DMagazine

100 ngày "kẻ thù vô hình" làm thay đổi cả thế giới

(Dân trí) - Chỉ trong vòng 100 ngày qua, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi cả thế giới, làm 1,5 triệu người mắc bệnh, hơn 88.000 tử vong và khiến hơn 3,5 tỷ người phải cách ly xã hội.

Một thập niên hỗn loạn đã bước sang ngày cuối cùng của năm 2019, khi cả thế giới chuẩn bị đón năm mới. Thế giới những năm 2010 đã chứng kiến nhiều sự kiện và sóng gió vốn có thể định hình tương lai: từ Brexit, cuộc chiến tại Syria, cuộc khủng hoảng người di cư, sự phổ biến của mạng xã hội…

Nhưng tất cả chưa dừng lại ở đó. Cũng vào những giờ cuối cùng của năm 2019, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của thập niên đã nổ ra.

Vào 13h38 ngày 31/12, một trang web của chính phủ Trung Quốc đã thông báo phát hiện một “bệnh viêm phổi chưa từng được biết đến trước đó” tại một khu vực quanh chợ bán buôn hải sản ở Vũ Hán, một thành phố công nghiệp có 11 triệu dân ở miền trung Trung Quốc.

Covid-19 bắt đầu với một cảnh báo như vậy, nhưng nhanh chóng biến thành một đại dịch vốn thay đổi toàn bộ thế giới.

Trong hơn 100 ngày sau đó, virus đã đóng băng đi lại quốc tế, làm tê liệt hoạt động kinh tế và khiến khoảng một nửa dân số thế giới phải ở trong nhà, làm 1,5 triệu người mắc bệnh và vẫn chưa dừng lại ở đó, trong đó có chính khách và các nhân vật nổi tiếng. Cho tới nay, đã có hơn 88.000 người chết vì Covid-19.

Ngày 1

1/1: Chợ hải sản Vũ Hán bị đóng cửa

Chợ hải sản Vũ Hán thường ngày rất nhộn nhịp, nhưng vào sáng ngày 1/1, cảnh sát đã phong tỏa khu vực và hối thúc các chủ cửa hàng đóng cửa. Các nhân viên trong bộ đồ bảo hộ cẩn thận lấy các mẫu thử và đặt vào các túi nhựa được niêm phong.

Những lo lắng đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi các tài liệu y tế bị rò rỉ trên mạng cảnh báo rằng các bệnh nhân có những triệu chứng đáng lo ngại phải nhập viện ở Vũ Hán.

Khi đó, 8 người tại Vũ Hán bị cáo buộc tung tin đồn về dịch bệnh đã bị cơ quan an ninh địa phương triệu tập, một người trong số họ là bác sĩ Lý Văn Lượng, người sau này qua đời vì chính virus lạ mà anh là một trong những người đầu tiên lên tiếng cảnh báo. Những cụm từ như “viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán” hay “chợ hải sản Vũ Hán” đã bị kiểm duyệt trên trang phát hình ảnh trực tuyến phổ biến tại Trung Quốc - YY.

100 ngày kẻ thù vô hình làm thay đổi cả thế giới - 1

Chợ hải sản Vũ Hán, nơi virus corona chủng mới được tin là đã khởi phát. (Ảnh: AFP)

Ngày 9

9/1: Virus được xác định

Căn bệnh bí ẩn được xác định khi các nhà khoa học Trung Quốc cho biết các bệnh nhân ở Vũ Hán đã bị mắc "một chủng virus corona chưa từng được phát hiện trước đây". Vào đêm trước đó, một người đàn ông 61 tuổi ở Vũ Hán đã qua đời tại bệnh viện, trở thành nạn nhân đầu tiên của căn bệnh bí ẩn.

Một nghiên cứu cảnh báo rằng ở thời điểm đó dịch bệnh có thể tăng gấp đôi về quy mô mỗi tuần. Ngày 10/1, bác sĩ Lý Văn Lượng bắt đầu có các triệu chứng bệnh.

Ngày 13

13/1: Virus bắt đầu lan ra thế giới

Thái Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới ngoài Trung Quốc xác nhận có ca mắc Covid-19, liên quan tới một người đàn ông 61 tuổi từ Vũ Hán.

Chính phủ Trung Quốc khi đó nói chưa có bằng chứng rõ ràng virus lây từ người sang người. Tuyên bố chính này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ và WHO cũng ra tuyên bố nói tin tưởng vào phản ứng của chính phủ Trung Quốc.

Tuy nhiên, các bác sĩ tại Vũ Hán lại đang nhìn thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Các nghiên cứu sau đó cho thấy chỉ trong hơn 1 nửa tháng, các bệnh viện trong thành phố đang phải đối mặt với số ca mắc bệnh đột biến không liên quan gì tới chợ hải sản.

Ngày 20

20/1: Xác nhận lây nhiễm từ người sang người 

Ông Chung Nam Sơn, một chuyên gia về bệnh hô hấp nổi tiếng trong nhóm phản ứng dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc, đã thông báo tin xấu trên truyền hình quốc gia: xuất hiện hai ca nhiễm mới tại tỉnh Quảng Đông không có liên hệ trực tiếp với Vũ Hán. Chúng tôi có thể nói chắc chắn rằng đã xảy ra hiện tượng truyền bệnh từ người sang người”.

Virus đang lan nhanh khắp Trung Quốc và thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận được báo cáo đầu tiên về virus corona vào ngày 18/1.

Ngày 24

24/1: Virus lan tới châu Âu

Trước kỳ nghỉ năm mới âm lịch khi hàng triệu người Trung Quốc đã di chuyển để thăm đi bạn bè và gia đình, Vũ Hán đã bị phong tỏa sau khi hơn 800 ca mắc Covid-19 được ghi nhận và 25 người tử vong.

Tới lúc này, virus đã lan tới châu Âu. Nhưng khi được hỏi tại Davos (Thụy Sĩ) về việc liệu ông có lo ngại về nguy cơ đại dịch, Tổng thống Trump trả lời rằng: “Chúng ta đang kiểm soát nó một cách hoàn hảo”.

Trong khi đó, Trung Quốc đã mở rộng lệnh phong tỏa đối với 56 triệu người. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo đất nước đang đối mặt với “tình hình nghiêm trọng”. Bác sĩ Lương Vũ Đông tại Hồ Bắc trở thành nhân viên y tế đầu tiên tại Trung Quốc tử vong vì Covid-19.

Ngày 31

31/1: Đại dịch “phủ bóng” ngày Brexit tại Anh

Sau 4 năm diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt trên chính trường và khắp nước Anh, Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (Brexit). Nhưng đây cũng là ngày đánh dấu Covid-19 chính thức vượt quy mô đại dịch Sars. Virus đã lan tới Anh, Tây Ban Nha, Italia.

Khi số người chết và nhiễm gia tăng ở Trung Quốc, Mỹ tuyên bố ngừng nhập cảnh người nước ngoài từng tới Trung Quốc gần đây.

100 ngày kẻ thù vô hình làm thay đổi cả thế giới - 2

Các nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân vào bệnh viện Wyckoff Heights ở Brooklyn, New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Ngày 36

4/2: Ca tử vong đầu tiên ngoài Trung Quốc

Một người đàn ông từ Vũ Hán đã tử vong vì Covid-19 tại Manila, Philippines, trở thành người đầu tiên qua đời vì căn bệnh viêm phổi bí ẩn. Philippines cấm nhập cảnh toàn bộ người tới từ Trung Quốc.

Mặc dù vậy, Tổng giám đốc WHO vẫn nói sự lây lan của dịch bệnh trên thế giới là “khá nhỏ và chậm”, mặc dù nó có thể trầm trọng hơn, nhưng không cần thiết phải ngừng thương mại và đi lại.

Sức khỏe của bác sĩ Lý Văn Lượng xấu đi. Sự ra đi của bác sĩ này vào ngày 7/2 đã khiến người dân Trung Quốc đau buồn và giận dữ.

Mỹ bắt đầu phân phát các bộ xét nghiệm Covid-19 trên khắp cả nước.

Ngày 50

19/2: Lo ngại về một giáo phái ở Hàn Quốc

Các lo ngại đã bùng phát về một giáo phái ở Hàn Quốc, nơi một ca nhiễm cụm được phát hiện. Một phụ nữ 61 tuổi thuộc giáo phái này đã phớt lờ các đề nghị của bác sĩ nhằm xét nghiệm virus và thay vào đó vẫn đi ăn tiệc buffet. “Sau đó, virus đã bùng nổ”, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho hay.

Iran thông báo có các ca mắc Covid-19 đầu tiên.

Tại Mỹ, các cuộc tranh luận trực tiếp của các ứng viên tổng thống đảng Dân chủ vẫn diễn ra, không ai đề cập tới Covid-19.

Ngày 56

25/2: Virus bùng phát khắp toàn cầu

Số ca mắc Covid-19 trên khắp toàn cầu đã vượt 80.000. Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 được công bố, số ca mắc trên thế giới cao hơn tại Trung Quốc. Bắc Kinh đạt đỉnh dịch khi 150 người chết vào ngày 23/2.

Khi Mỹ công bố ca mắc thứ 14, ông Trump đã viết trên Twitter trong chuyến thăm Ấn Độ: “Virus corona vẫn đang được kiểm soát rất tốt tại Mỹ. Thị trường chứng khoán vẫn ổn”.

100 ngày kẻ thù vô hình làm thay đổi cả thế giới - 3

Quan tài của các bệnh nhân Covid-19 tại một nhà tang lễ gần thành phố Charlero, Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Ngày 66

6/3: Italia rơi vào khủng hoảng, Anh ghi nhận ca tử vong đầu tiên

Số người tử vong vì Covid-19 tại Italia tăng 6 lần chỉ trong 6 ngày. Rome khẩn cấp đóng cửa các trường học, cấm khán giả tới xem các trận bóng đá và chuẩn bị phong tỏa Lombardy.

Một phụ nữ 70 tuổi dã trở thành người đầu tiên tử vong vì Covid-19 tại Anh. Trong một cuộc họp báo, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết ông vẫn giữ thói quen bắt tay. “Tôi đã tới thăm một bệnh viện vào một buổi tối, nơi tôi nghĩ có một số bệnh nhân Covid-19 và tôi đã bắt tay tất cả mọi người”, ông nói.

Ngày 71

11/3: WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch

Trong một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump cho biết chính quyền của ông đang tiến hành nỗ lực quy mô và tích cực nhất nhằm “chiến đấu với một virus từ nước ngoài trong lịch sử hiện đại”. Số ca mắc tại Mỹ đã vượt 1.000 và trên toàn thế giới là hơn 116.000 trường hợp.

Các thị trường chứng khoán tại Mỹ và Anh lao dốc với tốc độ nhanh chưa từng có kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Số người chết tại Italia, Anh cũng như trên khắp châu Âu tăng cao.

Đến lúc này, WHO mới chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch.

Anh đã có 456 ca nhiễm nhưng không ủng hộ các hành động đóng cửa hàng loạt được áp dụng như tại các quốc gia khác ở châu Âu. Người ốm và người dễ bị tổn thương được khuyên ở trong nhà, nhưng chính phủ dường như nghiêng về quan điểm rằng cái giá của việc chặn đứng virus có thể quá cao so với việc đánh mất tự do. Thậm chí, cố vấn trưởng khoa học của chính phủ Anh Patrick Vallanc còn nói với BBC: “Cho phép virus lây lan cũng có thể tạo một dạng miễn dịch cộng đồng, vì thế nhiều người sẽ miễn dịch đối với căn bệnh này”.

Ngày 77

17/3: Cuộc sống bình thường bị đóng băng khắp thế giới

Các quốc gia châu Âu đóng cửa biên giới với nhau và châu lục này cũng đóng cửa biên giới với thế giới. “Chúng ta đang trong thời chiến”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố.

Số người chết ở Italia lúc này vượt 450 người mỗi ngày và sau đó nhanh chóng vượt Trung Quốc. Số ca mắc tại Tây Ban Nha tăng gấp 2 lần lên 17.000 ca vào cuối tuần. 3/4 số ca tử vong vì Covid-19 là tại châu Âu.

Các diễn biến mới diễn ra dồn dập từng giờ: nhiều ca mắc hơn, nhiều ca tử vong hơn và nhiều các biện pháp hạn chế đi lại được ban bố.

Chính phủ Anh nhanh chóng thay đổi chiến lược, trong đó khả năng miễn dịch cộng đồng, sau khi các mô hình cảnh báo rằng nửa triệu người Anh có thể chết vì Covid-19 và khiến hệ thống y tế Anh sụp đổ.

100 ngày kẻ thù vô hình làm thay đổi cả thế giới - 4

Bản đồ mô phỏng quy mô của đại dịch Covid-19 tại Mỹ. Hiện Mỹ là quốc gia có số người mắc Covid-19 cao nhất thế giới, với hơn 435.000 trường hợp. (Đồ họa: Reuters)

Ngày 83

Ngày 23/3: Anh ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc

Đến lúc này, số ca mắc Covid-19 trên khắp thế giới đã vượt 370.000, trong đó có hơn 6.600 người tại Anh. Trong một chương trình được cho là thu hút nhiều người xem nhất trong lịch sử truyền hình Anh, Thủ tướng Johnson đã yêu cầu đóng cửa tất cả các cơ sở không cần thiết và kêu gọi người dân: “Các bạn phải ở trong nhà”.

Hơn 5.500 ca mắc Covid-19 tại New York, nâng tổng số ca mắc tại Mỹ lên con số 20.000. Đến cuối tuần, Mỹ trở thành quốc gia có nhiều người mắc Covid-19 nhất thế giới.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, làn sóng lây nhiễm dường như giảm dần và tuần này đã ghi nhận lần đầu tiên không có ca mắc mới nội địa.

 Tại Ấn Độ, Thủ tướng Narendra Modi hối thúc người dân cả nước “quên chuyện ra ngoài” trong 3 tuần. Trên khắp thế giới, các lệnh phong tỏa đã khiến hơn 3,5 tỷ người hiện đang sống trong sự cách biệt cộng đồng.

Ngày 93

2/4: Một ngưỡng mới bị phá vỡ

Đại học Johns Hopkins công bố số người mắc Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 1 triệu người và hơn 50.000 người chết.

Số người tử vong tại Tây Ban Nha vượt con số 950 trong một ngày, một con số kỷ lục. Tại Mỹ, cc số liệu cho thấy kỷ lục 6,6 triệu người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ trong tuần qua, ngoài 3 triệu người trong tuần trước đó. Mỹ có gần 1/4 trong tổng số 1 triệu ca mắc trên thế giới, và có hơn 6.000 trường hợp tử vong. Các bệnh viện dã chiến đã được thiết lập trong Công viên Trung tâm ở New York và các xe tải đông lạnh được dùng để bảo quản thi thể người chết. Tổng thống Trump đã cảnh báo “2 tuần rất, rất đau thương” phía trước.

100 ngày kẻ thù vô hình làm thay đổi cả thế giới - 5

Tháp Tokyo Skytree tại Tokyo, Nhật Bản phát thông điệp "Cùng nhau chúng ta có thể chiến thắng" sau khi Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo ban bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 6 tỉnh khác vì Covid-19. (Ảnh: Reuters)

Ngày 99

8/4: Diễn biến tương lai của đại dịch vẫn là một câu hỏi

Thủ tướng Anh Boris Johnson vẫn nằm viện, được chuyển vào phòng hồi sức tích cực sau khi các triệu chứng của ông xấu đi hôm 5/4.

Tại một số quốc gia châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất, các ca mắc mới và tử vong đang giảm. Trung Quốc ghi nhận ngày đầu tiên không có trường hợp tử vong và đang thận trọng nới lệnh phong các thành phố.

Ngày 4/4 là ngày chết chóc nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát cho tới nay, khi hơn 6.500 trường hợp thiệt mạng trên thế giới. Nhưng một số quốc gia nghèo nhất và đông nhất thế giới hiện vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nên vẫn còn quá sớm để nói chắc chắn điều gì.

Các loại vắc-xin đang được khẩn trương nghiên cứu khắp thế giới nhưng dự kiến sẽ không sẵn sàng để sản xuất hàng loạt trong ít nhất 18 tháng nữa.

Tính tới ngày 8/4, thế giới đã ghi nhận hơn 1,3 triệu người mắc Covid-19 và hơn 75.000 người tử vong. Nhưng cho tới nay, đại dịch vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát và vẫn chưa có một chiến lược để đưa cuộc sống trở lại bình thường.

 

An Bình

(Lược dịch từ Guardian)