1. Dòng sự kiện:
  2. 20 năm Chương trình Nhân ái

Chú tiểu hoàn tục mang ba cái tên “đặc biệt” trở thành cử nhân kinh tế

(Dân trí) - Với một chút thông tin về chú tiểu Thiện Niệm hoàn tục tại Hồng Quang tự, cuối cùng tôi cũng hẹn gặp được em ở một khách sạn trên địa bàn quận Nhất, TPHCM. Chú tiểu ngày nào giờ đã trở thành cử nhân kinh tế làm việc cho một công ty Kiểm toán và có đến 3 tên gọi khá đặc biệt.

Vào chùa em thấy sức khoẻ mình tốt hơn

Thiện Niệm là pháp danh của chú tiểu từng nương nhờ nơi cửa phật hơn 10 năm qua tại chùa Hồng Quang (xã Tân Hoà, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Thiện Niệm là một trong số hơn 200 trẻ nhỏ sinh ra có hoàn cảnh kém may mắn được nuôi dạy và lớn tại chùa Hồng Quang mà Đại đức Thích Thiện Thông ấn tượng nhất.

Chú tiểu hoàn tục mang ba cái tên “đặc biệt” trở thành cử nhân kinh tế - 1

Lần đầu tiên chú tiểu Thiện Niệm trải lòng về quá khứ của mình với phóng viên Dân trí. (Ảnh, Phạm Nguyễn).

Ngay cả khi chú tiểu này đã hoàn tục với một cái tên khác – Nguyễn Nhật Minh (tên theo giấy khai sinh) khi hoàn tục đi học đại học thì đối với Đại đức Thích Thiện Thông, chú tiểu Thiện Niệm ngày nào vẫn là một người học trò thậm chí là người bạn tri kỉ.

Bởi, chú tiểu này đã theo chân sư phụ từ nhỏ cho đến khi em bước chân vào giảng đường đại học và trở thành cử nhân kinh tế, cán bộ kiểm toán. Mặc dù công việc của ngành Kiểm toán rất bận nhưng thỉnh thoảng em vẫn phóng xe máy về thăm sư phụ và các bạn ở chùa Hồng Quang.

Chú tiểu hoàn tục mang ba cái tên “đặc biệt” trở thành cử nhân kinh tế - 2

Chàng trai mang 3 cái tên giờ đã trở thành cán bộ kiểm toán. (Ảnh, Phạm Nguyễn).

Cuộc điện thoại đầu tiên, chú tiểu Thiện Niệm bảo với tôi rằng: em không muốn nhắc lại quá khứ nữa! Nhưng cuối cùng chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện tại một khách sạn ở quận Nhất TPHCM vào một buổi tối theo lịch hẹn.

Sài Gòn những ngày cuối thu trời bắt đầu se lạnh, nhiều người đi xe máy đã phải khoác theo chiếc áo gió mỏng. Thiện Niệm gặp tôi ở khách sạn với trang phục như vậy.

Chú tiểu hoàn tục mang ba cái tên “đặc biệt” trở thành cử nhân kinh tế - 3

Ngày chàng trai cầm trên tay tấm bằng cử nhân kinh tế và bắt đầu hành trình dài cho một tương lai. (Ảnh, Nhật Minh cung cấp).

Chàng trai có hàm răng trắng, nước da ngăm đen, dáng người gầy ốm, nhưng rất tự tin đó là những gì tôi cảm nhận được từ em ngay phút gặp ban đầu.

Em nhìn thẳng tôi, gương mặt có vẻ khá nghiêm nghị và nói: Hôm nay em quyết định chia sẻ tất cả với anh…. Rồi chàng trai bắt đầu câu chuyện với tôi theo dòng chảy thời gian từ tuổi thơ cho đến hiện tại.

Nhật Minh kể, sinh ra tại tỉnh Tiền Giang (tổ 18, ấp Hoà Quý, xã Hoà Khánh, huyện Cái Bè), cơ duyên đưa cậu bé 10 tuổi vào chùa gặp sư phụ (Đại đức Thích Thiện Thông bây giờ), hàng ngày cậu bé lại khoanh chân, gõ mõ tụng kinh theo thầy.

Chú tiểu hoàn tục mang ba cái tên “đặc biệt” trở thành cử nhân kinh tế - 4

Bố mẹ chú tiểu (ngoài cùng bên phải), trong buổi lễ tốt nghiệp của con. (Ảnh, Nhật Minh cung cấp).

Em kể, sinh ra em đã bị bệnh tim nên sức khoẻ rất yếu, ba mẹ ở quê làm thuê, làm mướn, nghèo khó nuôi 2 chị em. Ngày đó, mặc dù bố mẹ cố gắng chịu cực khổ để đưa em đi chữa trị bệnh nhưng sau đó sức khoẻ em vẫn rất yếu, nhà cũng không có điều kiện để cho em đi viện thăm khám. 

Nhật Minh nhớ lại, quãng thời gian tu ở chùa dưới Tiền Giang, cuộc sống của thầy trò rất cực khổ. Cuối cùng sư phụ dẫn theo Nhật Minh tha hương lên tận tỉnh Lâm Đồng nương nhờ cửa phật trước khi về mái ấm Hồng Quang, giờ gọi là chùa Hồng Quang.

"Chú tiểu" Thiện Niệm - Nguyễn Nhật Minh lần đầu trải lòng với phóng viên Dân trí về hoàn cảnh của mình tại chùa Hồng Quang. (Phạm Nguyễn, thực hiện).

Theo Nhật Minh, sau thời gian theo sư phụ vào chùa hàng ngày tụng kinh, thật kì lạ giờ em thấy sức khoẻ tốt hơn trước rất nhiều.

Ngày em hoàn tục sư phụ buồn lắm! em sẽ về chùa báo hiếu công ơn sư phụ

Nguyễn Nhật Minh kể rằng, em sinh năm 1997, khi vào chùa tu em được thầy đặt cho pháp danh là Thiện Niệm. Em còn một tên nữa là Hồ Văn Khánh, tên mang theo họ “Hồ” của thầy. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TPHCM vào tháng 7 vừa qua, Nhật Minh đã được nhận vào làm việc tại một công ty Kiểm toán trên đường Nguyễn Văn Thủ, (phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) với tiền lương 7 triệu đồng/tháng.

Chú tiểu hoàn tục mang ba cái tên “đặc biệt” trở thành cử nhân kinh tế - 5

Chú tiểu Thiện Niệm ngày nào giờ chàng trai kiểm toán Nguyễn Nhật Minh. (Ảnh, Phạm Nguyễn).

Sau một ngày đi làm, Nhật Minh lại về nhà trọ cùng với chị gái (SN 1994) và một người em họ. Hàng tháng trừ tiền trọ đi, chị em cũng gửi về giúp đỡ bố mẹ từ 2-3 triệu đồng/tháng.

Chàng trai kể, do đặc thù của nghề kiểm toán tương đối khó nên sau những giờ đi làm về em lại dành thời gian đọc thêm sách chuyên ngành nên cũng không có thời gian làm thêm công việc gì khác.

Nhật Minh nhớ lại, ngày xin sư phụ hoàn tục để đi học, lúc chia tay sư phụ buồn và nhớ. Nhưng sư phụ là người ít nói ra ngoài những nỗi niềm khó xử của mình. Chàng trai kể tiếp, khi biết tin đỗ đại học và phải xa sư phụ, em cũng buồn và trước khi nhập học em cũng ra chùa ở một tháng để gần thầy trước khi nhập học.

Chú tiểu hoàn tục mang ba cái tên “đặc biệt” trở thành cử nhân kinh tế - 6

Nhật Minh nhớ lại tháng ngày thầy trò cơ cực tha hương đi nương nhờ cửa phật tại tỉnh Lâm Đồng. (Ảnh, Phạm Nguyễn).

Nhớ lại quãng thời gian cực khổ thầy trò cơm chay đùm bọc nhau, Nhật Minh kể, ngày em mới vô chùa cũng nhớ nhà lắm! Lúc đầu mới chưa quen nên vẫn theo thói quen ở nhà nhõng nhẽo rồi sau đó được sư phụ truyền dạy kinh kệ, ngày hai buổi tụng kinh sáng sớm và cuối chiều mỗi ngày nên dần dần em đã thay đổi tính cách.

Khoảng một năm sau, chú tiểu Thiện Niệm đã không còn bản tính hiếu động và bắt đầu đầm tính. Ngoài việc hướng trò với đạo lí của nhà phật với những lẽ sống hướng thiện, thầy cũng chỉ bảo cho Thiện Niệm cả phần học văn hoá ở trường. 

Chú tiểu hoàn tục mang ba cái tên “đặc biệt” trở thành cử nhân kinh tế - 7

Những chú tiểu ở chùa Hồng Quang ngoài học văn hoá các em còn phải rèn luyện cả về thể chất trong các buổi lao động. (Ảnh, Phạm Nguyễn).

Thiện Niệm kể, ngày mới về chùa Hồng Quang chỉ có 6-7 chú tiểu, sau đó có đến mười mấy trẻ bị bỏ rơi được sư phụ mang về nuôi dạy. Có em sư phụ nuôi từ lúc một ngày tuổi. Sư phụ cứ cặm cụi một mình cực khổ nuôi các con lớn lên, đến mãi sau này mới có một vài người lớn đến tình nguyện nuôi các trẻ nhỏ giúp thầy.

Nhớ hôm buổi tối, mấy thầy trò nghe tiếng khóc “oe, oe” ngoài cổng chùa, thầy trò mang đèn đi soi phát hiện ra hài nhi vẫn còn dính cuống rốn và lại mang về nuôi. Ở chùa, các chú tiểu lớn hơn, không ai bảo ai đều ý thức phụ giúp sư phụ chăm sóc các em nhỏ.

Chú tiểu hoàn tục mang ba cái tên “đặc biệt” trở thành cử nhân kinh tế - 8

Ngoài ra các em còn cùng nhau chơi thể thao, rèn luyện sức khoẻ. (Ảnh, Phạm Nguyễn).

Thiện Niệm kể tiếp, dịp Tết Trung thu vừa rồi em cũng về chùa phụ giúp sư phụ tổ chức Trung thu cho các em nhỏ trong chùa. Giờ em mới ra trường đi làm, trước tiên em phải báo hiếu bố mẹ ở quê, sau này khi có điều kiện em sẽ về chùa báo hiếu sư phụ đã có công dưỡng dục mình nên người và sẽ hướng dẫn, định hướng cho các em nhỏ hoàn cảnh như mình.

Trước khi chia tay chàng trai kiểm toán, tôi gửi một ít tiền để giúp đỡ nhưng em kiên quyết từ chối. Em bảo, ngày em vào công ty không ai biết em có hoàn cảnh như vậy, em không chia sẻ với người lạ về cuộc sống riêng của em. Bản thân em tự lực được, hiện tại cuộc sống cũng ổn nên cũng không muốn mọi chuyện ồn ào. Giờ em có rất nhiều bạn bè thân nhưng chưa nghĩ đến chuyện yêu ai.

Chú tiểu hoàn tục mang ba cái tên “đặc biệt” trở thành cử nhân kinh tế - 9

(Ảnh, Phạm Nguyễn).

Anh Kỳ, một người dân sống cạnh chùa cho biết, trước đây cứ thỉnh thoảng anh lại thấy sư phụ cùng các chú tiểu mang hài nhi hay những trẻ em có hoàn cảnh kém may mắn về chùa nuôi. Đặc biệt, sống ngay cạnh chùa nhưng anh chưa bao giờ thấy thầy Thông nặng lời mắn mỏ các chú tiểu.

 Tuấn Hợp - Thu Hà