1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

20 năm quan hệ Việt-Mỹ: Dấu ấn một chặng đường

(Dân trí) - Ngày 12/7/1995, Việt Nam và Mỹ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước. Trong suốt chặng đường 20 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước phát triển kỳ diệu và hiện đã xác lập quan hệ đối tác toàn diện.

20 quan hệ Việt-Mỹ: Dấu ấn một chặng đường
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc hội đàm lịch sử với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 7/7 (Ảnh: AFP)

Bước ngoặt trong quan hệ song phương

Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố dỡ bỏ cấm vận thương mại với Việt Nam, khép lại một chương khó khăn trong lịch sử quan hệ song phương và đặt nền móng cho việc hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao hơn một năm sau đó: ngày 12/7/1995.

Từ đó đến nay, hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và ra 4 Tuyên bố chung vào các năm 2005, 2006, 2008 và 2013. 
 
Đặc biệt, Tuyên bố chung tháng 7/2013 nhân chuyến thăm Mỹ chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chính thức đưa quan hệ Việt - Mỹ lên tầm cao mới: Quan hệ đối tác toàn diện. Theo đó, sự hợp tác và trao đổi giữa hai nước  được triển khai trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại, đến khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, môi trường, văn hóa, thể thao - du lịch, hoạt động nhân đạo, vấn đề còn sót lại của chiến tranh... 

Hai giai đoạn bình thường hóa quan hệ 

Điểm lại quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, có thể thấy sự phát triển quan hệ song phương về cơ bản được chia thành 2 giai đoạn: 

Giai đoạn thứ nhất từ năm 1995-2006. Đây là giai đoạn hội nhập từng bước sau khi bình thường hóa. Trong giai đoạn này, tổng mức đầu tư của Mỹ vào Việt Nam được cải thiện theo từng năm, nhưng quan hệ chính trị không có nhiều biến chuyển. Hai nước mở đại sứ quán từ tháng 8/1995 nhưng mãi đến tháng 4 và tháng 5/1997 mới cử Đại sứ sang nhậm chức.

Điểm nổi bật nhất trong giai đoạn này là việc lãnh đạo hai nước lần đầu tiên thực hiện chuyến thăm chính thức lẫn nhau và ký Hiệp định thương mại song phương (BTA). 

Việc ký BTA diễn ra vào tháng 7/2000, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư song phương. Ngoài ra, hai bên cũng tiến hành nhiều cuộc đàm phán về việc Việt Nam gia nhập WTO và Mỹ trao cho Việt Nam sự đãi ngộ về quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn. 

Tiếp đó đến tháng 11/2000, Tổng thống Bill Clinton đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam. Tháng 6/2005, Thủ tướng Phan Văn Khải trở thành Thủ tướng Việt Nam đầu tiên đến thăm Mỹ.  
 
Tổng thống Bill Clinton đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam vào năm 2010 (Ảnh:
Tổng thống Bill Clinton đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam vào năm 2010 (Ảnh: AP)

Giai đoạn hai từ cuối năm 2006 đến nay. Đây là giai đoạn bùng nổ hợp tác trên nhiều lĩnh vực và từng bước hướng tới quan hệ đối tác toàn diện. 

Dấu ấn đầu tiên của giai đoạn này là việc Tổng thống George W. Bush đến thăm Việt Nam vào tháng 11/2006, và chỉ chưa đầy một tháng sau đó, ngày 20/12/2006, ông ký dự luật trao cho Việt Nam quy chế Quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn.

Đây là tiền đề để trao đổi thương mại giữa hai bên tăng lên nhanh chóng. Năm 2013, kim ngạch thương mại Việt - Mỹ đạt 29,69 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Mỹ xấp xỉ 24,66 tỷ USD, nhập từ Mỹ 5,03 tỷ USD, hưởng thặng dư thương mại 19,63 tỷ USD. 

Hiện Việt Nam là đối tác thương mại thứ 29 của Mỹ, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Việt Nam với tổng vốn đầu tư trực tiếp năm 2013 đạt 11 tỷ USD. Theo kết quả khảo sát triển vọng kinh doanh tại khu vực ASEAN, Việt Nam đứng đầu danh sách lựa chọn mở rộng kinh doanh của các công ty Mỹ tại Đông Nam Á.

Bên cạnh sự phát triển của quan hệ song phương, Mỹ và Việt Nam cũng không ngừng tăng cường hợp tác trong các diễn đàn khu vực và đa phương như APEC, ASEM, ASEAN, ARF, ADMM+, LMI, EAS... 

Những năm gần đây, do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, chiến lược xoay trục an ninh của Mỹ và sự trỗi dậy gây nhiều tranh cãi của Trung Quốc trong khu vực, hợp tác về chính trị, quân sự và kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ tăng lên rõ rệt. 
 
Sự đột phá mới quan trọng nhất trong quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ là việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Barack Obama ra Tuyên bố chung ngày 25/7/2013 về việc thiết lập quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ nhân chuyến thăm Mỹ chính thức của người đứng đầu nhà nước Việt Nam. 

Bước tiến này khiến cho nội hàm quan hệ song phương có sự phát triển mới: tăng thêm về cấp độ trao đổi; tăng cường cơ chế hợp tác song phương; đẩy mạnh phối hợp trong các cơ chế đa phương; tạo động lực thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại; mở rộng hợp tác khoa học - kỹ thuật, môi trường; nâng cao hợp tác quốc phòng - an ninh và tăng cường giao lưu mọi mặt. Đầu tháng 10/2014, Mỹ cũng đã quyết định dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam để hỗ trợ thúc đẩy an ninh hàng hải. 

Tương lai quan hệ Việt - Mỹ

Tổng thống Bill Clinton đã trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Việt Nam vào năm 2010 (Ảnh:
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh tại Hà Nội tháng 6/2015. (Ảnh: AP)
 
Trong tiến trình toàn cầu hóa, đa cực hóa và trào lưu phát triển hòa bình, một xu thế rõ rệt trong lĩnh vực quan hệ quốc tế là các nước - căn cứ theo nhu cầu lợi ích trong nước và nhu cầu vị trí trong hệ thống quốc tế - để kết thành quan hệ đối tác với một hay nhiều nước khác. Đây là quan hệ mang tính bình đẳng, cùng chung sống hòa bình, hợp tác cùng thắng, không mang tính ràng buộc và cũng không mang tính đối kháng. 

Quan hệ Việt - Mỹ cũng không nằm ngoài xu thế đó. Việc hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện sẽ giúp nâng tầm và phát triển quan hệ song phương, đồng thời tác động nhất định tới các quan hệ địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt tại Đông Nam Á và Biển Đông. 

Theo đánh giá của các chuyên gia, với chính sách của hai nước hiện nay, quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ còn rất nhiều không gian để nâng cao và hai bên hoàn toàn có thể hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Khi trả lời phỏng vấn của truyền thông Mỹ về việc Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ vào năm 2013, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng khẳng định “Việt Nam sẽ tiếp tục coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu, Mỹ cũng rất coi trọng Việt Nam trong chính sách khu vực của Mỹ”. Vì thế, việc hai bên xác lập quan hệ đối tác toàn diện “đã xác định khuôn khổ cho quan hệ song phương trong thời kỳ mới, đồng thời vạch rõ phương hướng phát triển của quan hệ hợp tác trong vài năm tới”. 

Năm 2015, hai nước sẽ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Điểm lại quá trình này, có thể thấy quan hệ Việt - Mỹ  diễn biến khá chậm chạp, nhưng chắc chắn và đi vào thực chất. Những thay đổi trong quan hệ song phương được xác lập hoàn toàn dựa trên việc cân bằng và kết hợp lợi ích chiến lược của nhau, đồng thời tạo động hướng phát triển cho hợp tác chính trị, quân sự, kinh tế, môi trường, khoa học - kỹ thuật, hợp tác biển và an ninh hàng hải... nhằm ứng phó hiệu quả với một cục diện khu vực đang biến động nhanh chóng. 

Tất nhiên, bên cạnh những thuận lợi, quan hệ Việt - Mỹ cũng có một số thách thức xuất phát từ sự khác biệt về thể chế và ý thức hệ. Ngoài ra, đây cũng là mối quan hệ khá non trẻ nếu xét theo lịch sử quan hệ quốc tế, song điều đó không có nghĩa hai nước không thể đưa quan hệ song phương lên cấp độ mới và làm sâu sắc hơn. Bằng cách phối hợp cùng nhau trong 2 thập niên qua và ngày càng có nhiều tương đồng về lợi ích chiến lược, Việt Nam và Mỹ đã từng bước thiết lập tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, tạo tiền đề vững chắc để hai bên tiếp tục vượt qua quá khứ, hướng tới tương lai và đưa quan hệ song phương ngày càng phát triển trên cơ sở tin tưởng, tôn trọng lẫn nhau. 
 
Đức Vũ