VNPT, MobiFone, VTC sẽ hoàn thành cổ phần hóa trước năm 2021

Tập đoàn VNPT, Tổng công ty MobiFone và Tổng công ty VTC là 3 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực TT&TT có tên trong Danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

VNPT, MobiFone, VTC sẽ hoàn thành cổ phần hóa trước năm 2021 - 1

Tập đoàn VNPT là 1 trong 4 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, Nhà nước nắm giữ Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ (Ảnh minh họa)

Quyết định 26 về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành.

Trong Danh mục 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có 4 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên; 62 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ; và 27 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.

Cụ thể, trong số 62 doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ, Tổng công ty Viễn thông MobiFone và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – Công ty mẹ là 2 trong 4 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Cũng trong Danh mục mới được phê duyệt, Tổng công ty truyền thông đa phương tiện (VTC) thuộc Bộ TT&TT là 1 trong 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 mà Nhà nước chỉ nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty căn cứ Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 để tổ chức, triển khai thực hiện cổ phần hóa (hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp) đúng kế hoạch. Đồng thời, xây dựng lộ trình tiếp tục bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa đảm bảo phù hợp với tiêu chí tại Phụ lục I ban hành kèm theo Quyết định 58 ngày 26/12/2016 về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước theo quy định.
 

Bộ trưởng Bộ quản lý ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty cũng có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích; những trường hợp đặc thù, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành và các trường hợp đặc thù khác.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với trường hợp Nhà nước cần nắm giữ từ 36% đến 50% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần; Định kỳ hằng quý và trước ngày 30/9/2020 báo cáo kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp quy định tại Danh mục gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; đồng thời chịu trách nhiệm về việc không hoàn thành cổ phần hóa theo đúng tiến độ quy định tại Quyết định này.

Liên quan đến 3 doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực TT&TT kể trên, trước đó, vào ngày 12/11/2018, quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại tập đoàn VNPT và tổng công ty MobiFone đã được chuyển giao từ Bộ TT&TT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Với Tổng công ty VTC, tại Hội nghị sơ kết công tác sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 được tổ chức ngày 12/7 vừa qua, lãnh đạo Tổng công ty này đã cho biết, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp tiếp tục chậm, nguyên nhân là Đài VTC chưa có phương án trả nợ, nhiều tồn tại chưa được giải quyết, các chỉ tiêu tài chính ngày một xấu dẫn đến khó khăn trong việc xác định giá trị doanh nghiệp, một công đoạn quan trọng để cổ phần hóa.

Theo ICTNews