HSBC: Kinh tế Việt Nam sẽ sáng sủa hơn trong năm 2013!

(Dân trí) - HSBC dự báo GDP của Việt Nam năm 2013 sẽ tăng trưởng 5,5%, còn lạm phát sẽ chậm lại trong quý III/2013, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất thị trường mở thêm 0,5%vào cuối quý II/2013.

Vẫn còn dư địa để lãi suất giảm vào cuối quý II/2013 (ảnh minh họa).
Vẫn còn dư địa để lãi suất giảm vào cuối quý II/2013 (ảnh minh họa).

Trong bản báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 3/2013 công bố ngày 2/4, Ngân hàng HSBC cho rằng, phần lớn sự chú ý của thị trường đang đổ dồn vào ba sự kiện chính vừa diễn ra tuần trước, đó là: Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) 0,5% và lãi suất tái cấp vốn 1%; thành lập công ty quản lý tài sản (AMC) để xử lý các khoản nợ xấu; Chỉ số GDP của quý I/2013 cho thấy nền kinh tế đang hoạt động dưới mức trung bình dài hạn.

Hai sự kiện đầu, theo đánh giá của HSBC, dường như là những động thái cương quyết nhằm kích thích nhu cầu trong nước hồi phục và các số liệu tăng trưởng cũng cho thấy sự hỗ trợ là cần thiết nếu Chính phủ muốn đưa các hoạt động kinh tế quay trở lại thời kỳ thịnh vượng.

Cũng theo đánh giá từ HSBC, doanh số bán lẻ trên cả nước đang trở lại bình thường, mặc dù vẫn còn thấp so với mức trung bình trong quá khứ. Xét trên cơ sở xu hướng (% tăng trưởng theo ba tháng có điều chỉnh yếu tố mùa vụ so với cùng khoảng thời gian năm trước), doanh số bán lẻ đang tăng chậm, thể hiện các hoạt động trong nước đang đi vào ổn định, trong khi tiêu dùng đang hướng đến những kỳ vọng mới.

Thông qua quá trình chọn lọc tự nhiên, các doanh nghiệp hoạt động thiếu hiệu quả sẽ từ từ phá sản và những công ty hoạt động hiệu quả sẽ phát triển, Việt Nam có thể vượt qua vấn đề nợ của mình. HSBC cho rằng, xuất khẩu sẽ tăng trưởng, đến năm 2014 có thể đóng góp khoảng 90% cho tăng trưởng GDP.

Trong khi nhập khẩu và xuất khẩu đều tăng trưởng có nghĩa là thặng dư thương mại sẽ không đáng kể nhưng Việt Nam có vẻ sẽ không quay lại thời kỳ thâm hụt thương mại cao do hiện nay hành vi tiêu dùng đang trở nên cẩn trọng hơn.

Nhu cầu nội địa giảm sút, đặc biệt là ở khối Nhà nước đã làm tăng trưởng giảm từ mức 5,5% trong quý IV/2012 xuống còn 4,9% trong quý I/2013 so với cùng kỳ năm trước. HSBC lưu ý rằng, con số tăng trưởng GDP trong quý I/2013 được tính toán dựa trên giá so sánh năm 2010 trong khi các số liệu GDP trong quá khứ được dựa trên chỉ số giá so sánh năm 1994. Với giá so sánh năm 2010, chỉ số GDP quý I/2012 cũng được điều chỉnh tăng lên từ mức 4,1% thành 4,75% so với cùng kỳ năm trước.

HSBC cho rằng, vì chỉ số GDP, đặc biệt là của Việt Nam, thường là những ước tính mà sau đó thường có thể được chỉnh sửa, những con số này nên được diễn tả như là một hướng đi của nền kinh tế hơn là con số tuyệt đối. Dự tính hơi cao của GDP quý I/2013 so với con số chính thức đã chỉnh sửa 4,75% của quý I/2012 cho thấy nền kinh tế năm 2013 dự kiến sẽ tốt đẹp hơn.

“Chúng tôi dự báo GDP năm 2013 của Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,5% nhờ vào sự hỗ trợ của nhu cầu nội địa đang được cải thiện dần dần, hoạt động đầu tư nước ngoài tăng tốc và lượng kiều hối ổn định”, bản báo cáo nhấn mạnh.

Lạm phát, theo đánh giá của HSBC, vẫn là chỉ số quan trọng ở Việt Nam, vì chỉ số này thể hiện mức độ cam kết của Chính phủ đối với tăng trưởng bền vững. Tỷ lệ lạm phát trung bình của cả quý I/2013 thấp hơn mức 7%, theo nhận định của HSBC, là một con số tích cực từ mức lạm phát 16% trong quý I/2012.

Bên cạnh đó, báo cáo của HSBC cũng chỉ ra rằng, giá cả thực phẩm giảm mạnh làm chỉ số lạm phát toàn phần chậm lại trong tháng 3, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất trên thị trường mở OMO 50 điểm còn 6,5%. Ngân hàng này cho rằng có thể sẽ có đợt cắt giảm lãi suất OMO thêm 50 điểm vào quý II/2013.

Nhưng, bản báo cáo HSBC cũng chỉ ra rằng, việc giảm lãi suất chính sách thường chỉ mang tính tượng trưng khi Ngân hàng Nhà nước bơm tiền thanh khoản qua việc mua bán lại giấy tờ có giá chỉ trong trường hợp tín dụng bị siết chặt. Ví dụ, trong suốt những tuần trước Tết hoặc thời điểm khi lãi suất qua đêm tăng cao vào cuối năm 2011 do các ngân hàng nhỏ phải đối mặt với vấn đề thanh khoản.

Nguyễn Hiền