1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Cuộc khủng hoảng Ukraine:

"Ác mộng" có trở lại?

Kịch bản hậu "Cách mạng Cam" đang có nguy cơ lặp lại tại Ukraine khi những dấu hiệu tranh giành quyền lực trong bộ máy cầm quyền ngày càng hiện rõ. Đây là "điềm xấu" đối với viễn cảnh kinh tế, chính trị chưa có dấu hiệu tích cực tại đất nước Đông Âu hơn 46 triệu dân này.

Lẽ ra, khi sức nóng của cuộc xung đột ở miền Đông có vẻ hạ nhiệt do nỗ lực của các bên liên quan trong ít ngày qua, Chính phủ Ukraine sẽ có thêm cơ hội để giải quyết những yếu kém về kinh tế, xã hội nhằm đưa đất nước thoát khỏi bờ vực sụp đổ. Thế nhưng, cuộc đối đầu giữa Tổng thống Petro Poroshenko và tỷ phú kiêm cựu Thị trưởng thành phố Dnipropetrovsk I.Kolomoyskiy trong vài ngày gần đây không khỏi khiến người dân xứ này liên tưởng tới "cơn ác mộng" 10 năm trước.

 

Ác mộng có trở lại?

Cuộc đối đầu giữa Tổng thống P.Poroshenko và giới tài phiệt báo hiệu nguy cơ xảy ra cuộc tranh giành quyền lực mới ở Ukraine

Đỉnh điểm của cuộc đối đầu đang làm nóng chính trường Ukraine là sự kiện tỷ phú I.Kolomoyskiy quyết định thôi giữ chức Thị trưởng Dnipropertrovsk sau những bất đồng về quyền kiểm soát và quản lý một số công ty dầu mỏ quốc gia. Trước đó, nhà tài phiệt I.Kolomoyskiy - một trong những nhân vật ủng hộ phong trào Maidan - đã đổ không ít tài sản cá nhân ra để xây dựng một số đơn vị lính tình nguyện nhằm duy trì an ninh tại Dnipropetrovsk cũng như tham chiến chống lại lực lượng ly khai ở Donetsk và Luhansk.

Điều dư luận Ukraine và quốc tế quan tâm hiện nay là, các công ty của tỷ phú Kolomoyskiy hiện đang chiếm 43% cổ phần trong Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Ukrnafta và Chính phủ Ukraine nắm giữ số còn lại sẽ ra sao. Theo luật Ukraine trước đây, nhà nước cần nắm 60% cổ phần mới có quyền kiểm soát các công ty tư nhân tham gia tập đoàn. Do đó, trong trường hợp này, ông I.Kolomoyskiy có thể coi Ukrnafta là tài sản cá nhân và có quyền rút cổ phần của mình ra khỏi tập đoàn bất cứ khi nào muốn cũng như giải tán Hội nghị hội đồng quản trị.
 
Mâu thuẫn nổ ra sau khi Quốc hội Ukraine thông qua bộ luật quy định chính phủ có thể toàn quyền điều hành một tập đoàn khi nắm phần lớn cổ phần trong đó. Đặc biệt, sau khi Chính phủ Kiev sa thải nhân vật "thân tín" của ông I.Kolomoyskiy là Oleksandr Lazorko, khỏi bộ máy điều hành Ukrnafta. Ngay lập tức nhà tài phiệt I.Kolomoyskiy đã cho những người ủng hộ bao vây trụ sở này.
 
Phát biểu trước giới truyền thông, ông này cáo buộc Chính phủ là "những kẻ phá hoại" và đe dọa "đưa 2.000 lính tình nguyện tới Kiev chỉ trong vài giờ". Tuy nhiên, sau đó, ông I.Kolomoyskiy đã được thuyết phục và chịu ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ. Nhưng, hiện Ukraine còn rất nhiều nhà tài phiệt khác mà trong quá trình cải cách đang diễn ra của Kiev dự báo khó tránh khỏi những va chạm về lợi ích.
 
Thực tế, lâu nay bộ máy chính quyền quốc gia Đông Âu này luôn vướng vào mớ bòng bong tranh chấp lợi ích trong lĩnh vực địa - chính trị và kinh tế cũng như cố gắng thoát khỏi mô hình của một nhà nước do các ông chủ lớn dựng lên. Vì thế, mặc dù, các cuộc biểu tình ở Maidan đã lật đổ cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych và dựng lên một chính quyền mới đi theo phương Tây. Tuy nhiên, những cuộc xuống đường này lại không thể phá vỡ "hệ thống" các ông chủ lớn kế tiếp nhau lên làm lãnh đạo ở Ukraine. Do đó, khi lợi ích kinh tế bị đụng chạm, các cuộc đấu đá trong giới "tinh hoa" ở Ukraine nhiều khả năng sẽ xảy ra. Điều này sẽ chỉ khiến cỗ máy chính trị và kinh tế vừa đổi chủ của quốc gia này xuống dốc không phanh.
 
Trong khi đó, bất cứ sự rạn nứt nào trong nội bộ lãnh đạo cao cấp cũng sẽ khiến Kiev thất thế nếu xảy ra xung đột kinh tế với Nga. Hay nói một cách khác, cuộc đấu đá nội bộ được cho là sẽ khiến Ukraine mất dần cơ hội cải cách. Trong khi đó, nước này còn cả một "núi" vấn đề cần giải quyết liên quan tới hoạt động của các ngân hàng, tỷ giá tiền tệ cùng nhiều mối lo khác. Tranh giành quyền lợi giữa các "ông trùm" hiển nhiên sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại và người dân thêm bất mãn trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Không phải vô cớ khi giờ đây tại Ukraine bắt đầu xuất hiện dư luận về một cuộc cách mạng mới ở quốc gia này.
 
Năm 2004, sau khi lên nắm quyền sau "Cách mạng Cam" lật đổ chính quyền thân Nga, Tổng thống V.Yushenko và nữ Thủ tướng Yulia Tymoshenko, từ chỗ là chiến hữu từng đồng cam cộng khổ bỗng lao vào cuộc tranh giành quyền lực khiến Ukraine rơi vào vòng xoáy khủng hoảng chính trị kéo dài. Nếu lịch sử lặp lại, nhiều khả năng người dân Ukraine sẽ phải hứng chịu thêm không chỉ một thập kỷ sóng gió nữa dù họ không hề mong muốn.
Theo Quỳnh Dương
Hà Nội mới