quốc là vi phạm thỏa thuận của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều tại các Thượng đỉnh trước đó. Tuy nhiên, không phải ngẫu nhiên Seoul vẫn muốn duy trì một cuộc tập trận thường niên như vậy với Washington. “Ngoài chiếc ô an ninh, Hàn Quốc có lẽ còn có những tính toán khác”, nhà phân tích Ian Collins, thuộc Quỹ Trao đổi Choson nhận định. Theo ông Ian Collins. Gần đây có nhiều giả thuyết cho thấy một sự hoán đổi rõ rệt về vị trí trên bán đảo Triều Tiên.

Thời điểm một năm trước, khi thượng đỉnh liên Triều đầu tiên được tổ chức tháng 4/2018 và hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên được tổ chức ở Singapore tháng 6/2018, bầu không khí trên bán đảo Triều Tiên tràn đầy một sự “hồ hởi”. Vai trò cầu nối của Hàn Quốc và cá nhân Tổng thống Moon Jae-In rất rõ rệt. Thậm chí người ta đã nói tới một giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Moon Jae-In. Nhưng một năm sau, việc Mỹ-Triều không đạt được thỏa thuận chung ở hội nghị thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội (tháng 2/2019), đặc biệt là chuyến thăm Triều Tiên “chưa từng có tiền lệ” của ông Tập Cận Bình và cuộc gặp lần 3 kéo dài 50 phút giữa hai nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump mang nhiều hàm ý khác. Một “tam giác ngoại giao mới ” giữa ông Donald Trump-ông Tập Cận Bình và ông Kim Jong-Un đã hình thành. Và điều kỳ lạ là vai trò của Seoul có vẻ như bị tan biến như bong bóng xà phòng.

“Các mối quan hệ đang tiến triển trên mối quan hệ cá nhân giữa Chủ  tịch Kim Jong-Un và Tổng thống Mỹ”, Bộ Ngoại giao Triều Tiên tuyên bố mới đây “Chính quyền Seoul nên quan tâm hơn đến công việc của họ”.

Trả lời câu hỏi của VOV, Tiến sỹ Liudmila Kupina, Viện Nghiên cứu quốc gia Kinh tế và Quan hệ quốc tế Primakov (LB Nga) còn nhấn mạnh “đã có một sự thay đổi quan trọng trong cách tiếp cận của các bên”.

Rất có thể cuộc tập trận Mỹ-Hàn ngày 1/8 tới đây, là thông điệp mà Seoul muốn nhắc nhở Triều Tiên rằng, họ mới là “người anh em” mà Bình Nhưỡng thực sự cần.

Cuộc chơi của các ông lớn?

Ngay trước khi nhậm chức, ông Donald Trump đã nhận được một lời nhắn từ người tiền nhiệm Barack Obama rằng Triều Tiên sẽ là thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất đối với chính quyền mới. Tuy nhiên, hai năm rưỡi sau đó, có vẻ như ông Obama đã đưa ra một cảnh báo thừa, bởi sau hai cuộc gặp thượng đỉnh và một cuộc gặp ngắn 50 phút ở Bàn Môn Điếm, tình bạn cá nhân giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un bất ngờ trở nên thắm thiết.

Có lẽ tiếp tục đối thoại với Triều Tiên là một ý tưởng hay và những khoảnh khắc mang tính biểu tượng như cuộc gặp Trump-Kim hôm 30/6 ở Bàn Môn Điếm có thể giúp các cuộc đàm phán thực chất hơn. Tuy nhiên, có rất ít thay đổi kể từ sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên ở Singapore. Chuyên gia phân tích tại Viện Sejong Cheong Seong-chang nhận định các vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên là một "thông điệp mạnh mẽ" và nên được xem là "một phần động thái phản đối của Bình Nhưỡng" đối với cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn Quốc ngày 1/8 tới.

Không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng rất lớn của Washington đến mối quan hệ hai miền Triều Tiên, tuy nhiên, theo Tiến sỹ Liudmila Kupina, nhà phân tích thuộc Viện nghiên cứu Kinh tế và Quan hệ Quốc tế Primakov, LB Nga cá nhân ông Donald Trump muốn lái các cuộc đàm phán theo ý của mình. “Ông Trump dành rất nhiều sự quan tâm cho vấn đề này và sự tương đồng trong cá tính mạnh mẽ của cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể chính là chìa khóa để cả hai bên tiếp tục đối thoại với nhau”.

Nếu như sự sốt ruột của Bình Nhưỡng là một rủi ro đối với Washington thì nó lại là một cơ hội đối với Bắc Kinh. Không ai khác ngoài Bắc Kinh có thể nắm cơ hội vàng này. “Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với Triều Tiên”, Tiến sỹ Luciano Bolinaga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội, Đại học Abierta Interamericana phân tích.

Ai sẽ “cầm trịch” trên Bán đảo Triều Tiên? - 2

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump gặp nhau ở Bàn Môn Điếm hôm 30/6. Ảnh: BBC

Với vị thế là đối tác thương mại lớn của Triều Tiên cũng như là nước có tác động lớn đối với Triều Tiên từ trước đến nay, Trung Quốc vẫn nhận thấy tiềm năng hợp tác phát triển với Triều Tiên là rất lớn và hoạt động giao thương tại các thành phố dọc biên giới hai nước sẽ trở nên nhộn nhịp hơn nhiều nếu quá trình tái thống nhất 2 miền Triều Tiên diễn ra và lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hoặc thậm chí là nếu việc tái thống nhất 2 miền Triều Tiên không diễn ra mà chỉ có các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ. Như vậy, có thể thấy, Trung Quốc là nước có ảnh hưởng rất lớn đến toàn bộ quá trình này.

Hai vấn đề vướng mắc nhất của Triều Tiên hiện nay là phi hạt nhân hóa và làm sao đủ “cơm no, áo ấm”. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) hôm 26/7 ước tính nền kinh tế Triều Tiên trong năm 2018 đã tăng trưởng âm 4,1%, đà suy giảm mạnh nhất trong 21 năm qua. Nếu không duy trì được chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” và mức sống tối thiểu cho người dân, quyền lực của ông Kim Jong-un có thể bị sụp đổ.

Tất nhiên, Trung Quốc hiểu rõ điều này. Tiến sỹ Luciano Bolinaga nhấn mạnh thêm rằng, Trung Quốc không chỉ quan trọng với Triều Tiên mà còn với cả Hàn Quốc. Ông so sánh ngay từ năm 2001, Trung Quốc và Mỹ đã luôn “rượt đuổi” nhau về ảnh hưởng kinh tế trên bán đảo Triều Tiên. Từ năm 2010-2018, bán đảo Triều Tiên luôn nhập khẩu khoảng 30-34% trang thiết bị điện năng, hàng hóa của Trung Quốc. Trong khi đó, con số trên chỉ dao động từ 17-19% đối với việc nhập khẩu hàng hóa Mỹ.

Ai sẽ “cầm trịch” trên Bán đảo Triều Tiên? - 3

Tiến sỹ Luciano Bolinaga: Trung Quốc luôn mong có thể chi phối Triều Tiên.

Vậy, Triều Tiên có trở thành một mặt trận mới để Mỹ-Trung Quốc “đọ sức” hay không? Bên lề hội thảo quốc tế “Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên” mới đây ở Seoul, 3 từ khóa để mô tả tình hình bán đảo Triều Tiên là “Donald Trump”; “Huawei” và “nhân quyền”.

Cụm từ Donald Trump ám chỉ ảnh hưởng vai trò và “sự lên xuống thất thường và khó lường” trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên. Trong khi đó, từ khóa “Huawei” mô tả cạnh tranh địa chính trị gay gắt Mỹ-Trung từ thương mại đã lan sang công nghệ với một cảnh báo mạnh hơn nữa…

Với việc cấm cửa Huawei, Mỹ đã làm gián đoạn dây chuyền cung cấp cho thế giới trong lĩnh vực công nghệ cao và buộc Trung Quốc phải tính tới những nước cờ mấu chốt. Tại thượng đỉnh G20 cuối tháng 6/2019, hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đã gặp nhau và kết quả thật hồ hởi cho nhà lãnh đạo Trung Quốc khi sau G20, Tổng thống Donald Trump đã giảm bớt một số hạn chế của Washington đối với Huawei. Đổi lại, truyền thông toàn cầu đồng loạt phát đi hinh ảnh hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều gặp gỡ tay bắt mặt mừng ở Bàn Môn Điếm và nhắc đi nhắc lại cụm từ “lịch sử”.

Tất nhiên, mọi chuyện đều có lý do của nó. Việc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Triều Tiên một tuần trước hội nghị G20 được cho là làm tăng giá trị của nước cờ Triều Tiên trước cuộc đàm phán với Tổng thống Mỹ tại G20. Ông Tập Cận Bình nhiều lần ngỏ ý rằng “Trung Quốc sẵn sàng giúp đỡ Triều Tiên giải quyết các mối quan tâm về an ninh và phát triển hợp lý với khả năng cho phép”. Từ những phát biểu của Trung Quốc trong và sau chuyến thăm Triều Tiên, có thể thấy rằng chương trình nghị sự của ông Tập Cận Bình không chỉ dừng lại ở những lợi ích chiến thuật trước mắt. Tiến sỹ Jihwan Hwang (Đại học Seoul) đã nhấn mạnh: “Trong cuộc họp báo tại Hà Nội, Tổng thống Trump đã thừa nhận Trung Quốc có ảnh hưởng mạnh mẽ đến Triều Tiên”.

Tuy nhiên, lịch sử 70 năm mối quan hệ Trung-Triều và những động thái gần đây cho thấy Triều Tiên rõ ràng không muốn trở thành quân bài của Trung Quốc. Nhưng Triều Tiên có thể trông cậy vào ai?

Ai sẽ “cầm trịch” trên Bán đảo Triều Tiên? - 4

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul gặp gỡ báo chí quốc tế ngày 18/7.

Sự kiện Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un thăm chính thức nước Nga hồi tháng 4/2019  là một ví dụ khác cho thấy Nga đã tranh thủ được sự tin cậy của ông Kim Jong-un và trở thành một đối tác lớn của Triều Tiên sau Trung Quốc. Tất nhiên, Triều Tiên hiểu rõ điều này và họ đang tận dụng các cơ hội nắm bắt được trong quan hệ với đối tác Nga.

Bằng những cách khác nhau, cả ba ông lớn Mỹ- Trung Quốc và Nga đều muốn thúc đẩy vai trò của mình trên bán đảo Triều Tiên. Chỉ có điều, ai là người “cầm trịch” của cuộc chơi tiếp tục là câu hỏi ngỏ.

Học giả Ian Patrick Collins, quỹ Trao đổi Choson chuyên về Triều Tiên phân tích: “Trong thời kỳ chiến lược cạnh tranh địa chiến lược ngày càng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, Trung Quốc sẽ tập trung hơn vào việc duy trì ảnh hưởng địa chính trị của mình trên Bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ vẫn là một đối tác có ích và không thể thiếu trong việc giải quyết hạt nhân trên ban đảo Triều Tiên”.

Ai sẽ “cầm trịch” trên Bán đảo Triều Tiên? - 5

Nhà nghiên cứu Ian Patrick Collins “Trung Quốc muốn duy trì ảnh hưởng của mình trên bán đảo Triều Tiên”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump với chính sách “America First” và cuộc bầu cử đang đến gần chắc chắn muốn duy trì một thế cân bằng với Trung Quốc, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng của Bắc Kinh trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Trump có thể kiềm chế Trung Quốc hay không, hoặc cản bớt sự chi phối của Bắc Kinh đối với Bán đảo Triều Tiên hay không còn là một câu hỏi ngỏ.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un luôn muốn xóa bỏ cấm vận như một điều kiện để giải giáp vũ khí hạt nhân và duy trì kinh tế, để đảm bảo sự ổn định quyền lực. Trung Quốc thì muốn dựa vào Triều Tiên để thúc đẩy những tính toán chiến lược với Mỹ. Rõ ràng bộ ba tam giác này đang tạo ra một thế cờ xoáy rất khó dự đoán. Theo đó, người này phải dựa vào người kia để có được điều họ mong muốn.

Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon-chul tiếp tục khẳng định “Hàn Quốc sẽ dẫn dắt quá trình thống nhất Bán đảo Triều Tiên”. Với tình hình thực tế hiện nay, xem ra ông Kim Yeon-chul sẽ gặp nhiều khó khăn để thực hiện mục tiêu trên. Một khi sức ảnh hưởng của Trung Quốc và Mỹ quá lớn, con đường thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên sẽ còn nhiều bất trắc.

Trả lời câu hỏi của VOV, nhà nghiên cứu Liang Tuang Nah, nghiên cứu sinh Đại học Nangyang (Singapore) nói rằng “tiến trình phi hạt nhân hóa trên ban đảo Triều Tiên là rất khó khăn và sẽ là một chặng đường dài”.

Theo Hồ Điệp 

VOV1