Tâm điểm
Lê Minh Hoan

Niềm vui chung từ sầu riêng

Giữa tháng 9 vừa qua, 20 công hàng (khoảng 25 tấn/công) sầu riêng từ các nhà vườn Đắk Lắk đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang Trung Quốc.

Đây là chuyến hàng xuất khẩu sầu riêng đầu tiên theo nghị định thư ký kết giữa Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC). Một hành trình suốt bốn năm đàm phán và chuẩn bị nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương. 

Sự kiện này mang ý nghĩa quan trọng không chỉ bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới hiện nay. Thông qua đó, nông dân hồ hởi, doanh nghiệp tự tin vào con đường phía trước. Đường đã khá thông, hè đã khá thoáng rồi. "Sầu riêng" đang đem đến "niềm vui chung".

Niềm vui chung từ sầu riêng - 1

Xe chở sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc theo nghị định thư ký kết (Ảnh: Uy Nguyễn).

Nhìn những vườn cây trĩu quả, những đoàn xe đầy ắp sầu riêng từ nhà vườn chuyển đến nhà vựa, sẽ thấy sức sống của ngành hàng còn nhiều tiềm năng này. Nhiều người nông dân đã tự tin chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ. Những trang trại đa canh, đa tầng, đa giá trị hướng đến nông nghiệp sinh thái, bền vững đã dần hình thành.

Những nhà vựa, doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư cơ sở đóng gói, kho trữ lạnh, khu sơ chế,… để chuẩn bị cho đường dài.

Như vậy, mở đầu đã hanh thông, nhưng làm sao để chặng đường tiếp đến thêm phần thuận lợi?

Dù là cạnh tranh hay hợp tác, muốn thành công thì không chỉ "biết ta" mà còn phải "biết người". Đôi khi ta chưa "biết ta" lại càng không "biết người". Ta "biết ta" có bao nhiêu người, năng lực ra sao. Bao nhiêu người sẵn sàng cùng nhau đi lâu dài, bằng cách tham gia và chung tay gây dựng hệ sinh thái ngành hàng.

Bao nhiều người chỉ cuốn theo tư duy buôn chuyến, chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt, mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, bền vững?

Ta "biết ta" sẽ phải gặp phải những rủi ro, trở ngại gì trên muôn dặm đường xa, do "bên ngoài" lẫn do "bên trong". Đường càng dài, thời gian đi càng lâu, thường tỷ lệ thuận với rủi ro, trở ngại.

"Bên trong", khi giá cả hạ xuống, thì một bộ phận người trồng thường sẽ giảm chăm sóc, dẫn đến giảm chất lượng. Ngược lại, khi giá cả lên, lại một bộ phận người nông dân sẽ tăng sản lượng bằng mọi cách, lạm dụng các chất kích thích tăng trưởng, tự phát mở rộng vùng trồng...

Đó chính là "cái bẫy" chúng ta thường gặp phải với cây trồng này, vật nuôi kia, khi vụ này, lúc vụ khác. Khi ấy, nhiều người có thể than trách người sản xuất dễ dàng bị ảnh hưởng bởi tâm lý đám đông: "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào".

Tuy nhiên, người sản xuất quanh năm mùa vụ, quanh quẩn từ nhà ra vườn, từ vườn vào nhà, làm sao biết được thế nào là thị trường, thế nào là cung cầu. Đó là trách nhiệm của cả bộ máy quản lý chuyên ngành từ cơ sở đến Trung ương.

"Bên ngoài", cửa đã mở nhưng vẫn luôn chực chờ khép lại, nếu những "người khách" không tuân thủ quy tắc của "chủ nhà". Mỗi đất nước đều có chuẩn mực riêng và có thể thay đổi theo thời gian. "Quốc có quốc pháp, gia có gia quy". Muốn ra sân chơi lớn phải tuân thủ "luật chơi""Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", chúng ta có dám nhìn thẳng, nói thật, tự trách mình đã có thời gian dài sản xuất dễ dãi, kinh doanh dễ dãi, quản lý dễ dãi? 

Nông sản trong vườn chỉ là "sản phẩm", mà chúng ta làm ra được, sản xuất ra được. Sản phẩm đó muốn đến được thị trường, thì phải trở thành "thương phẩm" hội đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, số lượng, mẫu mã, phương thức, thời điểm mua bán,…, của khách hàng, của thị trường.

"Bên ngoài" còn là thị trường "trăm người bán, vạn người mua", trên thế giới, không chỉ chúng ta độc quyền sản xuất, kinh doanh trái sầu riêng. Do đó, chúng ta vừa đi, vừa nhìn xem, vừa lắng nghe, vừa học hỏi người khác đi như thế nào, và ngược lại, người khác cũng đang quan sát chúng ta.

Niềm vui chung từ sầu riêng - 2

Đắk Lắk có trên 15.000 ha sầu riêng, là một trong những địa phương có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất nước (Ảnh: Uy Nguyễn).

Đằng sau và ẩn sâu trong trái sầu riêng là mồ hôi, thậm chí, là cả nước mắt của bao nhiêu nông dân, là nỗi khắc khoải và sự dấn thân của bao nhiêu nhà vựa, doanh nghiệp, là kỳ vọng của các địa phương, là niềm tự hào của ngành nông nghiệp nước nhà. Hãy cùng bình tâm và trải lòng, để cảm nhận những điều "đằng sau" và "ẩn sâu" đó.

Nhân đây, xin chia sẻ "Câu chuyện phấn hoa" để mọi người chiêm nghiệm. Tại vùng trang trại xa xôi, có một người nông dân năm nào cũng trồng được những cây ngô rất tốt. Năm nào ông cũng mang ngô tới hội chợ và năm nào cũng đoạt giải nhất. Một phóng viên phỏng vấn ông và phát hiện ra rằng người nông dân luôn chia sẻ những hạt giống ngô tốt nhất của mình với những người hàng xóm ở các trang trại xung quanh.

" - Tại sao bác lại chia những hạt giống tốt nhất đi, trong khi năm nào họ cũng đem sản phẩm đến cùng hội chợ để cạnh tranh với sản phẩm của bác?

- Anh không biết ư? - Người nông dân thật thà đáp - Gió luôn thổi phấn hoa và cuốn chúng từ trang trại này sang trang trại khác, từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nếu những người hàng xóm quanh tôi chỉ trồng được những cây ngô xấu, thì việc thụ phấn do gió rõ ràng sẽ làm giảm chất lượng ngô của chính trang trại của tôi. Tức là, nếu tôi muốn trồng được ngô tốt, tôi cũng phải giúp những người xung quanh trồng được ngô tốt đã!".

Cuộc sống cũng như vậy. Những người muốn được hạnh phúc cần giúp những người sống quanh mình hạnh phúc. Những người muốn thành công cần giúp những người quanh mình thành công. 

Dư âm sự kiện xuất khẩu chính ngạch, lời hát rộn ràng "sầu riêng, sầu riêng, sầu đâu có riêng" gợi lên bao suy ngẫm. Sầu riêng là một loại trái cây, "thức quà" đặc biệt: Người ưa thích thì cảm nhận rất ngon, rất thơm và rất ghiền, người không hợp thì khó có thể chịu được mùi, chứ chưa nói tới việc nếm thử hay thưởng thức.

Phải chăng con đường chính ngạch đang mở ra cũng tương tự như thế? Nếu chúng ta làm đúng, làm đủ, tuân thủ luật chơi, thì trái sầu luôn là trái ngọt, trái thơm; còn ngược lại, trái sầu phút chốc trĩu nặng nỗi buồn thành "trái đắng".

Sau những nỗ lực không ngừng nghỉ bao năm qua của bà con nông dân, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cùng cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương, vẫn luôn còn đấy câu hỏi đau đáu: "Rồi sao nữa?".

Rồi sao nữa, để mỗi bước tiếp theo trên con đường xuất khẩu chính ngạch, cho chính sầu riêng và các loại trái cây đặc sản khác, vững vàng và chắc chắn?

Rồi sao nữa, để từ nay về sau, sầu riêng không còn là nỗi "sầu" hay niềm "riêng"Rồi sao nữa, để mỗi khi nhắc tới sầu riêng, người tiêu dùng nơi nơi đều nghĩ ngay đến Việt Nam?

Rồi sao nữa, để sầu riêng tự hào viết tiếp câu chuyện: "Nâng niu nông sản Việt - Nâng niu tâm hồn Việt - Nâng niu giá trị Việt"!

Tác giả: Ông Lê Minh Hoan là Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, XIII; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ông từng giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh; Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp. Thời kỳ công tác tại địa phương, ông Lê Minh Hoan còn được biết đến là tác giả của nhiều bài báo với bút danh "Xích Lô", gửi gắm những trăn trở về chiến lược phát triển địa phương, về vai trò của người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa…

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!