Việt Nam sẽ là nước dẫn đầu làn sóng IoT, tại sao không?

Dưới sự khởi xướng của Bộ Thông tin và Truyền thông đã xuất hiện một “làn sóng” Internet of Things (IoT), tạo ra cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam, bắt đầu từ các doanh nghiệp Viễn thông và đang lan rộng sang các ngành khác…

IoT và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không còn xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nó đã trở thành tất yếu đối với nền kinh tế mỗi quốc gia, đặc biệt và các nước đang phát triển như Việt Nam. IDC dự kiến vào năm 2019, toàn cầu sẽ chi 1.300 tỷ USD cho IoT. Tới năm 2020, theo dự đoán của Gartner thì giá trị gia tăng do IoT mang lại sẽ là 1.900 tỷ USD. Và theo McKinsey, tới năm 2025, IoT sẽ đóng góp vào nền kinh tế toàn cầu là 11.000 tỷ USD. Tới năm 2021, dự kiến số thuê bao sẽ lên tới 9,1 tỷ IoT.

Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng cách mạng công nghiệp 4.0 không phải là việc của riêng Chính phủ, của các viện nghiên cứu mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, lao động, giáo dục, quốc phòng an ninh.

Việt Nam đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và IoT là chìa khóa đầu tiên để mở ra cánh cửa đó. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là những đối tượng hàng đầu áp dụng giải pháp IoT. Họ nhận ra có 3 cách mà IoT giúp họ cải thiện kinh doanh. Thứ nhất là IoT giúp giảm chi phí vận hành, thứ hai, tăng năng suất và thứ 3 là mở rộng sang các thị trường mới hoặc phát triển sản phẩm mới.

Trong chuyến thăm và diễn thuyết về IoT tại Việt Nam từ 3-6/5/2017 của TS.Timothy Chou, Giảng viên Đại học Stanford với sự đồng hành của MobiFone – một trong những doanh nghiệp về IoT tại Việt Nam hiện nay, "bậc thầy" trong lĩnh vực IoT của thế giới, nói chuyện với Sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, TS Timothy Chou cho rằng: “Tại Việt Nam có rất nhiều lĩnh vực khác nhau để triển khai IoT, chẳng hạn như chế tạo các máy móc chính xác tích hợp các hệ thống cảm biến, cung cấp các giải pháp phần mềm IoT. Các hãng phần mềm lớn trên thế giới từ trước đến nay mới chỉ viết phần mềm cho con người sử dụng. Họ cũng mới chỉ bắt đầu bước vào sân chơi IoT, nên cơ hội tham gia vào thị trường phần mềm IoT cho Việt Nam và các bạn sinh viên là rất lớn".

Tiến sĩ Timothy Chou ký tặng sách cho sinh viên Bách Khoa tại buổi giao lưu
Tiến sĩ Timothy Chou ký tặng sách cho sinh viên Bách Khoa tại buổi giao lưu

Bậc thầy IoT cũng khẳng định rằng, các phần mềm cho Things có thể rất đơn giản và gần gũi, chẳng hạn giải pháp máy quét đường chính xác và tự động, hệ thống nuôi trồng thuỷ sản chính xác mà Việt Nam có thế mạnh, hay các ứng dụng chính xác khác trong nông nghiệp. Khi có hiệu quả tốt, các bạn có thể xuất khẩu các phần mềm đó đi khắp thế giới. Tương tự, các hệ thống máy dệt của Việt Nam cũng có thể sử dụng giải pháp để chính xác hơn, thúc đẩy ngành dệt may Việt Nam tăng tốc phát triển.

Tại cuộc tiếp kiến với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, vị chuyên gia IoT này đặt câu hỏi: “Tại sao Việt Nam không trở thành nước dẫn đầu, nước tiên phong về nghiên cứu và triển khai IoT? Tại sao Việt Nam không đầu tư vào IoT, đào tạo kỹ sư phần mềm IoT thay cho chương trình đào tạo 1 triệu kỹ sư gia công phần mềm?”.

Lý do ông đặt vấn đề này là vì IoT là lĩnh vực mới trên thế giới. Tất cả các nước, phát triển hay đang phát triển đều đang ở vạch xuất phát khi bước chân vào lĩnh vực này và đây là cơ hội bình đẳng cho các nước, trong đó có Việt Nam, đất nước mà ông “rất ấn tượng với những ứng dụng và nghiên cứu bước đầu về IoT”.

Khuyến nghị này của TS Timothy Chou về việc trở thành nước tiên phong đầu tư vào IoT, đào tạo kỹ sư phần mềm IoT được Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đánh giá là “một ý tưởng hay, mạnh mẽ và sáng tạo” và đề nghị các đơn vị của Bộ đưa vấn đề này vào các chương trình hoạch định chính sách của Bộ.

Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông là đơn vị khởi xướng, đi đầu, là lượng lượng nòng cốt tạo tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Chính phủ đã đề ra. Chuyến thăm của TS Timothy Chou cùng với một chuỗi các sự kiện, Hội thảo, Hội nghị khác là nhằm thực hiện một trong các nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao: “Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, bản thân các tập đoàn, tổng công ty phải làm tốt công tác truyền thông, tăng cường nhận thức về Cách mạng công nghiệp 4.0, “để toàn xã hội, từng người dân, mọi doanh nghiệp, mọi cơ quan, các tổ chức đều hiểu về thời cơ, thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Ngành thông tin và Truyền thông xác định ngành viễn thông sẽ là ngành khởi động cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này. Ngành viễn thông là xương sống cho CM4.0 khi là trung gian kết nối với các IoT. Ngành viễn thông sẽ phát triển mạnh về chiều rộng ở cấu trúc và khả năng kết nối, vùng phủ, băng thông, khả năng đáp ứng. Liên quan đến nội dung này, những doanh nghiệp viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông như VNPT, MobiFone đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng IoT vào hoạt động sản xuất kinh doanh.

Với MobiFone, ngoài việc đồng hành cùng các chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức, cung cấp kinh nghiệm cho cộng đồng doanh nghiệp về Cách mạng 4.0, IoT, MobiFone còn triển khai cung cấp nhiều dịch vụ IoT như:, Truyền hình MobiTV trên nền tảng 4G, Internet siêu tốc độ, xem video 4K…Trong đó, đặc biệt là 2 sản phẩm IoT độc lập đồng hồ thông minh TioKid và MobiTrack đáng chú ý và một loạt sản phẩm khác sẽ được cung cấp trong tương lai.