1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

9 “điểm nóng” châm ngòi căng thẳng Mỹ - Trung

(Dân trí) - Trong khi cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng “tăng nhiệt”, căng thẳng chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng xuất hiện và có xu hướng diễn biến phức tạp.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Kyodo)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Kyodo)

Thương mại không phải vấn đề duy nhất ảnh hưởng tới quan hệ Mỹ - Trung hiện nay. Hãng tin AP đã điểm lại 9 vấn đề lớn có khả năng khiến căng thẳng song phương giữa Bắc Kinh và Washington leo thang.

Quân sự

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 9 đã công bố quyết định trừng phạt Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc do các thương vụ mua bán vũ khí của EDD với Nga đã vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Moscow. Cả EDD và Giám đốc EDD Li Shangfu đều bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ.

Thông cáo cho biết Trung Quốc đã tiếp nhận 10 máy bay Su-35 hồi tháng 12/2017 và lô thiết bị có liên quan đến hệ thống phòng không S-400. EDD do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thành lập từ năm 2016 với nhiệm vụ giám sát và cải thiện công nghệ quân sự của Trung Quốc. Đây cũng là đơn vị then chốt của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Trong số các khách hàng mua vũ khí của Nga, Mỹ cho đến nay mới chỉ nhắm mục tiêu trừng phạt tới Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức có động thái phản pháo Washington.

“Chúng tôi yêu cầu phía Mỹ sửa chữa sai lầm này ngay lập tức và rút lại các lệnh trừng phạt đã công bố. Nếu không, Mỹ sẽ phải chịu mọi hậu quả”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Zheng Zeguang nói với Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.

Hong Kong

Theo Lãnh sự quán Mỹ ở Hong Kong, sau khi các lệnh trừng phạt nhằm vào EDD được áp dụng, chính phủ Trung Quốc đã không chấp thuận đề nghị cho tàu tấn công đổ bộ USS Wasp của Hải quân Mỹ cập cảng Hong Kong trong tháng 10 mặc dù trước đó tàu chiến Mỹ vẫn được phép thực hiện việc này. Cùng ngày, Trung Quốc triệu hồi một tư lệnh hải quân cấp cao sau khi tư lệnh này hủy một cuộc gặp quan trọng với người đồng cấp Mỹ.

“Các hành động quân sự của Trung Quốc là cách để thể hiện sự bất mãn, song không vượt quá giới hạn để tránh đẩy mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn”, Collin Koh Swee Lean, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định.

Bầu cử

“Trung Quốc đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới của chúng ta, dự kiến diễn ra vào tháng 11, nhằm chống lại chính quyền của tôi”, Tổng thống Trump phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 26/9, song không đề cập các thông tin chi tiết.

3 ngày trước đó, Trung Quốc đã đăng 4 trang quảng cáo trên tờ báo lớn nhất của bang Iowa để chỉ trích việc ông Trump áp thuế thương mại với hàng nhập khẩu Trung Quốc.

“Tôi không thích khi họ tấn công những người nông dân của chúng ta. Và tôi không thích khi họ đưa ra những thông điệp sai trái như vậy. Ngoài ra, chúng tôi biết rằng họ đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử của chúng tôi”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên trước cuộc họp của Liên Hợp Quốc.

Trung Quốc đã có động thái đáp trả cáo buộc của Tổng thống Mỹ.

“Chúng tôi không và sẽ không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào. Chúng tôi phản đối bất kỳ cáo buộc vô căn cứ nào nhằm vào Trung Quốc”, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an.

Biển Đông

Hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc áp sát thiếu an toàn trên Biển Đông hồi tháng 9. (Ảnh: Hải quân Mỹ)
Hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc áp sát "thiếu an toàn" trên Biển Đông hồi tháng 9. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ nhiều lần đưa các tàu chiến và máy bay chiến đấu tới gần các khu vực do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép trên Biển Đông. Động thái này của Washington đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Kinh và làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm giữa hai nước.

Trong những tháng gần đây, các đồng minh của Mỹ như Anh, Pháp, Nhật Bản cũng đưa tàu hải quân tới Biển Đông trong khuôn khổ các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải. Trung Quốc đã ngang nhiên điều tàu chiến áp sát cả tàu của Mỹ và Anh để yêu cầu các tàu này rời khỏi khu vực tranh chấp.

Biển Hoa Đông

Biển Hoa Đông cũng được xem là nơi tiềm ẩn nguy cơ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây là vùng biển Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo trên quần đảo Senkakhu (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera hồi tháng 9 cho biết Trung Quốc đã “đơn phương tăng cường” các hoạt động quân sự trên biển Hoa Đông trong một năm qua, bao gồm các chiến dịch không quân và đưa tàu ngầm hạt nhân tới gần các đảo tranh chấp.

Mỹ từng nhiều lần trấn an Nhật Bản rằng các đảo tranh cấp trên biển Hoa Đông cũng nằm trong diện được bảo vệ theo hiệp ước an ninh được ký năm 1960, trong đó Mỹ cam kết sẽ hành động để đối phó với mối đe dọa chung trong trường hợp vùng lãnh thổ do Nhật Bản quản lý bị tấn công.

Đài Loan

Ngày 24/9, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã ra tuyên bố với những lời lẽ cứng rắn sau khi Mỹ phê chuẩn thương vụ bán thiết bị quân sự trị giá 330 triệu USD cho Đài Loan. Đài Loan vẫn là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Trump “phá lệ” gọi điện chúc mừng nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sau chiến thắng của bà trong cuộc bầu cử năm 2016.

Tổng thống Trump cũng chọc giận Bắc Kinh khi tuyên bố ông có thể sử dụng nguyên tắc “Một Trung Quốc”, một trong những chính sách cốt lõi trong quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung, làm quân bài mặc cả nhằm đạt được thỏa thuận thương mại tốt hơn.

Triều Tiên

Tổng thống Trump hồi tháng 8 từng đổ lỗi cho Trung Quốc vì không giúp đỡ Mỹ trong việc đạt được tiến triển đàm phán với Triều Tiên về vấn đề phi hạt nhân hóa. Ông Trump nói rằng ông không tin Trung Quốc thực sự muốn hỗ trợ Mỹ trong vấn đề Triều Tiên như trước đây.

Tây Tạng

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 4 từng chỉ trích chính quyền Trung Quốc vì các hoạt động kiểm soát gắt gao tại Tây Tạng, bao gồm cả các vụ bắt bớ và kiểm duyệt. Tới tháng 9, Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật nhằm áp đặt lệnh cấm thị thực đối với các quan chức Trung Quốc, những người ngăn cản các công dân, quan chức chính phủ và nhà báo Mỹ tới Tây Tạng.

Trung Quốc từng nổi giận khi cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Dalai Lama hồi năm 2016 tại Nhà Trắng. Bắc Kinh cho rằng cuộc gặp này có thể tạo điều kiện cho tuyên bố của Dalai Lama rằng Tây Tạng cần được tách khỏi Trung Quốc.

Người Duy Ngô Nhĩ

Sau khi xuất hiện các thông tin nói rằng Trung Quốc đã ép buộc khoảng 10.000 người, thậm chí 1 triệu người, Duy Ngô Nhĩ (gốc Hồi giáo) vào các trại “cải tạo” và trại giam bí mật ở vùng Tân Cường phía tây Trung Quốc, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ do nghị sĩ Marco Rubio dẫn đầu đã kêu gọi trừng phạt 7 quan chức Trung Quốc và 2 nhà cung cấp thiết bị giám sát.

Trung Quốc cho rằng các phần tử ly khai ở Tân Cương, quê nhà của người Duy Ngô Nhĩ, muốn thành lập một nhà nước riêng. Các phần tử này cũng có mối liên hệ với các phiến quân nước ngoài, do vậy,Trung Quốc đã đẩy mạnh nhiều biện pháp để chống khủng bố và thiết lập trật tự tại khu tự trị phía tây này.

Thành Đạt

Tổng hợp